Thứ trưởng Bộ Công Thương: 'Đến tôi cũng phải giật mình vì giá hàng hoá trên Temu quá rẻ'
Tại buổi họp báo chiều ngày 23/10, trả lời câu hỏi về việc sàn thương mại điện tử Temu vào Việt Nam, nhất là áp lực cạnh tranh, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết Indonesia và một số nước quan ngại khi Temu bắt đầu thâm nhập vào thị trường nội địa của họ.
Hiện, Bộ Công Thương đã giao cho Cục Thương mại Điện tử đánh giá tác động của việc Temu mở rộng kinh doanh sang thị trường Việt Nam. Song song với đó, cơ quan này vẫn đang thực hiện đề án quản lý chặt, chống gian lận hàng gian, hàng giả, hàng nhái
“Đến tôi cũng phải giật mình vì giá cả hàng hoá trên Temu quá rẻ. Tuy nhiên, chúng tôi cũng cần phải điều tra, nghiên cứu cụ thể, chưa thể kết luận ngay mức giá đó là “thật” hay “không thật”. Bởi, chúng tôi vẫn tôn trọng việc mua bán trên thị trường. Trong thời gian tới, khi có kết quả nghiên cứu, chúng tôi sẽ có giải pháp để giải quyết các vấn đề này”, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết.
Nền tảng thương mại điện tử Temu đã bắt đầu hoạt động tại hai thị trường đầu tiên ở Đông Nam Á là Philippines và Malaysia cách đây hơn một năm. Vào tháng 7 năm nay, Temu bắt đầu giao hàng tại Thái Lan.
Dự kiến, với 5 thị trường ở Đông Nam Á, Temu hiện đang hoạt động tại tổng cộng 82 quốc gia và vùng lãnh thổ (tính đến ngày 7/10/2024).
Tuy nhiên, đầu tháng 10, Temu vấp phải rào cản đầu tiên khi tiến vào Đông Nam Á đó là lệnh cấm tại Indonesia. Lệnh cấm làm gián đoạn chuỗi cung ứng của Temu. Ngày 11/10, Indonesia cũng yêu cầu Google và Apple gỡ ứng dụng Temu khỏi cửa hàng trực tuyến để ngăn người dùng tải về.
Cơ quan chức năng Indonesia lập luận rằng lệnh cấm để bảo vệ các doanh nghiệp nhỏ trong nước trước các sản phẩm giá rẻ trên Temu. Theo chính phủ Indonesia, mô hình giao hàng nhanh của Temu gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong nước. Doanh nghiệp nước ngoài có thể đưa ra mức giá rất thấp, tạo áp lực lên các nhà bán lẻ nhỏ nội địa.
Dù bị cấm tại Indonesia, Temu vẫn tiếp tục mở rộng sang các thị trường khác trong khu vực. Gần đây, nền tảng này đã ra mắt tại Việt Nam và Brunei.
Tuy nhiên, có dấu hiệu cho thấy việc Temu vào Việt Nam diễn ra quá nhanh. Đầu tháng 10, website Temu mới chỉ hỗ trợ tiếng Anh và vài phương thức thanh toán, chưa có các dịch vụ thanh toán di động phổ biến như Momo.
Đến thời điểm hiện tại, tức sau gần một tháng, ứng dụng Temu đã được Việt hoá song chưa hoàn toàn tự nhiên, một số chỗ miêu tả sản phẩm khá máy móc và chưa chấp nhận thanh toán COD (thanh toán khi nhận hàng) - hình thức phổ biến trong việc mua hàng online tại Việt Nam.
Trong khi đó, hoạt động giao hàng tại Brunei, dù là một thị trường nhỏ nhưng giàu có, lại được tổ chức tốt hơn. Khác với Việt Nam, ứng dụng tại Brunei có sẵn cả tiếng Anh và tiếng Mã Lai. Dù quy mô dân số nhỏ hạn chế tiềm năng giao hàng nhanh của Temu, điều này cho thấy họ vẫn có ý định xây dựng chuỗi cung ứng trong khu vực.