|
 Thuật ngữ VietnamBiz
mia2

mia3

Trong tháng 8 vừa qua, Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) liên tiếp 'cầu cứu' Bộ Công Thương, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn và Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh có nhà máy đường khi thời hạn giãn Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA) sắp hết. 

Hiệp hội cho rằng: nếu ATIGA có hiệu lực, doanh nghiệp đường trong nước, các hộ gia đình trồng mía chắc chắn không có chỗ đứng và phá sản quy mô lớn là điều không thể tránh khỏi. Trước đó, thời hạn áp dụng cam kết ATIGA đã được giãn từ 1/1/2018 đến 1/1/2020 sắp tới.

Mốc mới mà VSSA muốn được gia hạn là năm 2025.

Ông Lê Hồng Thái, Quyền Chủ tịch VSSA cho biết hiện tại Hiệp hội vẫn chưa nhận được phản hồi bất cứ bộ, ban ngành nào đối với công văn khẩn xin hoãn ATIGA.

Từ chung để diễn tả thực trạng ngành đường hiện nay là "khó khăn". Trả lời phỏng vấn người viết, ông Nguyễn Văn Lộc, nguyên Phó Chủ tịch VSSA, cho biết trong vụ mía vừa qua, một số nhà máy khu vực phía Nam mua mía của dân với giá 700.000 đồng/tấn. Hàng loạt hộ bỏ mía, chuyển sang cây ăn quả.

mia4

Ông Nông Văn Lạc, Tổng giám đốc Công ty CP Mía đường Cao Bằng, cho biết đầu niên vụ năm nay công ty mua mía của dân với giá 870.000 đồng/tấn. Tuy nhiên, công ty chỉ duy trì được mức giá này trong vòng một tháng, sau đó giảm xuống còn 800.000 đồng/tấn và phải vay mượn ngân hàng để chi trả tiền mía. 

Bên cạnh đó, ông Lạc cho hay việc vay vốn hiện nay cũng khó khăn khi các ngân hàng đánh giá hội nhập ATIGA, các nhà máy đường khó tiêu thụ hàng.

"Ở mức giá này công ty vẫn đang lỗ, nhưng nếu giảm giá mua mía "sốc" chúng tôi sợ rằng nông dân sẽ phản ứng. Nếu chúng tôi mua với giá 700.000 đồng thì tôi sợ không ai trồng mía nữa", ông Lạc cho biết.

mia5

Nỗi sợ của ông Lạc được chứng minh sớm, khi diện tích vùng nguyên liệu đã giảm 20% ngay cả khi giá mía là 800.000 đồng/tấn trở lên.

Hiện nay Mía đường Cao Bằng đang bán đường với giá 10.000 đồng/kg trong khi giá thành sản xuất lên tới 11.000 đồng/kg. Ông Lạc cho hay, trong giai đoạn khó khăn như hiện nay, vụ tới công ty sẽ cắt giảm khoảng 10 - 15% nhân công.

"Hiện nay trong kho còn tồn khoảng 6.000 tấn đường, tương đương 65 tỉ đồng. Nếu năm nay tiếp tục lỗ vốn, vốn chủ sở hữu của công ty cũng hết", vị đại diện của Mía đường Cao Bằng nói.

Giống như những nhận định chung của người trong ngành đường, đại diện Công ty Cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC Sugar - Mã: SBT) gọi ATIGA là "bước ngoặt quan trọng nhất của ngành từ trước đến nay".

"Các số liệu thống kê đã cho thấy sự sụt giảm từ sản lượng đường, diện tích mía đến lợi nhuận của doanh nghiệp và người nông dân. Những khó khăn trên đã làm xói mòn sức mạnh của chuỗi sản xuất, trong khi cơn bão cạnh tranh từ đường Thái Lan đang đến rất gần", đại gia ngành đường nhận định.

Trở lại năm 2018, nhận thấy mối nguy khi hiệp định ATIGA có thể gây sức ép cạnh tranh lớn cho ngành đường Việt Nam, VSSA đã kiến nghị giãn ATIGA đến 1/1/2020 để có thêm thời gian cho chuẩn bị hội nhập. Và Việt Nam đã vận động thành công việc gia hạn này.

