|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thủy sản, gỗ gồng mình ứng phó với khách Mỹ, EU hủy đơn hàng

07:06 | 02/04/2020
Chia sẻ
Các nhà hàng, khách sạn, quán ăn… đã đóng cửa để ngăn chặn nguy cơ đại dịch bùng phát dẫn đến đơn hàng mới về thủy hải sản chưa được ký lại, hàng tồn kho nhiều.

Do tác động của dịch COVID-19, nhiều đơn hàng của các công ty ngành gỗ và thủy sản bị hủy. Điều này dẫn tới hoạt động sản xuất bị ngừng trệ, hàng triệu lao động đứng trước nguy cơ bị mất việc làm, ảnh hưởng không nhỏ tới an sinh xã hội.

“Diễn biến quá nhanh”

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Kỹ nghệ gỗ Tiến Đạt, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, cho biết cùng với nhiều ngành khác ngành gỗ cũng đang chịu tác động rất lớn từ dịch COVID-19.

Đơn cử như mặt hàng gỗ outdoor đang bị đối tác từ Mỹ và châu Âu hủy đơn lên tới 70%; mặt hàng indoor bị ngưng đơn 50%-55% và mặt hàng dăm gỗ, giấy, ván ép... cũng trong tình trạng tương tự.

Nguyên nhân là nhiều trung tâm thương mại lớn trên thế giới tại thị trường Mỹ, châu Âu... đang trong đỉnh dịch nên giao thương giảm sút, dẫn đến các nhà nhập khẩu phải tạm ngưng đơn hàng vì không bán được. Khách hàng thông báo sẽ nhận lại hàng sau khi tình hình dịch được kiểm soát, thị trường ổn định trở lại.

“Hai tháng đầu năm nay, ngành gỗ vẫn tăng 27% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng chỉ trong 15 ngày đầu tháng 3 đã sụt giảm hơn 10%. 

Dự báo đến hết tháng 3 sẽ sụt giảm hơn năm ngoái rất nhiều, tháng 4 thì càng sụt giảm hơn nữa. Với tình hình hiện nay, ngành gỗ khó đạt được mục tiêu xuất khẩu như Thủ tướng giao” - ông Lập lo ngại.

Ông Lê Xuân Quân, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Kiến trúc và nội thất Nano, cũng cho biết các đối tác tại châu Âu và Mỹ đang liên tục thông báo hủy đơn hàng. Như tại Công ty Nano, tỉ lệ khách hàng ở Mỹ thông báo hủy đơn lên tới 99%.

“Khi dịch bệnh xảy ra tại Trung Quốc, các đơn vị trong ngành cũng đã đề phòng vấn đề này nhưng không lường được thị trường diễn biến quá nhanh như vậy, nhất là tại Mỹ. Với tình hình hiện nay, chỉ trong 10-15 ngày tới, chúng tôi sẽ phải đóng cửa công ty” - ông Quân lo lắng.

Không riêng ngành gỗ, các công ty thủy sản cũng bị sụt giảm 35%-50% đơn hàng do COVID-19. Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) dẫn thông tin từ các công ty xuất khẩu cá tra cho hay: Từ tháng 1-2020 gần như toàn bộ hoạt động xuất khẩu cá tra mới bị gián đoạn hoặc ngưng trệ sang thị trường lớn nhất Trung Quốc.

Tuy nhiên, kể từ tháng 3, dịch COVID-19 tại châu Âu, Mỹ... bắt đầu phức tạp nên tại một số nước, khách hàng đã tạm dừng mọi giao dịch. Bên cạnh đó, các nhà hàng, khách sạn, quán ăn đã đóng cửa để ngăn chặn nguy cơ đại dịch bùng phát dẫn đến đơn hàng mới chưa được ký lại, hàng tồn kho nhiều. 

Đến giữa tháng 3, nhiều đơn hàng tại Trung Đông, châu Á hay Nam Mỹ cũng bắt đầu ách tắc, hủy hoặc thông báo tạm ngừng mà chưa có thời gian quay trở lại.

“Đã có 35%-50% đơn hàng xuất khẩu tôm đi Mỹ và EU bị tạm hoãn giao hàng hoặc hủy do khách không bán được. Lượng tồn kho tại các công ty xuất khẩu và nhập khẩu đều lớn, kho lạnh đã đầy và không còn đủ sức chứa. Nhiều nước nhập khẩu, nhà cung cấp đã linh hoạt giảm giá bán 25%-30% nhưng cũng không thể kích cầu” - đại diện VASEP nêu thực tế.

