Đến cựu CEO Grab, VinID cũng bó tay: Nông nghiệp Việt có phải kém duyên với các startup?
Các công ty khởi nghiệp công nghệ nông nghiệp (agritech) tại Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc ứng dụng công nghệ để phát triển, mặc dù lĩnh vực này vẫn thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư và dần dần "ấm" lên với ý tưởng nông nghiệp chính xác.
Việc một số startup như Kilimo và Koina gần đây phải đóng cửa đã cho thấy những thách thức mà ngành công nghiệp còn non trẻ này đang phải đối mặt.
Kilimo, một trong những nền tảng nông nghiệp đầu tiên của Việt Nam, cho phép nông dân mua từ xa các nguyên liệu thô như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thiết bị và thức ăn chăn nuôi với giá cả cạnh tranh. Nền tảng này hướng tới mục tiêu trở thành "một cửa" cho nông dân, bao gồm cả các lựa chọn mua hàng trả góp.
Năm 2019, Kilimo Finance đã giành được giải thưởng ở hạng mục khởi nghiệp giai đoạn đầu tốt nhất trong cuộc thi Fintech Challenge Vietnam. Tuy nhiên, DealStreetAsia phát hiện ra rằng Kilimo hiện đã ngừng hoạt động, trang web của họ cũng không còn truy cập được.
Koina, một startup agritech khác, cũng được cho là đã tạm dừng hoạt động. Hiện chưa rõ Koina đang chuyển hướng hay đóng cửa hoàn toàn, nhưng có vẻ như họ đã ngừng hoạt động, theo nguồn tin thân cận với DealStreetAsia.
DealStreetAsia cũng được biết rằng đồng sáng lập Thi Nguyen của Koina đã rời công ty để bắt đầu một dự án kinh doanh mới.
Thành lập năm 2021 bởi các cựu giám đốc điều hành từ các công ty như Grab, VinID và SCommerce, Koina đã nhận được 1 triệu USD tài trợ từ VinaCapital Ventures vào năm 2023. Koina hướng tới việc tạo ra một hệ sinh thái nông nghiệp ứng dụng công nghệ tại Việt Nam, kết nối nông dân với các nhà bán lẻ, tổ chức tài chính và nhà cung cấp đầu vào, tương tự như mô hình DeHaat của Ấn Độ.
Trước đó, Koina cũng đã huy động được một vòng gọi vốn không được tiết lộ từ Glife Technologies của Singapore.
Những khó khăn của Kilimo và Koina cho thấy những thách thức chung mà các startup agritech Việt Nam đang gặp phải. Theo các chuyên gia, một trong những vấn đề lớn là khoảng cách kỹ thuật số - việc tiếp cận Internet hạn chế và trình độ kỹ thuật số chưa cao của nông dân đã cản trở việc áp dụng công nghệ.
Ngoài ra, tình trạng phân tán ruộng đất, với các trang trại nhỏ lẻ và nằm rải rác, khiến việc triển khai các giải pháp công nghệ quy mô lớn trở nên đặc biệt khó khăn.
Khó khăn về tài chính cũng là một trở ngại lớn. Việc gọi vốn rất khó khăn đối với các startup trong một lĩnh vực được coi là rủi ro cao. Hơn nữa, việc phát triển cơ sở hạ tầng dữ liệu mạnh mẽ, điều cần thiết cho nông nghiệp chính xác, vẫn còn đang ở giai đoạn đầu. Những trở ngại này cho thấy bức tranh phức tạp mà các startup agritech tại Việt Nam đang phải đối mặt trong nỗ lực đổi mới và phát triển, các chuyên gia chỉ ra.
Năm 2019, người sáng lập Kilimo Finance, Arnold Tijdens, đã chia sẻ với Nhịp cầu đầu tư rằng: "Công nghệ tài chính rất cạnh tranh, đặc biệt là trong lĩnh vực thanh toán. Tuy nhiên, trong việc kết nối các doanh nghiệp nông nghiệp vừa và nhỏ, chúng tôi là nền tảng duy nhất của Việt Nam."
Trong một cuộc phỏng vấn trước đó với DealStreetAsia, đồng sáng lập Koina, Nguyen, đã đề cập đến việc chuyển hướng tập trung sang xây dựng một nền tảng đầu tư gây quỹ cộng đồng dựa trên blockchain cho cộng đồng. Ông cho biết: "Thị trường phân phối nông sản còn manh mún. Không có tiêu chuẩn chất lượng cụ thể và người tiêu dùng chủ yếu quan tâm đến giá cả."
Dù gặp nhiều khó khăn, các startup agritech Việt Nam vẫn tiếp tục gọi vốn thành công, cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư vào tiềm năng của lĩnh vực này vẫn chưa hề suy giảm.
Tháng 3 năm nay, DealStreetAsia lần đầu tiên đưa tin về Techcoop, một startup agritech có trụ sở tại TP HCM, đã gọi vốn được hơn 5 triệu USD từ các ngân hàng trong nước, bao gồm cả vốn cổ phần và vốn vay.
Vòng gọi vốn cổ phần này được đồng dẫn dắt bởi quỹ đầu tư mạo hiểm (VC) nội địa Ascend Vietnam Ventures (AVV) và quỹ VC đến từ Singapore TNB Aura thông qua chương trình TNBA Scout dành cho thị trường Việt Nam. Ethos Ventures, quỹ đầu tư tác động xã hội Hàn Quốc MYSC và Mandala Capital cũng tham gia vào vòng gọi vốn này.