Đến nay, khi thời hạn sắp đến, câu chuyện khó khăn của ngành mía đường vẫn nằm nguyên đó, thậm chí trầm trọng hơn do giá đường sụt giảm. Các động thái "chuẩn bị" cũng không rõ ràng khi mà nhiều doanh nghiệp đường vẫn chật vật giật gấu vá vai trong hai năm qua.

MIA6

MIA7

Hồi đầu năm, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đã khẳng định, việc xóa bỏ hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường theo cam kết ATIGA từ ngày 1/1/2020 là không thể trì hoãn.

Tiếp lời vị thứ trưởng gắn với nhiều dấu ấn đàm phán FTA, ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên trực thuộc bộ cũng tái khẳng định quan điểm này trong một buổi tọa đàm hồi tháng 6 vừa qua. 

Theo đó, ngành đường cùng với thuốc lá, trứng gia cầm, muối là những ngành đã được ưu tiên bảo hộ thuế quan vì có liên quan đến đời sống nông dân. Đến nay, đường là mặt hàng cuối cùng được các nước ASEAN đồng ý cho Việt Nam áp dụng hạn ngạch thuế quan, sau khi Bộ Công Thương đàm phán thành công việc gia hạn thực thi cam kết ATIGA với ngành đường đến hết năm 2019.

MIA8

Ông Vụ trưởng cũng "huỵch toẹt" với các đại diện ngành đường tại hội đàm rằng: đàm phán thương mại là sự đánh đổi. Nếu Việt Nam muốn tiếp tục bảo hộ ngành đường, thì có thể phải đánh đổi bằng việc Thái Lan đánh thuế nhập khẩu mặt hàng khác của Việt Nam. 

"Các nước đã đồng ý gia hạn thêm hai năm từ 2018 đến 2020 nhưng ngành đường vẫn chưa thể mạnh lên, nếu xin gia hạn tiếp liệu có mạnh lên được không?", đại diện Bộ Công Thương hỏi, trong sự thiếu vắng câu trả lời của nhiều đại diện ngành đường.

Tuy nhiên, ông Lương Hoàng Thái cũng trấn an rằng Chính phủ sẽ không bao giờ để ngành đường chết.

"Các công cụ trợ cấp các nước được phép sử dụng, họ áp dụng rồi xuất khẩu hàng sang ta gây ảnh hưởng sản xuất trong nước thì ta có thể có những biện pháp phòng ngừa thương mại", lời Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên. 

Lần này, chưa có câu trả lời chính thức từ các cơ quan quản lí cho những lá đơn cầu cứu của VSSA, nhưng qua lập luận của Bộ Công Thương có thể thấy việc xóa bỏ hàng rào thuế quan nhập khẩu đường từ 1/1/2020 là khó lòng thay đổi.

MIA9

Trong Công văn gửi tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về việc định hướng giá thu mua mía cho vụ sản xuất 2019 - 2020, VSSA đã dẫn ra báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ về việc chính sách hỗ trợ người trồng mía của các nước khu vực ASEAN, đặc biệt là Thái Lan.

Theo đó, niên vụ 2018 - 2019 vừa qua, giá thu mua mía cho nông dân của Thái Lan là 36 USD/tấn tương đương 835.000 đồng/tấn. Tuy nhiên các nhà máy chế biến đường Thái Lan chỉ trả ngay với giá 22 USD/tấn (tương đương 515.000 đồng). Số còn lại sẽ được phân chia theo tỉ lệ lợi nhuận của các nhà máy đường. Nông dân hưởng 70% lợi nhuận.

sugar

(Ảnh: Asian Nikkei Review)

Thái Lan còn chia hạn ngạch đường làm 2 loại là A và B. Theo đó, đường hạn ngạch A được bán trong nước 2,6 triệu tấn. Đường hạn ngạch B là dùng để xuất khẩu với 800.000 tấn. 

Đường hạn ngạch A được ấn định giá bán tối thiểu hàng năm. Giá tối thiểu được xác định dựa trên doanh thu trung bình được dự báo từ doanh thu từ hạn ngạch A và doanh thu từ xuất khẩu theo hạn ngạch B.

