|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Thị trường vốn đầu tư mạo hiểm ấm dần, dòng tiền tập trung vào lĩnh vực nào?

09:58 | 15/07/2024
Chia sẻ
Công nghệ vận tải, logistics, edtech là những lĩnh vực đang nhận được sự chú ý của dòng vốn đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam.

Sau giai đoạn khó khăn kéo dài gần hai năm, thị trường vốn đầu tư mạo hiểm (VC) đang có dấu hiệu khởi sắc. Tuy nhiên, sự phục hồi này chưa đồng đều và chỉ tập trung vào các công ty khởi nghiệp tiềm năng, theo Tech Crunch.

 TP HCM nhìn từ trên cao. (Ảnh: VietnamNet).

Theo số liệu từ PitchBook, định giá các công ty khởi nghiệp ở Mỹ đã phục hồi mạnh mẽ trong 6 tháng đầu năm 2024. Mức định giá trung bình cho các thương vụ giai đoạn đầu và giai đoạn sau thậm chí đã đạt mức cao kỷ lục.

Stephanie Choo, đối tác tại quỹ Portage Ventures nhận định: "Định giá cho các công ty nhận được đề xuất đầu tư đang ở mức cao". Bà dẫn chứng trường hợp ngân hàng số Monzo của Anh vừa được định giá hơn 5 tỷ USD vào tháng 3, tăng gần 15% so với mức 4,5 tỷ USD hồi đầu năm 2022.

Samir Kaji, nhà sáng lập Allocate cũng lạc quan về môi trường gọi vốn năm nay: "Tình hình tích cực hơn nhiều so với đầu năm 2022. Thị trường vốn đang dần hồi phục, và nếu bạn có tăng trưởng thực sự, sẽ có vốn cho startup của bạn."

Tuy nhiên, Kyle Stanford, chuyên gia phân tích VC của PitchBook cảnh báo rằng những con số "kỷ lục" này có phần gây hiểu lầm. Số lượng thương vụ vẫn ở mức thấp, và nhiều công ty không thể huy động vốn ở mức định giá cao hơn đã phải chọn các hình thức gọi vốn khác hoặc trì hoãn.

"Đây là thị trường tốt cho các công ty mạnh, nhưng rất khó khăn nếu bạn không đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra trước đại dịch," Stanford nhận định.

Kaji đồng tình nhưng lạc quan hơn, cho rằng nhóm các công ty có khả năng gọi vốn ở mức định giá cao hơn đã mở rộng trong năm 2024.

Có nhiều lý do khiến định giá startup cải thiện. Lý do đầu tiên được cho là việc lạm phát đang được kiểm soát và Fed có thể sớm cắt giảm lãi suất. Thị trường chứng khoán tăng mạnh cũng ảnh hưởng tích cực đến tâm lý nhà đầu tư tư nhân. Ngoài ra, nhiều công ty AI đang được định giá cao hơn đáng kể so với các lĩnh vực khác.

Dù có những dấu hiệu tích cực, thị trường VC vẫn chưa hoàn toàn hồi phục và sự phân hóa giữa các startup vẫn còn rõ rệt. Chỉ những công ty có tiềm năng thực sự mới có thể tiếp cận nguồn vốn dồi dào với mức định giá hấp dẫn trong giai đoạn này.

Sụt giảm vốn đầu tư vào startup Việt

Theo báo cáo từ nền tảng phân tích thị trường Tracxn, tổng vốn đầu tư vào các startup công nghệ Việt Nam đã giảm 52,7% xuống còn 46,5 triệu USD trong 6 tháng đầu năm 2024, so với 98,5 triệu USD cùng kỳ năm 2023.

Báo cáo "Geo Semi-Annual Report: Vietnam Tech H1 2024" của Tracxn chỉ ra rằng hệ sinh thái startup công nghệ Việt Nam đã phải đối mặt với nhiều thách thức trong nửa đầu năm 2024, phản ánh xu hướng kinh tế toàn cầu. Dù vậy, một số lĩnh vực vẫn duy trì được hiệu suất tốt.

Việt Nam xếp hạng 45 về tổng vốn đầu tư vào startup công nghệ toàn cầu trong 6 tháng đầu năm 2024. Con số này cũng giảm so với 77,4 triệu USD huy động được trong nửa cuối năm 2023. Mỹ, Anh và Trung Quốc dẫn đầu về vốn đầu tư trên toàn cầu.

Đầu tư giai đoạn hạt giống vào startup công nghệ Việt Nam đạt 5,2 triệu USD, giảm 29% so với 7,4 triệu USD nửa cuối năm 2023 và giảm 23,5% so với 6,8 triệu USD nửa đầu năm 2023.

Đầu tư giai đoạn đầu đạt 41,3 triệu USD, giảm 41% so với 70 triệu USD nửa cuối năm 2023 và giảm 53,4% so với 88,6 triệu USD nửa đầu năm 2023.

Không có khoản đầu tư nào cho các startup giai đoạn sau trong nửa đầu năm 2024, tương tự như nửa cuối năm 2023, trong khi đó con số này là 3 triệu USD trong 6 tháng đầu năm 2023.

TP HCM dẫn đầu về vốn đầu tư, tiếp theo là Hà Nội. Các startup công nghệ tại TP HCM huy động được 36,3 triệu USD, Hà Nội 7,7 triệu USD. Về lĩnh vực, công nghệ vận tải và logistics, EdTech (công nghệ giáo dục) và bán lẻ là những lĩnh vực hoạt động tốt nhất trong 6 tháng đầu năm 2024.

Các công ty trong lĩnh vực công nghệ vận tải và logistics chứng kiến mức tăng vốn đầu tư lên tới 940%, từ 3 triệu USD nửa đầu năm 2023 lên 31,2 triệu USD nửa đầu năm 2024. Lĩnh vực EdTech cũng ghi nhận mức tăng 280% về vốn đầu tư, từ 2,5 triệu USD lên 9,52 triệu USD.

Hoạt động đầu tư vào hệ sinh thái công nghệ Việt Nam được dẫn dắt bởi các nhà đầu tư chủ chốt như CyberAgent Capital, Insignia Ventures Partners và Genesia Ventures. Northstar Ventures, Ansible Ventures và Monk's Hill Ventures cũng nổi bật là những nhà đầu tư quan trọng trong nửa đầu năm 2024.

"Mặc dù gặp thách thức về vốn, hệ sinh thái startup công nghệ Việt Nam vẫn thể hiện sự kiên cường, được thúc đẩy bởi hiệu suất mạnh mẽ ở các lĩnh vực trọng điểm và các khoản đầu tư chiến lược theo khu vực," báo cáo của Tracxn nhận định.

Thành Vũ

MBS dự phóng lợi nhuận 4 ngành có thể tăng bằng lần trong quý IV
Lợi nhuận một số ngành dự báo giảm trong quý cuối năm như bất động sản khu công nghiệp do còn đợi hoàn thiện khung chính sách hay dầu khí do giá dầu suy giảm so với cùng kỳ.