|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Thương vụ Grab mua lại Trans-cab tại Singapore bất thành

09:30 | 27/07/2024
Chia sẻ
Sau khi đánh giá sơ bộ cho thấy việc mua lại có thể tạo ra rào cản cho các đối thủ cạnh tranh, cơ quan chức năng của Singapore đã yêu cầm chấm dứt thương vụ mua lại hãng taxi lớn thứ ba nước này của Grab.

Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Singapore (CCCS) cho biết đã nhận được thông báo từ Grab và Trans-cab vào đầu tuần rằng hai bên sẽ không tiến hành thương vụ mua bán như đã đề xuất trước đó, tờ Channel News Asia (CNA) đưa tin.

Thương vụ này được công bố lần đầu vào tháng 7 năm ngoái. Cơ quan này đã bắt đầu đánh giá chi tiết thương vụ từ tháng 1 và kết quả đánh giá sơ bộ cho thấy việc mua lại có thể tạo ra rào cản cho các đối thủ cạnh tranh. 

Đầu tháng này, CCCS cảnh báo tài xế và hành khách có thể phải đối mặt với giá cả cao hơn nếu các ràng buộc cạnh tranh đối với Grab từ các đối thủ bị suy yếu. "Với việc chấm dứt thương vụ đề xuất, các bên đã rút lại đơn xin quyết định từ CCCS và CCCS đã chấm dứt đánh giá về thương vụ này," CCCS cho biết hôm 25/7.

Kế hoạch mua lại Trans-cab của Grab diễn ra sau vụ sáp nhập giữa Strides Taxi và Premier Taxis năm ngoái để trở thành hãng taxi lớn thứ hai Singapore. Năm 2018, CCCS đã phạt Grab và nền tảng đặt xe Uber 13 triệu USD Singapore (9,6 triệu USD) vì vụ sáp nhập của hai đơn vị gọi xe công nghệ này.

Thương vụ này dẫn đến sự giảm đáng kể cạnh tranh trên thị trường, cơ quan giám sát khi đó cho biết, nhấn mạnh việc Grab tăng giá và thay đổi chương trình khách hàng thân thiết sau khi mua lại hoạt động của Uber ở Đông Nam Á.

 

Cơ quan này nói thêm rằng Grab và Trans-cab "bày tỏ sự tôn trọng đối với quy trình quản lý và đánh giá cao CCCS vì đã xem xét kỹ lưỡng". CCCS cũng ghi nhận "cam kết của Grab trong việc hoạt động tuân thủ luật cạnh tranh và ý định đóng góp tích cực vào cảnh quan cạnh tranh ở Singapore".

 

"CCCS khuyến khích các doanh nghiệp có kế hoạch mua lại tham gia với CCCS ở giai đoạn đầu của quá trình nếu họ đánh giá rằng kế hoạch của họ có khả năng gây ra lo ngại về cạnh tranh," cơ quan này cho biết.

 

 Grab thông báo kế hoạch mua lại hãng taxi lớn thứ ba Singapore hồi tháng 7/2023. (Ảnh: CNA).

Theo luật cạnh tranh, bất kỳ vụ sáp nhập nào có thể dẫn đến giảm đáng kể cạnh tranh ở Singapore đều bị cấm. Nếu CCCS phát hiện tình huống sáp nhập dẫn đến giảm đáng kể cạnh tranh, cơ quan này có thể yêu cầu hủy bỏ hoặc điều chỉnh thương vụ.

Tháng 7 năm ngoái, Grab thông báo mua lại Trans-cab - hãng taxi lớn thứ ba Singapore với hơn 2.500 xe. Thương vụ sẽ bao gồm hoạt động kinh doanh taxi và cho thuê xe, xưởng bảo dưỡng và trạm xăng của Trans-cab. Hai công ty trước đó cho biết 100% cổ phần Trans-cab sẽ được mua thông qua công ty cho thuê xe của Grab.

Bà Jasmine Tan, Tổng Giám đốc Trans-cab, khi đó nói rằng công ty nhận thấy cần số hóa hoạt động kinh doanh do hành vi người tiêu dùng thay đổi và đã ký kết thỏa thuận với "sự đảm bảo đầy đủ rằng Grab sẽ nỗ lực hết sức để bảo vệ sinh kế của các tài xế taxi".

Trong khi đó, Grab cho biết họ dự định ra mắt ứng dụng nâng cao tích hợp với màn hình hiển thị trên xe taxi Trans-cab, cho phép tài xế quản lý thu nhập và nhận đặt xe từ nền tảng Grab cũng như tổng đài hiện có của Trans-cab, tất cả thông qua một nền tảng duy nhất.

Tuy nhiên, CCCS năm nay cho biết việc sáp nhập có thể tạo đòn bẩy cho Grab khiến tài xế Trans-cab sử dụng nền tảng của Grab thay vì các đối thủ cạnh tranh, thêm rằng các tài xế thuê xe từ các đội xe do nền tảng đặt xe sở hữu ít có khả năng sử dụng nền tảng khác với nền tảng họ thuê xe.

Ngoài ra, việc mua lại có thể cho phép Grab giảm đáng kể khoản tiền khuyến khích phải trả cho tài xế, so với việc sử dụng các phương tiện thay thế để tăng nguồn cung tài xế. Kết quả là, thương vụ mua lại dự kiến sẽ củng cố và tăng cường vị thế thống lĩnh hiện tại của Grab trên thị trường nền tảng đặt xe, điều này sẽ không có lợi cho tài xế và hành khách, CCCS cho biết.

Một chuyên gia phân tích cho rằng những vụ sáp nhập như vậy có thể khả thi nếu không có các biện pháp hạn chế sự thống lĩnh thị trường. "Tôi tin rằng ngành công nghiệp đặt xe và taxi có khả năng vẫn giữ nguyên hiện trạng," Phó Giáo sư Raymond Ong nói với CNA.

"Điều này cũng có thể thúc đẩy các đối thủ nhỏ hơn (xe công nghệ và taxi) hợp nhất thay vì một vụ sáp nhập liên quan đến một công ty thống lĩnh," TS Ong từ Khoa Kỹ thuật Dân dụng và Môi trường tại Đại học Quốc gia Singapore cho biết.

Trả lời câu hỏi của CNA, Grab nhắc lại tuyên bố từ đầu tháng này rằng họ "muốn hỗ trợ Trans-Cab trong quá trình chuyển đổi số và giúp cải thiện sinh kế của tài xế" khi hành vi người tiêu dùng thay đổi. "Người tiêu dùng vẫn có thể tiếp cận cả xe công nghệ và taxi từ nhiều công ty taxi thông qua ứng dụng Grab," công ty công nghệ cho biết, lập luận rằng việc sáp nhập có thể vừa tăng thu nhập cho tài xế vừa giảm giá cước cho hành khách cùng một lúc.

"Với chi phí cao để đưa xe lên đường ở Singapore, tài xế cần thấy sự tăng thu nhập. Nếu không có sự cải thiện về thu nhập, số lượng tài xế giỏi trong ngành này sẽ giảm hơn nữa', hãng gọi xe cho biết.

Thành Vũ

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.