Nếu giá đường cuối cùng cao hơn dự đoán, các nhà máy phải trả một phần của khoản chênh lệch cho người trong mía. Trong trường hợp giá thấp hơn thì người nông dân cũng không phải trả cho phần thâm hụt mà dùng Quĩ Mía đường (một hình thức giống như Quĩ Bình ổn giá xăng dầu ở Việt Nam) do nhà nước điều hành để bù cho các nhà máy.

Bên cạnh đó, Thái Lan không cấp phép nhập khẩu thường niên. Doanh nghiệp nào muốn nhập khẩu đường thì phải xin giấy phép, song thực tế việc này hiếm khi xảy ra. Với những động thái này, Chính phủ Thái Lan muốn mở rộng ngành công nghiệp đường nội địa hơn nữa.

Chính phủ Thái Lan cũng khuyến khích các nhà máy đẩy mạnh nghiên cứu phát triển vùng nguyên liệu, áp dụng cơ giới hóa nhằm tăng năng suất. Chính phủ cũng thành lập các cơ quan nghiên cứu giống và phân bón, đầu tư hàng chục triệu USD mỗi năm.

Nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ và Brazil, đã "nhòm ngó" các chính sách này của Thái Lan, coi đó như động thái bảo hộ, trợ giá. Nhưng những chính sách được thuyết minh cho thấy, các hỗ trợ chỉ bằng công cụ thị trường và kĩ thuật, không phải là hỗ trợ bằng tiền.

Phát biểu tại Hội nghị Hiệp hội Mía đường Đông Nam Á lần 4, được tổ chức tại TP HCM ngày 17/6, ông Pramode Vidtayasuk, Chủ tịch của Thai Sugar Millers Corporation Limited (TSMC), cho biết không có dấu hiệu nào cho thấy chính sách hỗ trợ này có tiếp tục kéo dài cho niên vụ 2019 – 2020, niên vụ mà các doanh nghiệp Việt Nam nhiều khả năng phải bước vào cuộc chơi ATIGA.

mia10

MIA11

Trả lời cho câu hỏi vì sao Việt Nam không thể tham khảo các chính sách của Thái Lan để xây dựng ngành đường, ông Phạm Quốc Doanh, Cựu Chủ tịch Hiệp hội Mía đường, cho rằng Việt Nam không thể đưa ra những chính sách hỗ trợ ngành như Thái Lan diện tích mía nước này rất lớn trong khi ở Việt Nam nhỏ hơn rất nhiều, nhất là so với lúa gạo.

"Hiện nay, toàn bộ vùng Đông Bắc và Tây Bắc của Thái Lan là trồng mía với diện tích khoảng 1,5 triệu ha mía trong khi Việt Nam chỉ có 300.000 ha. Vì lợi ích của người nông dân, chính phủ Thái Lan buộc phải có chính sách hỗ trợ.

MIA11

Tại Việt Nam, giá mía chiếm khoảng 80% chi phí sản xuất đường và các nhà máy hoàn toàn phải tự tính toán trong bài toán cân đối lợi ích với người trồng mía. 

mia13

Các lá đơn "kêu cứu" của VSSA nhận định, khi ATIGA có hiệu lực, giá đường sẽ chỉ còn khoảng 8.000 - 9.000 đồng/kg. Để tránh thua lỗ, giá mía các nhà máy thu mua lúc đó chỉ khoảng 480.000 - 540.000 đồng/tấn. VSSA cho rằng đây là mức giá "thảm họa", không một nông dân trồng mía nào có thể chấp nhận và sống được. 

Khi ATIGA được thực thi, hạn ngạch nhập khẩu đường sẽ được xóa bỏ hoàn toàn. Có tiếng nói cho rằng đó cũng là tiếng chuông điểm tử của nhiều nhà máy và vùng nguyên liệu.

Tuy nhiên, VSSA cho rằng vẫn còn chút lối thoát nếu vận dụng triệt để các điều khoản trong cam kết ATIGA. Ít nhất cũng để kéo dài sự sống.

