|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thủ tướng: Kinh tế Việt Nam có thể đứng thứ 4 ASEAN năm 2020

10:46 | 20/10/2020
Chia sẻ
Thủ tướng nhấn mạnh, năm 2020 cũng là năm thành công của nước ta với những kết quả, thành tích đặc biệt hơn so với các năm trước.

Sáng 20/10, tại phiên khai mạc kì họp thứ X, Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội năm 2020 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021, giai đoạn 2021-2025.

Thủ tướng: Kinh tế Việt Nam có thể đứng thứ 4 ASEAN năm 2020 - Ảnh 1.

Toàn cảnh phiên khai mạc Kì họp thứ X, Quốc hội khóa XIV. (Ảnh: Văn Điệp/ TTXVN).

Năm 2020, Việt Nam có thể trở thành nền kinh tế đứng thứ 4 ASEAN

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, năm 2020 và giai đoạn 2016 - 2020, đất nước đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách và đạt được những thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật trong năm 2020 và 5 năm 2016 - 2020.

Người đứng đầu Chính phủ cho biết, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, chất lượng tăng trưởng được nâng lên, các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện. Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016 - 2019 đạt khá cao, bình quân 6,8%/năm.

Thủ tướng: Kinh tế Việt Nam có thể đứng thứ 4 ASEAN năm 2020 - Ảnh 2.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên khai mạc kì họp thứ X, Quốc hội khóa XIV. (Ảnh: VGP).

Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, nhưng tăng trưởng 9 tháng vẫn đạt 2,12%, cả năm ước đạt từ 2% đến 3%. Qui mô GDP tăng khoảng 1,4 lần so với năm 2015, theo Quĩ Tiền tệ Quốc tế, năm 2020 Việt Nam có thể trở thành nền kinh tế đứng thứ 4 ASEAN.

GDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt khoảng 2.750 USD. Năng suất lao động được cải thiện rõ nét, bình quân giai đoạn 2016 - 2020 tăng 5,8%/năm, cao hơn giai đoạn 2011 - 2015 (4,3%) và vượt mục tiêu đề ra (5%). Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) bình quân 5 năm đạt khoảng 45,2% (mục tiêu đề ra là 30 - 35%).

Mô hình tăng trưởng dần chuyển dịch từ chiều rộng sang chiều sâu, giảm dần sự phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, xuất khẩu thô, lao động giá rẻ, mở rộng tín dụng…, từng bước chuyển sang dựa vào ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Tăng trưởng bình quân 5 năm không đạt mục tiêu đề ra

Thủ tướng cho biết, bên cạnh kết quả đạt được, chúng ta thẳng thắn nhìn nhận nước ta vẫn còn những tồn tại, hạn chế, bất cập.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2020 không đạt kế hoạch đề ra do tác động, ảnh hưởng lớn, ngoài dự báo của đại dịch COVID-19, dẫn đến tăng trưởng bình quân 5 năm 2016 - 2020 không đạt mục tiêu đề ra.

Đến cuối năm 2020, ước chỉ tiêu này đạt khoảng 2.750 USD, thấp hơn mục tiêu 3.200-3.500 USD.

Trong số 9 chỉ tiêu kinh tế cho giai đoạn 5 năm 2016-2020, có 6 chỉ tiêu đạt kế hoạch, 2 chỉ tiêu không đạt kế hoạch và 1 chỉ tiêu đang tính toán.

Dù vậy, kết quả năm 2020 cũng được Chính phủ đánh giá là thành công.

