Thứ trưởng Bộ KH&ĐT: ESG là yếu tố tiên quyết của nhà đầu tư khi ra quyết định rót vốn
Tại Hội thảo “Tìm động lực tăng trưởng từ ESG” diễn sáng ngày 23/5, ông Matthew Smith, Giám đốc nghiên cứu, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết, ban đầu các nhà đầu tư luôn phải tính toán và dự báo giá trị hợp lý của doanh nghiệp hiện tại và trong tương lai trước khi đưa ra quyết định đầu tư theo chuẩn mực ESG (môi trường, xã hội và quản trị), bởi việc thực hành đòi hỏi phải bỏ ra nhiều chi phí, "ăn" vào dòng tiền.
Tuy nhiên trong dài hạn, yếu tố ESG sẽ có tác động tích cực tới hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp, khi có thể làm hài lòng nhà quản lý, đối tác, người mua hàng. Từ đó, giá trị của doanh nghiệp thực hành ESG trong mắt nhà đầu tư cao hơn.
Từ góc nhìn của nhà đầu tư, công ty thực hành ESG có thể nâng dòng tiền dự kiến/kỳ vọng trong tương lai, giúp giá vốn mà nhà đầu tư bỏ ra thấp hơn. Về phía doanh nghiệp, thực hành ESG giúp việc huy động vốn hiệu quả hơn, nhất là so với các công ty không thực hiện ESG tốt bằng.
"Doanh nghiệp không có sự lựa chọn nào khác ngoài thực hành tốt các yếu tố ESG nếu muốn tiếp cận dòng vốn quốc tế, bởi đây đã trở thành yếu tố bắt buộc", ông Matthew Smith nhìn nhận.
Ngoài ra, việc đầu tư ESG không chỉ được thúc đẩy bởi nhà đầu tư định chế trước quy định của Chính phủ, mà còn có động lực lớn tới từ nhóm nhà đầu tư cá nhân - đối tượng không chịu quy chế bắt buộc nào. Tỷ trọng nhà đầu tư cá nhân tham gia đầu tư ESG đã tăng từ 20% năm 2016 lên 25% năm 2018.
"Đây là nhóm nhà đầu tư trẻ, những người sinh sau năm 1990. Người trẻ ngày càng quan tâm và có thái độ nghiêm túc với tương lai. Trong khi hầu hết các nhà đầu tư bán lẻ quan tâm đến ESG là những người trẻ tuổi, những người thuộc thế hệ Millennial hoặc trẻ hơn. Các chủ doanh nghiệp đang tìm kiếm nguồn vốn nước ngoài chắc chắn đã được nghe nhiều về vấn đề này và thực tế họ cũng không có sự lựa chọn khác, bởi đây đã trở thành yêu cầu bắt buộc”, ông Matthew Smith nhấn mạnh.
Không chỉ là xu thế mà còn là điều kiện bắt buộc
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, tăng trưởng xanh không chỉ là lựa chọn tất yếu mà còn là cơ hội để Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới. Trong hành trình phát triển xanh, phát triển bền vững của các doanh nghiệp theo mô hình ESG không chỉ là xu thế mà còn là điều kiện bắt buộc.
Nhiều đối tác thương mại, đầu tư lớn của Việt Nam đều đã có những yêu cầu nghiêm ngặt về vấn đề này. Cụ thể, Liên minh châu Âu (EU) đã buộc các nhà xuất khẩu vào thị trường này phải trả một khoản thuế tương ứng với mức giá cho phép phát thải.
Nhiều nước châu Á bắt buộc doanh nghiệp thực hiện báo cáo bền vững. Các quốc gia và vùng lãnh thổ như Singapore, Malaysia, Hồng Kông (Trung Quốc) và Philippines đã yêu cầu các công ty đại chúng công bố hiệu quả hoạt động ESG.
Trung Quốc cũng dự kiến đưa ra chính sách tương tự đối với các công ty đại chúng trong thời gian tới. Không chỉ là quy định của các quốc gia, nhiều đối tác nước ngoài cũng xem ESG là một trong những yếu tố quan trọng để cân nhắc ký kết hợp tác.
“Trong tương lai gần, chắc chắn, việc công bố dữ liệu ESG sẽ trở nên phổ biến hơn và sẽ trở thành xu thế không thể đảo ngược. Xu hướng này sẽ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp Việt Nam, ở cả quy mô lớn và nhỏ”, bà Ngọc nêu rõ.
Cũng theo Thứ trưởng, ESG cũng đang trở thành yếu tố tiên quyết của nhà đầu tư khi ra quyết định rót vốn vào bất kỳ dự án hay doanh nghiệp nào.
Một nghiên cứu gần đây cho thấy những doanh nghiệp có xếp hạng ESG cao hơn đạt được hiệu quả tài chính tốt hơn, thể hiện ở tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu cao hơn 35% và định giá doanh nghiệp cao hơn 20% so với các doanh nghiệp có xếp hạng ESG thấp hơn.
“Nếu nhanh chóng đưa ESG vào chiến lược phát triển bền vững của mình, doanh nghiệp Việt có thể biến ESG thành “bệ phóng”, thành “động lực” tăng trưởng, từ đó vươn lên, nâng cao năng lực cạnh tranh khi tham gia vào dòng chảy thương mại quốc tế”, Thứ trưởng nhìn nhận.
Hiện KH&ĐT đang nỗ lực cụ thể hóa ba nhóm nhiệm vụ, giải pháp về tăng trưởng xanh mà cộng đồng doanh nghiệp quan tâm.
Thứ nhất, xây dựng chính sách, công cụ để huy động nguồn lực tài chính và tạo môi trường đầu tư, kinh doanh cho phát triển xanh và bền vững.
Thứ hai, xây dựng danh mục các nhiệm vụ, dự án tăng trưởng xanh trọng điểm trong giai đoạn 2021-2025 và 2026-2030. Đồng thời, xây dựng các cơ chế ưu đãi để thu hút đầu tư các dự án này.
Thứ ba, xây dựng kế hoạch huy động nguồn lực để thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh. Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới, để đạt được mục tiêu này, Việt Nam cần huy động nguồn tài chính tăng thêm khoảng 6,8% GDP/năm, tương đương với khoảng gần 400 tỷ USD từ nay đến năm 2040.
"Bộ đang tập trung xây dựng, hoàn thiện và trình cấp có thẩm quyền bộ tiêu chí phân loại xanh quốc gia. Đây là khuôn khổ pháp lý rất quan trọng để triển khai mục tiêu tăng trưởng xanh, là cơ sở để các bộ, ngành và địa phương lựa chọn các dự án đầu tư, để phân bổ các nguồn lực trong nước và quốc tế, phân bổ nguồn tín dụng xanh và nhất là để các nhà đầu tư có thể đối chiếu các tiêu chí có thể tiếp cận chính sách ưu đãi đầu tư, cũng như nguồn tài chính xanh từ các tổ chức", Thứ trưởng thông tin.