|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản giảm 8,3% do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19

15:32 | 01/04/2020
Chia sẻ
Theo Bộ Công Thương với tác động của dịch COVID-19, hầu hết các sản phẩm nông sản đều có kim ngạch sụt giảm. Vào thời điểm đầu tháng 2, khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh ở Trung Quốc, giao dịch thương mại với Trung Quốc qua cửa khẩu đường bộ đất liền gần như đình trệ.

Xuất khẩu nông sản chịu tác động mạnh bởi COVID-19

Theo Bộ Công Thương kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm thủy sản trong quí I  ước đạt 5,28 tỉ USD, giảm 8,3% so với cùng kì năm ngoái. 

Với tác động của dịch COVID-19, hầu hết các sản phẩm nông sản đều có kim ngạch sụt giảm. Vào thời điểm đầu tháng 2, khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh ở Trung Quốc, giao dịch thương mại với Trung Quốc qua cửa khẩu đường bộ đất liền gần như đình trệ. 

Hoạt động giao dịch qua các cửa khẩu đường bộ với Trung Quốc đã từng bước được tháo gỡ. 

Hoạt động xuất nhập khẩu tại một số cửa khẩu biên giới Việt Trung đã trở lại bình thường, tiến độ thông quan tích cực hơn thời điểm đầu tháng 2 nhưng vẫn còn khó khăn do lực lượng bốc xếp của phía Trung Quốc còn mỏng. 

Trong khi đó, xuất khẩu sang các thị trường châu Âu và Hoa gặp nhiều khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 đang lan rộng tại các nước này.

Tính tới thời điểm hết tháng 3/2020, những mặt hàng bị tác động trực tiếp bởi COVID-19 có: Rau quả (kim ngạch giảm 11,5% so với cùng ), thủy sản (giảm 11,2%), cao su (giảm 26,1%). 

Bên cạnh đó, những mặt hàng có thể chịu tác động trong trung hạn do nhu cầu tiêu thụ giảm có: Cà phê giảm 6,4%, chè các loại giảm 14,9%; hạt tiêu giảm 17,6% do hệ thống các nhà hàng, hoạt động du lịch, giao thông giảm sút, kéo theo sụt giảm nhu cầu các mặt hàng này. 

Riêng gạo là một trong số ít mặt hàng không bị tác động nhiều bởi dịch COVID-19 khi cả giá trị và sản lượng xuất khẩu đều tăng đáng kể so với cùng kì năm 2019. 

Tính chung trong 3 tháng đầu năm 2020, sản lượng xuất khẩu gạo đạt 1,41 triệu tấn, giá trị kim ngạch 653 triệu USD, tăng 1,1% về lượng và 7,9% về giá trị (cùng giảm 18,5% về trị giá).

Lên phương án xuất khẩu nông sản cho kịch bản Trung Quốc hết dịch

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong tháng 4, Bộ sẽ thực hiện các phương án, kịch bản xuất khẩu nông sản đáp ứng nhu cầu tăng cao khi Trung Quốc hết dịch. 

Tập trung giải quyết các rào cản thuật, đàm phán mở rộng thị trường (mở rộng công nhận vùng sản xuất, loại sản phẩm, doanh nghiệp xuất khẩu) sang các nước EU, Liên minh kinh tế Á – Âu, Mỹ, Brazil… và xuất khẩu thủy sản sang thị trường Arab Saudi.

Thường xuyên cập nhật diễn biến, tình hình tại các thị trường trọng điểm bị ảnh hưởng bởi dịch, kịp thời tham mưu, báo cáo, đề xuất giải pháp ứng phó. 

Theo dõi sát tình hình xuất khẩu nông sản qua các cửa khẩu biên giới với Trung Quốc; làm việc với phía bạn để xác định cụ thể các biện pháp bảo đảm thông quan hàng hóa, kiểm soát tốt dịch bệnh.

 Thúc đẩy tái cơ cấu thị trường xuất nhập khẩu theo hướng bền vững. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương, các cơ quan, doanh nghiệp theo dõi sát sao diễn biến giá cả, cung cầu các mặt hàng nông sản thiết yếu trong nước (lúa gạo, thịt heo, rau quả, thủy sản, đường, muối) để cân đối cung cầu, đảm bảo an ninh lương thực trong nước và duy trì xuất khẩu nông sản. 

Nâng cao chất lượng dự báo thị trường và kịp thời thông tin tới các địa phương, doanh nghiệp để có kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp. 

Phối hợp với Bộ Công Thương, các địa phương, doanh nghiệp kết nối thu mua nông sản, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trong các hệ thống, chuỗi siêu thị lớn đảm bảo cung ứng đầy đủ lương thực, thực phẩm cho người dân, đặc biệt trong thời gian Chính phủ áp dụng các biện pháp mạnh để phòng chống COVID-19

Khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao chất lượng bảo quản, chế biến nông sản. 

H.Mĩ