|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thủ tướng yêu cầu 3 Bộ tìm giải pháp ổn định thị trường lúa gạo trước động thái cấm xuất khẩu của Ấn Độ

10:23 | 22/09/2022
Chia sẻ
Trước thông tin Ấn Độ cấm xuất khẩu một số loại gạo, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ trưởng NN&PTNT, Công Thương, Tài chính nghiên cứu giải pháp bảo đảm an ninh lương thực, ổn định thị trường lúa gạo.

Ngày 21/9, Văn phòng Chính phủ vừa có công văn về việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo và tác động đến việc sản xuất và xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Theo đó, ngày 15/9, báo chí đưa tin: "Chuyện gì sẽ xảy ra khi Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo?": Tổng cục Ngoại thương Ấn Độ đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu đối với mặt hàng gạo tấm (có hiệu lực từ sau ngày 15/9/2022). 

Đồng thời, Ấn Độ cũng áp thuế xuất khẩu 20% đối với các mặt hàng gạo trắng và gạo lứt, chiếm 60% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của Ấn Độ. 

Nguyên nhân chính là Chính phủ Ấn Độ đang ngày càng lo ngại về nguồn cung suy giảm và lạm phát giá lương thực… 

Về vấn đề này, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Tài chính nghiên cứu thông tin trên để theo dõi, bám sát tình hình để thực hiện các biện pháp, giải pháp phù hợp theo thẩm quyền và quy định pháp luật, bảo đảm an ninh lương thực, điều hành xuất khẩu gạo, ổn định thị trường giá cả lúa gạo và lợi ích người nông dân.

Đối với các vấn đề vượt thẩm quyền, các Bộ cần báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ.

Mới đây, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ (Bộ Công Thương) cho biết việc Ấn Độ ban hành quyết định hạn chế xuất khẩu với các loại gạo có thể khiến xuất khẩu gạo năm 2022 của nước này giảm khoảng 25% (tương đương 5 triệu tấn), còn khoảng 16,2 triệu tấn.

Cụ thể, ngày 8/9, Tổng cục Ngoại Thương Ấn Độ ban hành quyết định cấm xuất khẩu gạo tấm, mã HS 1006.40.00, có hiệu lực kể từ ngày 9/9/2022.

Một số lô hàng tiếp tục được xuất khẩu đến ngày 15/9 nếu đáp ứng được một trong các điều kiện: Hàng bắt đầu được xếp lên tàu trước khi có thông báo này; hóa đơn vận chuyển đã xuất và tàu đã cập bến, neo đậu tại cảng của Ấn Độ và số thứ tự xếp hàng của tàu đã được phân bổ; lô hàng đã được chuyển cho Hải quan trước khi có thông báo và đã được Hải quan đăng ký trên hệ thống.

Bên cạnh đó, ngày 8/9, Bộ Tài chính Ấn Độ cũng ban hành quyết định áp thuế xuất khẩu 20% đối với một số loại thóc gạo như: thóc (HS 100610), gạo lứt (HS 10620) và các loại gạo khác trừ gạo đồ, gạo Basmati (HS 10063090). Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 9/9/2022.

Một số nhà xuất khẩu cho rằng quyết định của Chính phủ là quá bất ngờ, gây khó khăn cho các hợp đồng đã ký. Người mua không thể trả thêm 20% giá lô hàng và người bán cũng không thể bỏ ra 20% tiền thuế xuất khẩu.

Ông V.K Rao, Chủ tịch hội các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ cho biết “Biện pháp của Chính phủ sẽ thúc đẩy giá gạo toàn cầu. Giá gạo trắng xuất khẩu có thể vượt 400 USD một tấn từ mức 350 USD hiện nay trên cơ sở giao hàng tự do”.

Các nhà xuất khẩu Ấn Độ sẽ yêu cầu chính phủ miễn thuế đối với khoảng 2 triệu tấn gạo đã được ký hợp đồng xuất khẩu nhưng chưa được vận chuyển.

Biện pháp hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ dự báo tạo hiệu ứng đẩy giá gạo toàn cầu lên cao. Đồng thời việc cấm xuất khẩu gạo tấm (nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi) sẽ đẩy giá thức ăn chăn nuôi tăng lên, đặc biệt tại các thị trường nhập khẩu chính loại sản phẩm này Trung Quốc (nhập 1,1 triệu tấn năm 2021) và Việt Nam (nhập 433 nghìn tấn năm 2021).

Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam đã ký hợp đồng với các đối tác Ấn Độ cần nhanh chóng liên hệ với người bán để kiểm tra tình trạng giao hàng và đàm phán lại hợp đồng với những lô hàng chưa xuất khẩu.

Hoàng Anh