Theo đó, VSSA dẫn nội dung điều khoản số 23 trong hiệp định ATIGA cho phép sửa đổi hoặc ngừng các cam kết. Cụ thể:

"Trong những hoàn cảnh đặc biệt ngoài quy định trong Điều 86 (Tự vệ), Điều 10 (BOP), và Điều 24 (Xử lý Nghị định thư về Gạo và Đường) khi một Quốc gia Thành viên gặp phải những khó khăn không lường trước khi thực hiện các cam kết thuế, Quốc gia Thành viên đó có thể yêu cầu tạm thời sửa đổi hoặc ngừng cam kết trong lộ trình cam kết trong Điều 19 (Cắt giảm hoặc Loại bỏ Thuế quan)".

VSSA cho rằng trước hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hiện nay của ngành đường và nông dân trồng mía, việc vận dụng điều khoản số 23 để trì hoãn nêu trên là hợp lẽ và hết sức cần thiết để tránh việc phá sản quy mô lớn của các doanh nghiệp mía đường và đẩy hàng vạn hộ nông dân vào nguy cơ thất nghiệp, nợ nần.

Ngoài ra, VSSA cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt ngăn chặn tình trạng buôn lậu đường, gian lận thương mại; đồng thời, xem xét hỗ trợ về giá thu mua mía cho người trồng mía trong trường hợp giá đường xuống quá thấp, vượt quá khả năng tự cân đối của các doanh nghiệp mía đường.

Thực tế, hai quốc gia trồng mía khác trong ASEAN 6 là Philippines và Indonesia mặc dù đã bắt đầu thực hiện cam kết ATIGA từ 2015, nhưng đã liên tục trì hoãn việc giảm thuế trong khuôn khổ Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA) trước đây và ATIGA sau này.

Đồng thời hai nước này vẫn bảo lưu các biện pháp cần thiết để bảo đảm lợi ích cho người nông dân trồng mía có thu nhập ổn định.

Theo báo cáo của tổ chức đường quốc tế ISO, tỷ lệ giá mía/đường của Indonesia là 66% và của Philippines là 70%, và giá đường bình quân trong 6 năm gần đây của Indonesia là 691 USD, Philippines là 947 USD. Như vậy giá mía bình quân qui ra tiền Việt 6 năm gần đây của Indonesia là 1.055.000 đồng/tấn và Philippines là 1.528.000 đồng/tấn.

mia14

Tuy giá vốn sản xuất mía cao kéo theo đường trong nước ở hai quốc gia này rất cao nhưng đường Thái Lan chỉ được nhập khẩu thông qua hệ thống cấp phép từng chuyến.

Bên cạnh đó, Nghị định thư về "xem xét đặc biệt đối với mặt hàng đường năm 2010" bảo đảm cho Philippines và Indonesia theo dõi và khống chế đường nhập khẩu từ Thái Lan ngay cả khi hai nước này đã tham gia ATIGA.

Philippines ban hành quy định cả đường thô và đường trắng đều phải có giấy phép nhập khẩu. Giấy phép chỉ được cấp trong trường hợp sản xuất nội địa không đủ cung ứng cho thị trường tiêu thụ trong nước. Đối với các nước gia nhập WTO, nước này áp dụng mức thuế suất 50% trong hạn ngạch và 65% ngoài hạn ngạch.

"Rất tiếc, Nghị định thư đã không áp dụng cho Việt Nam khi tham gia ATIGA đã gây ra sự phân biệt đối xử, bất lợi và bất bình đẳng đối với Việt Nam", VSSA nhận định.

MIA15

Trong khi nhiều nhà máy đường nhỏ giãy giụa trong cơn bĩ cực khi liên tục nhắc đến từ "đóng cửa" hay "đống sắt vụn", một số doanh nghiệp lớn ngành đường đã bắt tay vào làm gì đó theo cách của họ, dù không hẳn là đứng ngoài những khó khăn chung của ngành.

mia24

mia20

CTCP Đường Quảng Ngãi (Mã: QNS) kết thúc nửa năm đầu 2019 với doanh thu hơn 4.000 tỉ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng trong đó doanh thu từ đường bị giảm 11%, chỉ còn đóng góp 1/4 vào tổng doanh thu. "Mỏ vàng" của QNS nằm ở sữa đậu nành, chiếm hơn 50% tổng doanh thu và có đóng góp gấp đôi mảng đường. 