Thủy sản, gỗ gồng mình ứng phó với khách Mỹ, EU hủy đơn hàng - Ảnh 1.

Các đối tác tại châu Âu và Mỹ liên tục thông báo hủy đơn hàng khiến ngành gỗ Việt gặp khó. Trong ảnh: Chế biến gỗ xuất khẩu đi châu Âu. Ảnh: KHÁNH VŨ

Chạy đua tìm giải pháp

Thống kê sơ bộ cho thấy riêng ngành gỗ có hơn 5.000 doanh nghiệp (DN) với khoảng 80.000-90.000 lao động. Nhiều DN gỗ lo ngại với tình trạng khách hàng hủy đơn như hiện nay sẽ khiến các nhà máy phải dừng hoạt động, ảnh hưởng đến sinh kế của hàng ngàn lao động.

Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam Đỗ Xuân Lập cho biết trước tình hình trên, các DN dự kiến sẽ giảm công suất, cố gắng đàm phán khách hàng vẫn sản xuất và đưa hàng về kho. Với các hợp đồng đã được ký, các DN cần giao nhanh và thu tiền nhanh để giảm bớt nợ đọng tài chính và hàng tồn kho. 

Đồng thời, tăng cường bán hàng online qua các trang mạng như Amazon, Alibaba; tăng cường quảng cáo sản phẩm trên không gian mạng...

“Chúng tôi đang tổng hợp các phản ánh của DN để có đánh giá chính xác. Từ đó đề xuất với Chính phủ, bộ, ngành chính sách để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN, nhất là chính sách về an sinh xã hội của người lao động như giảm đóng bảo hiểm, giãn nợ đến hạn...” - ông Lập nói.

Thông tin từ VASEP cũng cho hay dù hoạt động sản xuất và xuất khẩu của các DN thủy sản đang gặp rất nhiều khó khăn ở hầu hết thị trường nhưng nhiều đơn vị vẫn đang cố gắng duy trì công ăn việc làm cho công nhân. 

Đặc biệt, nhiều công ty phân chia lại lịch làm việc cho phù hợp với mức lương giảm tương ứng, đào tạo tay nghề cho người lao động.

Theo Bộ NN&PTNT, với dự đoán mức độ tác động dịch bệnh hiện tại, EU và Mỹ có thể mất trên ba tháng để khống chế. 

Như vậy, đến tháng 6, tháng 7, thị trường nhập khẩu nông, lâm, thủy sản mới có thể kích hoạt phục hồi lại bình thường. Riêng thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc bị ảnh hưởng trong nửa cuối tháng 3 đến tháng 5 và hoạt động nhập khẩu nông sản sẽ quay trở lại vào tháng 6, tuy nhiên mức tăng có thể sẽ không nhiều.

Trung Quốc giảm thuế 80 mặt hàng thực phẩm để thúc đẩy nhập khẩu

Thông tin từ Bộ NN&PTNT cho hay hiện tình hình dịch COVID-19 tại Trung Quốc đang được kiểm soát khá tốt. Do đó, thị trường nông sản tại đây sẽ phục hồi lại vào cuối tháng 3, đầu tháng 4 dẫn tới nhu cầu nhập khẩu nông sản cao, nhất là các mặt hàng thực phẩm.


Đáng chú ý, để thúc đẩy nhập khẩu, Trung Quốc đặc biệt chú trọng khôi phục vận hành bình thường của hoạt động logistics, chuyển phát nhanh hàng hóa. Qua đó nhằm giải phóng sức tiêu thụ ở trong nước.


Ngoài các biện pháp cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, Trung Quốc cũng tiến hành giảm thuế 80 mặt hàng thực phẩm (trong tổng số trên 800 mặt hàng) để thúc đẩy nhập khẩu đáp ứng nhu cầu trong nước.


“Đây sẽ là cơ hội dành cho việc tiêu thụ hàng hóa, trong đó có nông sản. Thị trường Trung Quốc sẽ là một trong những khu vực quyết định, chi phối đầu ra sản phẩm nông sản Việt Nam trong năm 2020” - Bộ NN&PTNT đánh giá.

An Hiền