Thực hư việc thương lái ngoài tỉnh khó vào Cà Mau thu mua lúa
Chia sẻ với người viết, ông K., thương lái thuộc Công ty TNHH Đầu tư phát triển nông nghiệp Bốn Mùa, cho biết đơn vị gặp nhiều khó khăn khi vào tỉnh Cà Mau thu mua, vận chuyển lúa do địa phương không cho người và phương tiện ra vào địa bàn, nếu ra, vào thì phải cách ly tập trung. Do đó, công ty không thể vận chuyển lúa về nhà máy tại tỉnh Kiên Giang.
Theo ông K, đầu vụ công ty ông có đầu tư vật tư nông nghiệp như phân bón sinh học và thuốc bảo vệ thực vật tại vùng nguyên liệu có diện tích khoảng 50 ha ở xã Khánh Bình Tây Bắc và U Minh, thuộc tỉnh Cà Mau nhưng hiện tại không thể vào thu mua lúa theo hợp đồng đã ký.
"Tiền đầu vụ đầu tư vật tư nông nghiệp là 1,5 triệu đồng/ha cho nông dân và trước khi thu hoạch 15 ngày tạm cọc thêm 200.000 đồng/công (1 công khoảng 1/10 ha), tương đương với số tiền tạm cọc cho 50 ha là 100 triệu đồng. Nhưng khả năng không vào thu mua theo hợp đồng nông dân không chịu trả tiền thì cũng phải chịu", ông K. chia sẻ.
Cũng theo thương lái này khó khăn lớn nhất hiện nay là quy định vào Cà Mau phải cách ly tập trung 14 ngày và khi vào tỉnh này mua lúa thì phải đi bằng phương tiện ghe nhưng không được lên bờ. Do đó, ông K. phải nhờ thương lái khác thu mua tiếp được một phần, phần còn lại nông dân tự bán bên ngoài.
"Tôi đã liên hệ trực tiếp Sở Nông nghiệp Cà Mau để trình bày trường hợp cụ thể của mình với hợp đồng rõ ràng, đảm bảo tuân thủ quy định, không làm lây lan dịch và chỉ xin vào địa phương 3 ngày để thu mua lúa nhưng vẫn không được chấp thuận", ông K. cho biết thêm.
Liên quan đến thông tin phản ánh trên, người viết đã liên hệ ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, để tìm hiểu cụ thể quy định hiện hành của địa phương.
Theo ông Bằng, để đảm bảo an toàn trong quá trình thu mua, vận chuyển lúa, nhất là đối với các ghe thu mua lúa từ ngoài tỉnh, Cà Mau đã tăng cường siết chặt các biện pháp theo quy định trong phòng, chống dịch COVID-19 như kiểm soát, quản lý người đi trên phương tiện thu mua lúa, yêu cầu họ sinh hoạt trên ghe, không tiếp xúc với người địa phương, sau khi nhận hàng xong cần chuyển đi nhanh chóng.
"Nếu ai muốn ở lại và ra khỏi phương tiện, lưu thông trên địa bàn để có thời gian thu mua thì phải cách ly 14 ngày theo quy định. Còn nếu vẫn ở trên phương tiện, không tiếp xúc với bên ngoài thì không có vấn đề gì vì họ có thể phối hợp với chính quyền địa phương để tổ chức sản xuất hỗ trợ lực lượng thu mua, vận chuyển đến phương tiện, thương lái đến mua thì chỉ tiếp nhận sản phẩm và đưa đi", Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau cho hay.
Đồng thời cho biết những trường hợp gặp khó hiện nay là do không có khâu tổ chức chuỗi để kết nối với hậu cần mà thương lái tự chạy phương tiện đến Cà Mau để thu mua. Việc này sẽ không đáp ứng được các quy định phòng, chống dịch cũng như không có đầu mối thu mua vì nông dân chủ yếu liên kết với doanh nghiệp bao tiêu đầu ra sản phẩm.
Cũng theo ông Bằng, bên cạnh các quy định kiểm soát dịch như các địa phương tại vùng ĐBSCL, Cà Mau có một quy định khác là buộc người ngoài tỉnh phải test nhanh COVID-19 tại chỗ trước khi vào địa phương vì có trường hợp Bạc Liêu, Sóc Trăng hay tỉnh khác test âm tính nhưng đến Cà Mau lại test ra dương tính với COVID-19, cho nên tỉnh phải kiểm soát chặt vấn đề này.
Còn ông Lê Hữu Toàn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT) Kiên Giang, cho biết những trường hợp khó khăn khi vào địa phương khác thu mua lúa chỉ là số lượng ít.
"Hôm qua địa phương mới tiếp nhận và giải quyết một trường hợp tại huyện Châu Thành do các thương lái chưa liên hệ đến đúng chính quyền địa phương hoặc các đơn vị hướng dẫn chưa rõ để tháo gỡ những vướng mắc", ông Toàn cho hay.
Do đó, theo đại diện ngành nông nghiệp tỉnh Kiên Giang, thương lái có thể liên hệ trực tiếp đường dây nóng của địa phương hoặc Tổ công tác tháo gỡ sản xuất, liên kết nông sản để được hướng dẫn cụ thể cho việc thu mua, vận chuyển lúa gạo.
Trước đó, tại diễn đàn trực tuyến "Kết nối tiêu thụ nông, thủy sản tỉnh Cà Mau", đại diện Sở NN&PTNT Cà Mau cho biết tình hình thu hoạch, tiêu thụ lúa Hè Thu bước đầu có khó khăn, nhưng chưa bị ùn tắc nhiều.
Cụ thể, khó khăn chủ yếu là các đại lý, doanh nghiệp ngoài tỉnh khó đến được các vùng nguyên liệu lúa Hè Thu để thu mua. Nguyên nhân do các đại lý, doanh nghiệp ngoài tỉnh lúng túng trong việc xin giấy phép nhập tỉnh khi hầu các đơn vị đến Cà Mau thu mua vận chuyển bằng đường thủy.
Các chốt kiểm tra nhập tỉnh như Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang có sự hướng dẫn khác nhau gây không ít khó khăn cho đại lý, doanh nghiệp trong thời gian đầu vụ thu hoạch. Tuy nhiên, những khó khăn đã cơ bản khắc phục.
Theo số liệu của Sở NN&PTNT Cà Mau, toàn tỉnh đã xuống giống được trên 35.300 ha lúa Hè Thu, với các giống lúa chủ lực như OM18, OM5451, Đài Thơm 8, ST24, ST25, Hương Châu 6….
"Với diện tích hơn 35.000 ha, sản lượng hơn 170.000 tấn, chủ yếu được tiêu thụ ngoài tỉnh. Đến nay lượng lúa của địa phương đã được thu mua gần hết với gần 160.000 tấn", ông Bằng cho hay.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/