|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thủ tướng: Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ ban hành quy định chống dịch thiếu cân nhắc khiến dân bức xúc

22:53 | 05/09/2021
Chia sẻ
Theo Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, công tác phòng chống dịch đang đi đúng hướng, tuy nhiên một số địa phương như Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ… khi ban hành các quy định phòng, chống dịch đã không cân nhắc kỹ lưỡng khiến dư luận bức xúc.

Quan điểm chỉ đạo đúng hướng, nhưng việc tổ chức thực hiện ở các cấp vẫn còn hạn chế, bất cập

Chiều 5/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp toàn quốc về công tác phòng chống dịch COVID-19.

Thủ tướng đã trực tiếp chỉ đạo, nhắc nhở, hướng dẫn nhiều điểm cần lưu ý với các địa phương, như xét nghiệm phải thần tốc, đi nhanh hơn sự lây nhiễm của virus thì mới thắng được, còn đuổi theo sau thì rất khó chặn đứng dịch.

Người đứng đầu Chính phủ cũng đặt câu hỏi và đề nghị các địa phương xem xét, cân đối các khả năng để hỗ trợ các địa phương khác trong trường hợp cần thiết. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Thái Nguyên… sẵn sàng chi viện nếu Hà Nội cần khi xét nghiệm thần tốc diện rộng.

Thủ tướng đánh giá rất cao nỗ lực, quyết tâm của các địa phương đang thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội; các lực lượng tuyến đầu, các tình nguyện viên; sự hưởng ứng, đồng tình, vào cuộc, chia sẻ, thông cảm của người dân để thực hiện mục tiêu chống dịch và phát triển kinh tế xã hội.

Theo Thủ tướng, các biện pháp phòng chống dịch hiện nay được đúc rút từ thực tiễn, kinh nghiệm phòng chống dịch gần hai năm qua. Đồng thời lắng nghe, tiếp thu các ý kiến xác đáng của người dân, các nhà khoa học và tham khảo, học hỏi cách làm của khu vực và thế giới. Vừa qua, chúng ta tiếp tục điều chỉnh theo phương châm phòng chống dịch từ xa, từ sớm, từ cơ sở, lấy xã phường làm pháo đài, người dân là chiến sĩ.

Kết quả cho thấy phương châm, các giải pháp đề ra là đúng đắn, phù hợp với diễn biến tình hình và điều kiện thực tế của nước ta. 

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng nêu rõ, kết quả chống dịch chưa được như mong muốn. Tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp, khó lường. Thủ tướng yêu cầu tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, tiếp tục bám sát thực tiễn, sơ kết, tổng kết, bổ sung, hoàn thiện hơn nữa các biện pháp chống dịch.

Mục tiêu, quan điểm, phương pháp, lãnh đạo, chỉ đạo đã đúng hướng, nhưng việc tổ chức thực hiện ở các cấp vẫn còn hạn chế, bất cập. Một số địa phương như Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ… khi ban hành các quy định phòng, chống dịch theo thẩm quyền, nhất là vấn đề giao thông, lưu thông hàng hóa, chưa tính toán kỹ lưỡng một số mặt như cách làm, thời điểm thực hiện, việc đánh giá tác động và chuẩn bị truyền thông...nên gây bức xúc dư luận.

Sóc Trăng, Bình Phước, Bến Tre, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Đồng Nai, Phú Yên đang kiểm soát tốt dịch bệnh

Theo Bộ Y tế, trong giai đoạn giãn cách xã hội và tăng cường thực hiện giãn cách xã hội (22/8 - 4/9) tại 23 địa phương đã ghi nhận 160.592 ca mắc.

Riêng tại TP HCM, từ 27/4 đến ngày 4/9 ghi nhận tích lũy 245.188 ca mắc (chiếm 48,4% tổng số ca mắc của cả nước). Số ca mắc mới theo ngày tiếp tục tăng do đang thực hiện đợt cao điểm xét nghiệm tầm soát trên diện rộng.

