|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thương chiến Mỹ - Trung càng leo thang, 'cửa' vào Mỹ của dệt may, da giày Việt Nam càng lớn

15:19 | 19/06/2019
Chia sẻ
Những mặt hàng tiêu dùng là thế mạnh sản xuất của Việt Nam như dệt may, da giày,... sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi để lấy thị phần từ Trung Quốc khi nước này bị Mỹ đánh thuế. Tuy nhiên, rủi ro từ "cơ hội vàng" này cũng không ít.

"Cơ hội vàng" cho thị phần xuất khẩu Việt Nam tại Mỹ tăng thêm 1%

Báo cáo chuyên đề "Trade-war leo thang, cơ hội lớn cho dệt may và BĐS khu công nghiệp" của Công ty CP Chứng Khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định: "Nếu Mỹ và Trung Quốc không đạt được thỏa thuận thương mại mới vào cuối tháng 6 tới dẫn tới việc chính quyền Donal Trump quyết định áp thuế 25% lên toàn bộ hàng hóa còn lại của Trung Quốc thì cơ hội tăng thị phần xuất khẩu của Việt Nam ở thị trường Mỹ là rất lớn".

Cụ thể, những mặt hàng tiêu dùng là thế mạnh sản xuất của Việt Nam như dệt mayda giày, đồ chơi và dụng cụ thể thao... sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi để lấy thị phần từ Trung Quốc khi nước này bị đánh thuế. 

3

Dệt may là một trong những mặt hàng hưởng lợi nếu Mỹ và Trung Quốc không đạt được thỏa thuận thương mại mới vào cuối tháng 6 tới. Ảnh: TTXVN.

"Mức thuế 25% là khá lớn đối với những ngành có biên lợi nhuận trung bình, thâm dụng nhiều lao động nên xu hướng các nhà nhập khẩu Mỹ dịch chuyển đơn hàng sang các nước khác nhằm tránh thuế sẽ diễn ra mạnh hơn. 

Kể cả trong kịch bản Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận dẫn đến việc Mỹ chưa áp thuế lên gần 250 tỉ USD còn lại thì chỉ riêng việc Mỹ tăng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỉ hàng hóa Trung Quốc từ ngày 10/5 cũng đã mang đến cơ hội để Việt Nam gia tăng thị phần xuất khẩu tại Mỹ trong các quí tới", chuyên viên phân tích Trần Hải Yến của BVSC viết trong báo cáo.

Dựa trên mức thị phần hàng Việt Nam tăng 0,2% kể từ khi Mỹ chính thức áp thuế lên hàng Trung Quốc một năm trước và qui mô gói hàng hóa Trung Quốc đang bị Mỹ đe dọa đánh thuế tiếp, BVSC ước tính: "Nếu chiến tranh thương mại Mỹ -Trung leo thang lên mức cao nhất, thị phần xuất khẩu của Việt Nam tại Mỹ có thể tăng thêm khoảng 1% so với mức hiện nay, tương đương khoảng 25 tỉ USD.

Tức khoảng 10% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và 25% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ trong năm 2018".

Thặng dư thương mại với Mỹ tăng, rủi ro Việt Nam phải đối mặt tăng theo

Theo BVSC, viễn cảnh cho xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ tăng trưởng mạnh trong thời gian tới nếu chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang lên mức cao nhất. Tuy vậy, cơ hội này cũng đi kèm những rủi ro nhất định. 

Một trong những rủi ro lớn nhất chính là việc thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ sẽ tăng nhanh, điều có thể khiến chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump "để mắt", xem xét sử dụng các biện pháp nhằm hạn chế hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ. 

Cụ thể, năm 2018, Việt Nam nằm trong nhóm các đối tác mà Mỹ có thâm hụt thương mại lớn nhất (đứng thứ 7) với 36 tỉ USD. 

18

Top các nước Mỹ có thâm hụt thương mại lớn nhất năm 2018. Nguồn: BVSC/Bloomberg.

"Nếu việc xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ có thể tăng thêm 25 tỉ USD trong vòng 1 năm tới khi kịch bản Mỹ đánh thuế 25% toàn bộ hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc là đúng thì thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ trong năm 2019 có thể đạt trên 50 tỉ USD, qua đó nhiều khả năng đưa Việt Nam trở thành nước đứng thứ 6 trong số các đối tác có xuất siêu lớn nhất vào Mỹ", chuyên gia phân tích của BVSC nhận định.

Theo đó, trong trung và dài hạn, diễn biến này có thể sẽ khiến Mỹ áp đặt các biện pháp như đã từng làm với các đối tác thương mại khác có thặng dư thương mại lớn với Mỹ như rút Việt Nam ra khỏi danh sách được hưởng chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) hay đưa Việt Nam vào danh sách kiểm soát tiền tệ. 

Mặc dù vậy, trong ngắn hạn khoảng một năm tới, với việc chính quyền Trump đang có những "thiện cảm" nhất định đối với Việt Nam cũng như Việt Nam đang là một nguồn thay thế hàng nhập khẩu khá phù hợp cho Mỹ trong trường hợp Mỹ không muốn mua hàng từ Trung Quốc thì rủi ro chính quyền ông Trump nhắm đến thặng dư thương mại của Việt Nam ngay trong thời điểm hiện tại chưa quá cao.

Ngoài ra, theo BVSC, một rủi ro khác Việt Nam cần thận trọng chính là việc hàng Trung Quốc nhập vào Việt Nam rồi "mượn danh" hàng Việt Nam xuất đi Mỹ nhằm né thuế. Do đó, khi hàng Việt Nam xuất khẩu gia tăng mạnh có thể khiến Mỹ tăng cường các hoạt động kiểm tra về xuất xứ. 

Nếu Mỹ phát hiện hàng hóa của các quốc gia khác chỉ quá cảnh qua Việt Nam rồi xuất đi, Mỹ có thể áp dụng các biện pháp trừng phạt lên xuất khẩu toàn bộ nhóm hàng, gây thiệt hại liên đới đến các doanh nghiệp kinh doanh minh bạch.

"Do vậy, Việt Nam cần siết chặt các biện pháp quản lý thị trường cũng như công tác cấp giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) để tránh rủi ro trên", đại diện BVSC khuyến cáo.

Như Huỳnh