Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Hoãn ATIGA đối với ngành mía đường là khó khả thi
Không phải chỉ trông chờ cơ chế nhà nước
Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có văn bản trả lời ý kiến của đại biểu Quốc hộI (ĐBQH) Thạch Phước Bình, thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh về việc tháo gỡ khó khăn cho ngành mía đường trong đó có đề xuất tiếp tục xem xét hoãn thực thi ATIGA cho ngành này và quyết liệt hơn nữa trong chống nhập lậu đường qua biên giới.
Theo quan điểm của Thủ tướng, cho đến nay, ngành mía đường vẫn cơ bản là đóng cửa trong khi tất cả ngành khác, kể cả ngành nhạy cảm như chăn nuôi, rau quả, sắt thép… đều đã mở cửa.
Các khó khăn đối với ngành mía đường hiện nay thực tế phát sinh trong hai năm gần đây chủ yếu do chưa khắc phục được những vấn đề nội tại.
Theo đó, sản xuất mía nguyên liệu chưa đáp ứng được yêu cầu, do qui hoạch và triển khai qui hoạch vùng nguyên liệu tại một số địa phương chưa tốt. Địa hình đồi dốc của nhiều vùng trồng mía gây khó khăn cho việc phát triển cánh đồng lớn, cơ giới hóa.
Bên cạnh đó, qui mô, trình độ chế biến, khả năng tổ chức sản xuất và năng lực quản trị của các nhà máy đường còn hạn chế, cơ cấu sản phẩm chưa hợp lí, thời gian thu hoạch và chế biến một vụ kéo dài…
Ngoài ra, giá đường trên thế giới thời gian qua giảm thấp, chênh lệch giá trong nước và thế giới quá lớn làm đường nhập lậu và gian lận thương mại tăng dẫn đến cung vượt cầu, kéo theo giá đường trong nước giảm, sản xuất, tiêu thụ đường gặp khó khăn.
Thủ tướng cho biết để khắc phục những khó khăn nêu trên không chỉ trông chờ từ cơ chế chính sách hộ trợ của Nhà nước mà còn cần có sự nỗ lực từ các địa phương, doanh nghiệp và người dân, nhất là cần có sự đầu tư, chia sẻ lợi ích của doanh nghiệp mía đường với người nông dân.
Bên cạnh đó, các nhà máy, cơ sở chế biến đường cần phối hợp với Bộ NN&PTNT để có giải pháp phù hợp cơ cấu lại sản xuất, chế biến từ khâu nghiên cứu, canh tác, loại hình…; chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh.
Không thể tiếp tục hoãn ATIGA
Đối với vấn đề xem xét hoãn thực thi cam kết ATIGA cho ngành mía đường, Thủ tướng cho biết điều này khó khả thi.
Theo Thủ tướng, năm 2018, Chính phủ đã cho phép trì hoãn thời hạn xóa bỏ hạn ngạch nhập khẩu đường trong ASEAN đến năm 2020 để ngành mía đường Việt Nam có thêm thời gian chuẩn bị.
"Như vậy, nếu tính từ năm 2005 khi các nước ASEAN bắt đầu thiết lập cộng đồng kinh tế thì ngành mía đường có tổng cộng 15 năm để chuẩn bị hội nhập.
Nếu tiếp tục hoãn thực thi cam kết đối với mặt hàng đường các nước có thể có những biện pháp trả đũa và yêu cầu đền bù, ảnh hưởng về mặt kinh tế và uy tín của Việt Nam là rất lớn, nhất là trong bối cảnh Việt Nam sẽ đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN trong năm 2020", Thủ tướng cho biết.
Đồ họa: Đức Việt
Mặt khác, Thủ tướng nhận định việc mở cửa thị trường trong thương mại quốc tế không có nghĩa là chấp nhận cạnh tranh không công bằng.
Thủ tướng sẽ tiếp tục chỉ đạo Bộ Công Thương, cơ quan quản lí thương mại quốc tế, nghiên cứu tham mưu cho Chính phủ tiếp tục áp dụng các nguyên tắc và biện pháp phòng vệ ATIGA cho phép quyền đánh thuế chống trợ cấp để đảm bảo cạnh tranh công bằng, quyền áp dụng trở lại các rào cản thuế và phi thuế để bảo vệ sản xuất trong nước trước sự gia tăng đột ngột của hàng nhập khẩu khi cần thiết.
Thủ tướng cũng chỉ đạo bỏ hạn ngạch thuế quan đối với mặt hàng đường nhập khẩu từ các nước ASEAN từ ngày 1/1/2020.
Tuy nhiên, các bộ ngành và Hiệp hội mía đường cần theo dõi sát tình hình để kịp thời có phản ứng phù hợp và thực hiện những chính sách hiệu quả hơn nữa, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành mía đường.
Hoạt động tạm nhập tái xuất đường sẽ chấm dứt sau ngày 31/12/2019
Về chính sách tạm nhập tái xuất, Thủ tướng đã chỉ đạo không cho phép tiếp tục nhập đường để tái xuất, kể cả các trường hợp đã có giấy phép của Bộ Công Thương.
Việc tái xuất đường chỉ được thực hiện đến hết ngày 31/12/2019 qua các cửa khẩu phụ, lói mở trước đây đã được Thủ tướng cho phép và chỉ những lô hàng đã nhập khẩu về Việt Nam theo giấy phép của Bộ Công Thương hoặc vào kho ngoại quan trước ngày 30/1/2018.
Do đó, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan cần thực hiện nghiêm túc việc tạm nhập tái xuất đường theo đúng chỉ đạo.
Đối với kiến nghị thu mua tạm trữ 300.000 - 500.000 tấn đường trong năm 2019, Thủ tướng cho biết mặt hàng này không nằm trong danh mục dự trữ quốc gia. Tuy nhiên, Chính phủ sẽ tiếp tục xem xét để có biện pháp điều hành phù hợp.
Về vấn đề buôn lậu đường, thời gian tới, Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo Bộ Công Thương tăng cường quản lí thị trường và phối hợp với các địa phương các địa bàn trọng điểm như Tây Nam Bộ và Quảng Trị ngăn chặn tình trạng này.
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, tổng nhu cầu đường của Việt Nam là 1,8 triệu tấn đường. Trong khi đó, năm ngoái do mất mùa nên sản lượng chỉ còn 1,2 - 1,3 triệu tấn đường.
"Điều vô lí là đường trong nước mất mùa, thấp hơn nhu cầu nhưng các nhà máy lại không bán được", Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết.