|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Tiến sĩ Bùi Hải Hưng: Cơ hội phát triển AI tại Việt Nam là giải quyết những vấn đề của chính người Việt

17:50 | 17/04/2019
Chia sẻ
Được đánh giá là một trong những nhà khoa học Việt Nam hàng đầu về trí tuệ nhân tạo (AI) nghiên cứu và làm việc tại nước ngoài, tiến sĩ Bùi Hải Hưng được Vingroup mời từ Google Deepmind về làm viện trưởng VinAI Research.

Tháng 10/2018, trong một lần trao đổi với VTV, tiến sĩ Bùi Hải Hưng mong muốn một ngày có thể trở về làm việc tại Việt Nam, đóng góp sức mình trong việc xây dựng lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) tại nước nhà.

Nửa năm sau, ước nguyện của cựu sinh viên khoa Toán, Đại học Tổng hợp Hà Nội trở thành hiện thực. Tập đoàn Vingroup thành lập Viện Nghiên cứu trí tuệ Nhân tạo – VinAI Research (trực thuộc Công ty VinTech) và mời ông về làm viện trưởng.

Theo định hướng, Viện sẽ nghiên cứu những vấn đề khoa học cơ bản trong AI mà cốt lõi là các thuật toán về học máy, học sâu và ứng dụng trong môt loạt các lĩnh vực như xử lý và hiểu hình ảnh, video, ngôn ngữ, giọng nói, hành vi tương tác người dùng… Đặc biệt, Viện sẽ ưu tiên những vấn đề thế giới đang quan tâm hoặc những vấn đề mang tầm quan trọng cốt lõi đối với Việt Nam.

Mục tiêu của Viện là xây dựng một lực lượng nòng cốt các chuyên gia hàng đầu về AI cho Vingroup nói riêng và Việt Nam nói chung. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng là ươm mầm cho những tài năng về AI cho Việt Nam trong tương lai, đồng thời tư vấn và chuyển giao kiến thức công nghệ cho Tập đoàn hoặc các đối tác.    

Sinh năm 1973, Tiến sĩ Bùi Hải Hưng là bạn đồng trang lứa với Giáo sư Ngô Bảo Châu tham dự kỳ thi Olympic Toán quốc tế lần thứ 30 tại Đức và đạt giải bạc.

Giai đoạn 1994 – 2000, ông học tiến sĩ và nghiên cứu sâu về ngành khoa học máy tính tại Đại học Công nghệ Curtin, Perth, Úc.

Từ năm 2000 – 2003, ông làm giảng viên (trợ lý giáo sư) khoa học máy tính tại đại học Curtin.

Từ năm 2003, ông trở thành nhà khoa học máy tính, sau đó nghiên cứu gần 10 năm tại trung tâm trí tuệ nhân tạo SRI International (viện nghiên cứu Stanford), công viên Menlo, CA, Mỹ.

Giai đoạn 2012 – 2014, ông phụ trách cao cấp nghiên cứu về việc hiểu ngôn ngữ tự nhiên tại Nuance Comunications, Sunnyvale, CA, Mỹ.

Từ 2014 – 2017, ông nghiên cứu về học máy cao cấp tại Adobe Research, trước khi chuyển sang làm việc tại Google Deepmind từ tháng 1/2018.

Tiến sĩ Bùi Hải Hưng: Cơ hội phát triển AI tại Việt Nam là giải quyết những vấn đề của chính người Việt - Ảnh 2.

Theo giới thiệu trên trang mạng xã hội nghề nghiệp Linkedin, chuyên môn của tiến sĩ Bùi Hải Hưng trải rộng trên nhiều lĩnh vực về AI bao gồm các mô hình đồ họa xác suất, suy luận Bayes, học máy, đặc biệt là các mô hình cho dữ liệu tuần tự và quan hệ, các ứng dụng trong nhận dạng hoạt động/ý định của con người, hiểu video và ngôn ngữ tự nhiên…

Sở thích của ông quay quanh các vấn đề đầy thách thức về cách làm sao cho máy có thể hiểu hơn về con người, đây là vấn đề cốt yếu của các công nghệ hỗ trợ thông minh, hỗ trợ cá nhân và quản lý đối thoại.

Tại trung tâm AI, SRI International, ông đứng đầu một nhóm nghiên cứu đa tổ chức phát triển các công nghệ suy luận xác suất để hiểu được các hoạt động của người dùng trong dự án CALO (dự án tách ra khỏi Siri).

Trong quãng thời gian làm việc của mình tính đến thời điểm hiện tại, tiến sĩ Hưng đã có đóng góp trong gần 90 công trình bao gồm sách, các bài báo, luận văn, báo cáo kỹ thuật về các vấn đề Ai và khoa học máy tính.

Ông được cấp 3 bằng sáng chế tại Mỹ vào các năm 2014, 2016 và 2018 về các ứng dụng hỗ trợ người dùng trên thiết bị di động và hơn chục công trình đang chờ cấp phép.

Theo quan điểm của tân Viện trưởng VinAi Research, Việt Nam có nhiều tiềm năng trong việc phát triển trí tuệ nhân tạo do có những chuyên gia hàng đầu về AI đang công tác tại nước ngoài.

Việt Nam cũng là một nước tương đối đông dân, chi phí giá lao động rẻ, do đó hoàn toàn có thể tận dụng để tạo ra cơ sở dữ liệu lớn, đây là điều quan trọng trong phát triển AI.

Vấn đề mà Việt Nam đang gặp phải là đào tạo nhân tài phát triển thế hệ tiếp theo, khi vấn đề này chưa được giải quyết Việt Nam sẽ không đủ người để phát triển trí tuệ nhân tạo. Theo ông Hưng, đào tạo và nghiên cứu cơ bản là hai vấn đề song song, đặc biệt là nghiên cứu cơ bản rất cần trong ứng dụng thực tiễn.

"Việt Nam vẫn có thể có những giấc mơ tạo ra những sản phẩm ngang tầm thế giới, nhưng có thể thực hiện một cách khôn ngoan hơn là chọn những bài toán cụ thể cho môi trường và đất nước Việt Nam để phát triển giải pháp", tiến sĩ Hưng chia sẻ.

Ông lấy ví dụ về những bài toán xử lý ngôn ngữ, xử lý giọng nói, những bài toán có thể cụ thể hóa cho ngôn ngữ tiếng Việt, hay những bài toán về y tế xung quanh những bệnh thường xảy ra ở Việt Nam.

Thế giới không quan tâm sâu đến những vấn đề cụ thể của Việt Nam, đây là cơ hội cho chính người Việt Nam làm điều đó.

"Quãng thời gian tôi còn làm việc ở nước ngoài, đồng nghiệp hỏi tôi đến từ đâu, tôi nói ở Việt Nam thì họ rất ngạc nhiên. Điều này tạo cho tôi cảm giác để cho họ biết được là người Việt cũng đang có những con người làm việc ở tầm thế giới", tiên viện trưởng VinAi Research chia sẻ.

Bạch Mộc