Mặc dù vậy, Đường Quảng Ngãi vẫn đầu tư mạnh tay vào đường, thông qua việc mở rộng Nhà máy Đường An Khê lên 18.000 TMN, Nhà máy điện sinh khối An Khê và một nhà máy đường tinh luyện RE.

Nhà máy điện tuy chưa mang lại doanh thu trực tiếp nhưng đã giúp công ty tiết giảm chi phí khi cấp điện để vận hành nhà máy đường An Khê. Theo nhận định của Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, điều này đóng góp 7% lợi nhuận trước thuế cho Đường Quảng Ngãi trong năm nay, và 10% từ 2020 trở đi.

Báo cáo thường niên 2018 của QNS cho thấy, mặc dù tình hình thị trường đường thế giới và trong nước không được thuận lợi, giá đường giảm sâu so với năm trước nhưng nhờ chủ động trong xây dựng và thực hiện sản xuất đường mía, đạt hiệu quả vẫn cao hơn so với năm 2017.

Vụ 2017/18, công ty đã ép hơn 2,1 triệu tấn mía, tăng 39% so với vụ trước, chiếm 13,65% tổng sản lượng mía ép cả nước và sản xuất hơn 211 ngàn tấn đường, tăng 51% so với vụ trước, chiếm hơn 14,3% tổng sản lượng đường sản xuất cả nước.

Năm 2018, Đường Quảng Ngãi đẩy mạnh công tác tiêu thụ, thực hiện các chính sách bán hàng linh hoạt. Kết quả, đã tiêu thụ hơn 213 ngàn tấn đường, tăng 53% so với năm 2017.

Công ty cho biết đã thực hiện cơ giới hóa trong quá trình canh tác mía. Xí nghiệp Cơ giới Nông nghiệp An Khê đã đầu tư hàng trăm máy móc thiết bị cơ giới để thực hiện thi công cơ giới trong vùng nguyên liệu mía. Hiện nay, công ty có hơn 600 máy kéo và hơn 1.000 thiết bị nông nghiệp khác cho tất cả các khâu từ làm đất - trồng - chăm sóc - thu hoạch; ứng dụng thành công công nghệ dẫn hướng lái tự động.

Trong công tác giống mía, năm qua, công ty đã thành công trong việc nghiên cứu, ứng dụng và khảo nghiệm thành công các giống mía mới. Có vẻ như Đường Quảng Ngãi đã chuẩn bị cho cuộc chiến với "ngáo ộp" Thái Lan.

mia21

mia23

Ông lớn ngành đường Công ty Cổ phần Thành Thành Công – Biên Hòa (TTC Sugar) cũng vừa trải qua một năm không ngọt ngào. Kết thúc quí IV niên độ tài chính 2018 - 2019 (30/6 vừa qua), mặc dù doanh thu thuần tăng mạnh lên tới hơn 2.850 tỉ, lợi nhuận trong kì rơi mạnh chỉ còn hơn 31 tỉ đồng. Cú rơi này kéo lùi mức lợi nhuận sau thuế trong năm tài chính xuống còn 325 tỉ.

Cũng giống như mọi lí giải khác của DN ngành đường thời gian qua, TTC Sugar là nạn nhân của việc giá đường thế giới sụt sâu, cũng như việc nhập lậu đường.

Tuy nhiên, đại gia mía đường đã bắt đầu hành động. Sau khi quĩ ngoại Agri Asia Pacific Limited thoái bớt vốn, từ tháng 9 này, DEG - một tổ chức tài chính của Đức sẽ bắt đầu giải ngân khoản đầu tư chiến lược 28 triệu USD cho TTC Sugar. Số tiền này sẽ được công ty rót vào TTC Attapeu (Lào), vốn là dự án có vùng nguyên liệu tập trung lên tới 7.000 ha của Hoàng Anh Gia Lai được TTC Sugar mua lại, để cơ giới hóa và mở rộng sản xuất đường hữu cơ (đường organic) tại đây.

