Thủ tướng: Các nhà bán lẻ mở cửa bán gạo đến 11 giờ đêm cho người dân
Hôm nay (7/3), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Chủ tịch UBND TP Hà Nội và các doanh nghiệp cung ứng lương thực, thực phẩm cung cấp đủ hàng hoá cho các hệ thống siêu thị và cửa hàng ở Hà Nội, không để thiếu hàng hoá.
Thủ tướng yêu cầu lực lượng quản lí thị trường và các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, tích trữ, nâng giá trái pháp luật.
Thủ tướng đã trực tiếp chỉ đạo Tổng Công ty Lương thực miền Bắc, Tập đoàn DABACO và Công ty cổ Phần chăn nuôi C.P Việt Nam cung cấp đủ gạo, thực phẩm cho các nhà bán lẻ ở Hà Nội.
Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu hệ thống các nhà bán lẻ mở cửa bán gạo đến 11 giờ đêm để đáp ứng nhu cầu mua bán của nhân dân Thủ đô.
Việc mua tích trữ các loại mặt hàng tiêu dùng là một thói quen của người dân trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp và có nguy cơ lây nhiễm. Nhu cầu tích trữ tăng cao tại địa bàn thủ đô Hà Nội khi thành phố ghi nhận ca nhiễm COVID-19 đầu tiên vào tối ngày 6/3.
Theo báo cáo nhanh lên Bộ Công Thương của một số doanh nghiệp phân phối, lượng khách đến mua hàng từ sáng ngày 7/3 có tăng nhưng hiện nguồn cung hàng hóa tại các điểm bán hàng của các siêu thị vẫn đáp ứng đủ nhu cầu.
Trước tình hình đó, Bộ Công Thương cũng chỉ đạo cần có phương án điều tiết nguồn hàng từ các nhà cung cấp, từ các điểm bán hàng ngoài Hà Nội để tăng lượng cung ứng cho địa bàn thành phố Hà Nội.
Từ đó, Sở Công Thương TP Hà Nội đã chỉ đạo các doanh nghiệp trên địa bàn tăng cường khai thác hàng hóa với lượng hàng hóa tăng thêm từ 30% đến 50% so với nhu cầu bình thường của người dân. Đồng thời, Sở Công thương cần bám sát tình hình thị trường, trực tiếp kiểm tra đôn đốc các doanh nghiệp phân phối trên địa bàn triển khai các phương án bảo đảm nguồn cung hàng hóa cho thị trường, giữ ổn định tâm lí thị trường.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19 với 7 nhiệm vụ chính sau:
- Tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi về tiếp cận vốn, tín dụng, tài chính, thuế, thương mại, thanh toán điện tử
- Rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí cho doanh nghiệp
- Tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất, nhập khẩu
- Khẩn trương phục hồi và phát triển ngành du lịch, hàng không
- Đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh
- Tập trung xử lí vướng mắc về lao động
- Đẩy mạnh thông tin truyền thông