Chỉ tiêu

Mục tiêu 2016-2020

Ước thực hiện 2016-2020

Tốc độ tăng GDP bình quân 5 năm

6,5-7%

Khoảng 5,9%

GDP bình quân đầu người năm cuối kì

3.200-3.500 USD

2.750 USD

Tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP

85%

84,88%

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên GDP bình quân

32-34%

33,4%

Bội chi ngân sách

Dưới 4%

3,79%

Năng suất các nhân tố tổng hợp đóng góp vào tăng trưởng

30-35%

45,21%

Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân năm

5%

5,8%

Tỷ lệ đô thị hóa đến năm cuối kì

38-40%

39,3%

Giảm tiêu hao năng lượng tính trên GDP bình quân

1-1,5%

Đang tính toán

“Năm 2020 cũng là năm thành công của nước ta với những kết quả, thành tích đặc biệt hơn so với các năm trước. Niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước không ngừng được củng cố và nâng cao. Như đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhận định, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Trình Quốc hội 12 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường năm 2021

Giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2021, Chính phủ xác định mục tiêu tổng quát: Phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược và cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Thủ tướng: Kinh tế Việt Nam có thể đứng thứ 4 ASEAN năm 2020 - Ảnh 3.

Chính phủ đặt mục tiêu GDP năm 2021 tăng 6%. (Ảnh minh họa: Nhịp cầu doanh nghiệp).

Trong năm 2021 và những năm đầu của giai đoạn 2021 - 2025, tiếp tục tập trung thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa tận dụng tốt các cơ hội, nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trong trạng thái bình thường mới.

Thủ tướng Chính phủ xin trình Quốc hội 12 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021.

Trong đó, GDP tăng khoảng 6%; CPI bình quân khoảng 4%; TFP vào tăng trưởng khoảng 45 - 47%; năng suất lao động xã hội tăng khoảng 4,8%; tỉ lệ lao động qua đào tạo khoảng 66%; tỉ lệ bao phủ bảo hiểm y tế khoảng 91%; tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm 1 - 1,5 điểm phần trăm; tỉ lệ che phủ rừng khoảng 42%...

Thủ tướng cũng nêu 10 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu gồm:

1. Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các biện pháp phòng chống và giảm thiểu thiệt hại do đại dịch COVID-19.

2. Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

3. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.

4. Tăng cường huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; đẩy mạnh triển khai các dự án kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội trọng điểm.

5. Nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

6. Phát huy giá trị văn hoá, con người Việt Nam và sức mạnh toàn dân tộc, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và nâng cao chất lượng đời sống của Nhân dân.

7. Quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên, chú trọng bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó hiệu quả biến đổi khí hậu và phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai.

8. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và giải quyết khiếu nại, tố cáo.

9. Củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế, tạo môi trường hoà bình và điều kiện thuận lợi cho phát triển đất nước.

10. Đẩy mạnh thông tin truyền thông, tạo đồng thuận xã hội.

#StandUpVietnam là chương trình đặc biệt đồng hành cùng các doanh nghiệp trong nước chia sẻ và truyền cảm hứng vượt qua những khó khăn từ đại dịch COVID-19.

#StandUpVietnam mong muốn được đón nhận những chia sẻ kinh nghiệm, hiến kế chính sách, giải pháp thúc đẩy kinh doanh, cách thức quản trị trong khủng hoảng… từ chính những doanh nhân đang chèo lái DN vượt qua thử thách lớn này.

Các thông tin từ quí DN sẽ được các cơ quan báo chí tham gia #StandUpVietnam biên tập, đăng tải hoàn toàn miễn phí trong chương trình nếu nội dung được đánh giá là hữu ích, thiết thực, tích cực.

Các thông tin vui lòng gửi về địa chỉ email info@vietnambiz.vn và info@vietnammoi.vn kèm đầu mối liên lạc để #StandUpVietnam có điều kiện tương tác, hỗ trợ và kiểm chứng thông tin trước khi đăng tải.

Anh Đào

Chủ tịch Sacombank: Tôi không liên quan gì bà Trương Mỹ Lan, Vạn Thịnh Phát
Người đứng đầu ngân hàng nói rằng tất cả tin đồn ảnh hưởng đến ông sẽ ảnh hưởng đến Sacombank, từ đó chắc chắn ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông.