|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Mua hàng siêu rẻ trên Temu: Của rẻ có phải của ôi?

12:31 | 23/10/2024
Chia sẻ
Chịu lỗ để dành thị phần và bán hàng trực tiếp từ nhà máy tới tay người tiêu dùng khiến các sản phẩm trên Temu có giá rẻ đến giật mình.

Dường như chỉ sau một đêm, mọi người đều nói về Temu - một sàn thương mại điện tử Trung Quốc, vừa đổ bộ vào Việt Nam. Người dùng có thể tìm thấy tai nghe không dây chính hãng chỉ vài trăm nghìn đồng, kính mắt hàng hiệu giá chưa tới vài chục,… trên Temu.

Không có gì ngạc nhiên khi trước đó, nền tảng thương mại giá rẻ này trở thành ứng dụng mua sắm phổ biến thứ hai tại Mỹ, chỉ sau Amazon. Vậy vì sao hàng hoá trên Temu lại có mức giá hấp dẫn người tiêu dùng đến vậy và chất lượng những sản phẩm này thế nào - là hai câu hỏi được thị trường quan tâm nhất lúc này.

Temu vào Việt Nam từ trung tuần tháng 10 và nhanh chóng tạo được cơn sốt trên mạng xã hội. (Ảnh: PROFIMEDIA).

Bán hàng trực tiếp không qua trung gian

Temu thuộc sở hữu của PDD Holdings, một tập đoàn có trụ sở tại Trung Quốc. PDD Holdings kết nối trực tiếp với các nhà bán buôn khắp Trung Quốc, giúp Temu có thể đưa ra mức giá cạnh tranh hơn nhiều so với đối thủ.

Temu cho biết họ giữ giá cả phải chăng bằng cách kết nối trực tiếp khách hàng với nhà cung cấp, trong khi họ chỉ quản lý việc vận chuyển hàng hóa đến tay người mua. Temu tận dụng chi phí sản xuất cực thấp của các nhà máy tại Trung Quốc. Họ còn có lợi thế từ mạng lưới nhà máy và chuỗi cung ứng khổng lồ của Pinduoduo, cho phép bán sản phẩm với giá chỉ cao hơn một chút so với giá sỉ.

Những mức giá siêu rẻ, kèm theo các ưu đãi như miễn phí vận chuyển và không yêu cầu mua tối thiểu, đã giúp Temu nhanh chóng thu hút người tiêu dùng, đặc biệt là trong bối cảnh giá cả sinh hoạt leo thang.

Chiến lược sản phẩm của Temu là cung cấp một loạt sản phẩm giá rẻ và thay đổi liên tục, với các thiết kế mới xuất hiện theo nhu cầu của người tiêu dùng. Các nhà cung cấp của Temu hầu như không giữ nhiều hàng tồn kho, mà chỉ sản xuất những lô nhỏ với các thiết kế khác nhau, rồi thay đổi nhanh chóng dựa trên phản hồi từ khách hàng.

Điều này có nghĩa là sản phẩm bạn thấy hôm nay có thể không còn vào ngày mai, hoặc sẽ xuất hiện với màu sắc hay kiểu dáng khác.

Công ty cũng dựa nhiều vào các nhà sáng tạo nội dung (influencers) để quảng bá. Những người này thường cung cấp mã giảm giá lớn cho người theo dõi, giúp giảm thêm chi phí mua sắm.

 Temu loại bỏ vai trò trung gian, mua hàng trực tiếp tại nhà máy để có giá rẻ. (Ảnh: Fortune).

Chịu lỗ để có giá rẻ

Sự hỗ trợ từ PDD cũng cho phép Temu áp dụng chiến lược “bán lỗ” khi thâm nhập vào thị trường nước ngoài. Điều này có nghĩa là công ty chấp nhận không có lợi nhuận ngay lập tức, nhưng vẫn giữ giá thấp để thu hút khách hàng và tăng cường nhận diện thương hiệu.