Trên cơ sở các tiêu chí kiểm soát dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế, trong 23 địa phương, nhóm 1 gồm 8 địa phương: Sóc Trăng, Bình Phước, Bến Tre, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Đồng Nai, Phú Yên đang kiểm soát tốt dịch bệnh. So với cuộc họp lần trước của Ban Chỉ đạo ngày 29/8, Bình Phước, Phú Yên là 2 địa phương mới bổ sung vào nhóm đang kiểm soát tốt dịch bệnh.

Nhóm 2 gồm 11 địa phương: Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Trà Vinh, Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Kiên Giang, Hà Nội, Khánh Hòa, Đà Nẵng đang tiếp tục lộ trình thực hiện đạt các tiêu chí kiểm soát dịch.

Nhóm 3 gồm 4 địa phương: TP HCM, Bình Dương, Long An, Tiền Giang, Bộ Y tế đánh giá cần tiếp tục nỗ lực, triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch để có thể thực hiện được các tiêu chí kiểm soát dịch.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định, TP HCM đang trong giai đoạn cao điểm của chiến dịch xét nghiệm diện rộng toàn thành phố nên số mắc mới tiếp tục ghi nhận ở mức cao. Riêng quận 7 và huyện Củ Chi đã kiểm soát được dịch, chuyển thành vùng xanh trên toàn địa bàn.

Tại Bình Dương, Long An, Tiền Giang có số ca mắc được phát hiện qua tầm soát cộng đồng, sàng lọc tại cơ sở y tế trong 7 ngày vừa qua vẫn đang ở mức cao (chiếm khoảng 30-50%).

Các tỉnh còn lại tại khu vực miền Nam, tình hình dịch đang từng bước được kiểm soát; số ca mắc được phát hiện qua sàng lọc tại cộng đồng (khoảng 7-15%) có xu hướng giảm dần trong hai tuần qua.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, kết quả vừa qua cho thấy, công tác phòng, chống dịch đang đi đúng hướng, phù hợp với diễn biến tình hình và điều kiện thực tế của nước ta.

Tuy nhiên, Bộ trưởng đánh giá tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp, khó lường vì vậy vẫn phải tiếp tục cầu thị, khiêm tốn, lắng nghe, vừa làm vừa rút kinh nghiệm để bổ sung, hoàn thiện với tinh thần không cầu toàn, không nóng vội và phải tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả.

Hà Nội, TP HCM, Bình Dương, Long An và Đồng Nai hoàn thành tiêm vắc xin mũi 1 trước 15/9

Bộ Y tế vừa có công điện riêng gửi Hà Nội, TP HCM, Bình Dương, Long An và Đồng Nai về việc tiêm vắc xin COVID-19.

Theo công điện, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trên tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức tiêm chủng cho người từ 18 tuổi trở lên (bao gồm cả phụ nữ có thai) sinh sống và làm việc trên địa bàn.

Các địa phương phải hoàn thành tiêm chủng mũi 1 cho toàn bộ người dân trên 18 tuổi trước ngày 15/9 và tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian.

Với riêng TP Hà Nội, lãnh đạo Bộ Y tế đề nghị ưu tiên tiêm sớm cho những người có bệnh lý nền, người cao tuổi, người dân tại vùng đỏ, vùng cam, khu vực có mật độ dân cư cao.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cũng cho biết, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ ngành đang quyết liệt đẩy mạnh ngoại giao vắc xin ở các cấp Bộ trưởng, Chính phủ và nguyên thủ quốc gia, cả song phương và đa phương nhằm đưa vắc xin về nước nhiều nhất, nhanh nhất để tiêm cho người dân.

Tới ngày 4/9, Việt Nam đã nhận 33 triệu liều vắc xin, tăng gấp hai lần so với đầu tháng 8. Dự kiến tới cuối tháng 9, sẽ có khoảng 50 triệu liều vắc xin về Việt Nam. Sau các cuộc điện đàm của Thủ tướng, các hãng vắc xin đang đẩy nhanh tiến độ bàn giao vắc xin cho Việt Nam.

Chu Lai