Trong niên độ vừa qua, TTC Sugar đã kí hợp đồng xuất khẩu 4.500 tấn đường organic qua EU thông qua đối tác ED&F Man.

MIA18

Ngoài đường organic, công ty đang nắm giữ 50% thị phần toàn ngành còn mở rộng sản phẩm đường vàng tự nhiên và hàng loạt sản phẩm phái sinh như mật rỉ (nguyên liệu sản xuất ethanol), phân vi sinh hữu cơ.... Các nhà máy điện sinh khối của TTC Sugar cũng đang bán lên lưới điện với công suất khoảng 100 MW và dự kiến tăng gấp rưỡi công suất trong năm 2020.

Chính sách cánh đồng mía lớn đã được TTC Sugar thực hiện từ niêm độ 2015-16, trên cơ sở các nhóm liên kết sản xuất của nông dân. Mô hình thí điểm rộng 46ha ở Gia Lai lúc đó cho thấy năng suất mía bình quân đạt 86 tấn/ha, cá biệt có nhóm đạt 130 tấn/ha. 

Từ kết quả trên, Công ty TNHH MTV Thành Thành Công Gia Lai (TTC Gia Lai) thuộc TTC Sugar tiếp tục nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất trên vùng nguyên liệu. Vụ 2018-2019 đã có 45 nhóm liên kết sản xuất, diện tích trên 300 ha của 359 hộ dân, năng suất đạt cao nhất 96 tấn/ha, lợi nhuận bình quân 25 triệu đồng/ha.

Từ đó, mô hình này đã mở rộng ở Tây Ninh với những diện tích dần lên tới 800 ha và mang lại lợi nhuận bình quân khoảng 25 triệu/ha cho những người nông dân tham gia các HTX liên kết. 

Thực chất, cách làm của TTC Sugar không khác nhiều so với chính sách liên kết nhà máy - nông dân mà chính phủ Thái Lan áp dụng: hỗ trợ cơ giới, kĩ thuật canh tác, phòng trừ dịch bệnh, trả trước chi phí trồng và chăm sóc, mua bảo hiểm giá mía và cuối cùng là phân chia lợi nhuận theo tỉ lệ đã thỏa thuận sau khi bán đường thành phẩm.

MIA19

MIA17

Tại cuộc hội đàm hồi tháng 6, Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp - nông thôn, nhắc lại câu chuyện ngành gạo khi bước vào WTO trước đây. Cũng đã có những lo ngại về việc bị gạo Thái Lan cạnh tranh và 'bóp chết', nhưng cuối cùng ngành gạo vẫn sống.

"Kéo dài thời gian bảo hộ là không hợp lí. Ngành mía đường phải tái cơ cấu, tập trung nguồn lực phát triển vùng nguyên liệu. Doanh nghiệp nào mạnh thì tập trung nguồn lực phát triển; vùng nguyên liệu nào chưa tốt cần phải chuyển đổi mô hình phát triển", Tiến sĩ Sơn nói.

Cựu Chủ tịch VSSA Phạm Quốc Doanh cũng thừa nhận thực tế rằng khoảng 50% nhà máy hiện nay công suất thấp. Một bộ phận nông dân không đáp ứng được yêu cầu sản xuất mới.

"Trong bối cảnh đó, không còn cách nào khác chúng ta phải theo cơ chế thị trường chứ không thể đòi hỏi tất cả đều sống được hết. Không thể vì lí do này lí do nọ đòi hỏi tất cả đều được cứu", ông Doanh nói.

ATIGA, hay bất kỳ một FTA nào, đều là cuộc sát hạch gắt gao với các doanh nghiệp địa phương. "Ngành đường cũng giống như những ngành khác: sẽ có doanh nghiệp tiếp tục phát triển lớn, nhưng cũng phải có những doanh nghiệp không thể phát triển được nữa. "Trả giá" là điều không thể tránh khỏi. Được có mà mất cũng có", vị Chủ tịch nhiều năm lăn lộn với ngành mía đường chốt lại.

mia22

Đức Quỳnh
Tiến Vũ
Kinh tế & Tiêu dùng