Trước đó, Tepbac, một startup Việt Nam, đã gọi vốn thành công 2,25 triệu USD trong vòng pre-Series A. Tepbac cung cấp phần cứng và hệ thống dữ liệu hỗ trợ IoT cho người nuôi tôm, đồng thời vận hành một nền tảng truyền thông về nuôi trồng thủy sản. Aqua-Spark, AgFunder và Son-Tech Investment đã tham gia vào vòng gọi vốn này.
Năm ngoái, FoodMap, một công ty agritech Việt Nam khác, cũng đã gọi vốn được 1 triệu USD trong vòng gọi vốn bắc cầu để mở rộng sang các thị trường mới. Các nhà đầu tư hiện tại, bao gồm Vulpes Investment Management, BEENEXT và Wavemaker Partners, tiếp tục tham gia vòng này, cùng với một family office mới đến từ Singapore.
Giữa những thách thức, nông nghiệp chính xác, với việc ứng dụng công nghệ để tối ưu hóa sử dụng tài nguyên, cải thiện năng suất và trao quyền cho nông dân, đã trở thành một tia hy vọng mới cho ngành nông nghiệp Việt Nam.
Theo ông Tiên Nguyễn, đồng sáng lập và tổng giám đốc của Earth VC, đã đến lúc chúng ta cần nghiêm túc xem xét phương pháp này. Ông chia sẻ: “Không quá muộn, vì vẫn còn nhiều khía cạnh cần tối ưu hóa trong khu vực. Cũng không quá sớm, vì các công nghệ tiên tiến như GPS, cảm biến Internet of Things (IoT), máy bay không người lái và trí tuệ nhân tạo (AI) đã đạt đến độ ổn định.”
Ông nói thêm: “Công nghệ sẽ ngày càng chính xác hơn với lượng dữ liệu khổng lồ và sẽ giúp tăng hiệu quả trong nông nghiệp.”
Earth VC đã đầu tư vào TreeToScope, một công ty tưới tiêu chính xác với công nghệ cảm biến trực tiếp trên cây trồng giúp tối ưu hóa việc sử dụng nước, cải thiện năng suất cây trồng lên tới 20%. Họ cũng đã đầu tư vào Kuva Space, công ty sở hữu một chòm sao các vệ tinh siêu quang phổ, cho phép thu thập dữ liệu chi tiết về mức độ phát thải khí mê-tan và tình trạng sức khỏe của cây trồng từ không gian.
Earth VC đang trong quá trình gọi vốn cho quỹ thứ hai trị giá 100 triệu USD, tập trung vào các startup giai đoạn đầu cung cấp giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu. DealStreetAsia cũng được biết rằng startup agritech enfarm Agritech đang hoàn tất vòng gọi vốn pre-seed với sự tham gia của quỹ VC trong nước Ai Viet Ventures, Touchstone Partners và một số nhà đầu tư khác.
Được thành lập vào năm 2023 bởi Nguyễn Đỗ Dũng, một chuyên gia về quy hoạch và thiết kế đô thị, enfarm Agritech giải quyết một vấn đề quan trọng trong canh tác truyền thống - hầu hết nông dân trồng trọt dựa trên kinh nghiệm mà không có sự hỗ trợ của dữ liệu. Công ty đặt mục tiêu tận dụng sức mạnh của IoT và AI để phát triển công nghệ bón phân thông minh.
Ông Tiên Nguyễn tại Earth VC cho biết một số lĩnh vực cụ thể của nông nghiệp chính xác đang rất hấp dẫn các nhà đầu tư tại Việt Nam và Đông Nam Á. Thị trường tưới tiêu chính xác toàn cầu dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ CAGR là 13,5% từ năm 2021 đến 2028. Tại Việt Nam, các dự án thí điểm đã cho thấy tưới tiêu chính xác có thể giảm lượng nước sử dụng tới 30% đồng thời tăng năng suất cây trồng thêm 20%.
Thị trường AI trong nông nghiệp cũng được dự đoán sẽ tăng từ 1 tỷ USD vào năm 2020 lên 4 tỷ USD vào năm 2026, với tốc độ CAGR là 25,5%. Đầu tư vào các nền tảng ứng dụng AI trong nông nghiệp đang gia tăng ở Đông Nam Á, đặc biệt là ở Việt Nam và Thái Lan.
Trong khi đó, thị trường máy bay không người lái nông nghiệp dự kiến sẽ đạt 4,8 tỷ USD vào năm 2024, tăng trưởng với tốc độ CAGR là 31,1%. Ở Đông Nam Á, máy bay không người lái đã được sử dụng thành công trong các cánh đồng lúa và cây trồng đồn điền, mang lại những cải thiện đáng kể về năng suất và quản lý tài nguyên.
Mặc dù tiềm năng là rất lớn, ông cũng chỉ ra nhiều thách thức, bao gồm việc thiếu các giải pháp giá cả phải chăng và dễ tiếp cận cho nông dân trong khu vực, cũng như trình độ kỹ thuật số còn hạn chế. Điều này đòi hỏi nguồn vốn tư nhân kiên nhẫn hơn và sự hỗ trợ nhiều hơn từ chính phủ về chính sách thông minh và các phương pháp tài chính.
Ông kết luận: “Canh tác truyền thống đã ăn sâu bén rễ, và việc áp dụng công nghệ mới có thể gặp phải sự kháng cự. Ngoài ra, môi trường pháp lý ở Đông Nam Á rất đa dạng và phức tạp, do đó các startup có quan hệ đối tác địa phương mạnh mẽ và khả năng điều hướng trong bối cảnh pháp lý sẽ có lợi thế.”