Các báo cáo mới cho thấy doanh số cao không đồng nghĩa với việc Temu có lãi. Công ty quản lý tài sản Sanford C. Bernstein ước tính rằng, mặc dù Temu đã đạt doanh thu khoảng 13 tỷ USD toàn cầu trong năm 2023 nhưng công ty này có thể vẫn lỗ khoảng 3,65 tỷ USD.

Nếu ước tính này đúng, thì đây là những khoản lỗ rất lớn. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, khoản lỗ có thể giảm xuống còn 1,9 tỷ USD vào năm 2025 nếu ứng dụng tiếp tục đạt được các mục tiêu đề ra.

Sản phẩm và mức giá cực kỳ rẻ của Temu đã thu hút người tiêu dùng tại các thị trường như Mỹ, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Đức, Italia, Hà Lan, sau này là Nhật Bản và Hàn Quốc.

Thị trường nước ngoài đầu tiên của Temu là Mỹ. Sàn thương mại điện tử này thực sự bùng nổ tại Mỹ sau khi phát đoạn quảng cáo gây tiêng vang trong trận Super Bowl (Giải Bóng bầu dục Quốc gia Mỹ). Sau đoạn quảng cáo 30 giây, Temu ghi nhận lượng tải ứng dụng tăng 45%, vượt qua cả các đối thủ bán lẻ lớn như Target.

Thành công của Temu không phải chỉ là hiện tượng ngắn hạn. Ứng dụng của họ giữ vị trí số một trên App Store của iOS trong phần lớn năm 2023 và vẫn giữ vững vị trí này cho đến nay.

Dấu hỏi về chất lượng sản phẩm

Tại các thị trường đã hiện diện như Mỹ, Temu thường xuyên bị chỉ trích vì chất lượng sản phẩm kém và không đồng đều, cùng với việc quảng cáo sai lệch so với thực tế sản phẩm.

Công ty cũng không được công nhận bởi Better Business Bureau (BBB) - đơn vị cung cấp các dịch vụ đánh giá và xếp hạng uy tín cho các doanh nghiệp, và chỉ nhận được đánh giá 2/5 sao từ người dùng trên trang này. Temu cũng được đánh giá 3,5 sao trên trang Trustpilot với nhiều khách hàng phàn nàn về chất lượng sản phẩm kém và không nhận được hàng.

Gói hàng Temu. (Ảnh: Beverly's Stunning Creations/YouTube).

Trên TikTok, nhiều người chia sẻ những trải nghiệm tiêu cực với Temu, trong khi một số khác lại khoe những món hàng mua được với giá rất rẻ.

Nhiều khách hàng nhận thấy sản phẩm trên Temu có chất lượng thấp và không bền, chẳng hạn như một người mua cho biết trang sức vàng bị phai màu chỉ sau vài tuần.

Một số khác phát hiện hàng hóa trên Temu có thể là hàng giả, như trường hợp một khách hàng mua một đôi giày Air Jordan với giá 50 USD nhưng sau đó phát hiện đó là hàng nhái.

Tại Việt Nam, đã có một số phản hồi không tốt khi mua hàng trên Temu. Chẳng hạn, trên trang Facebook cá nhân, Huỳnh Văn Bách tại Đà Nẵng đã chia sẻ lại đánh giá sau khi mua sản phẩm trên Temu. Người này cho biết ưu điểm là Temu giao hàng nhanh, và đa dạng sản phẩm.

Tuy nhiên nhược điểm là giá gốc để rất cao để tạo tâm lý giảm nhiều, sau khi đặt hàng có những sản phẩm được giảm tới hơn một triệu đồng. So sánh với các nền tảng thương mại điện tử khác thì thấy giá vẫn cao hơn.

Theo anh Bách, chất lượng sản phẩm khi giao đến ọp ẹp, nứt gãy, đóng gói không cẩn thận. Do đó, sau khi nhận được hàng anh đã thất vọng và trả lại luôn.

Cách Temu kiểm soát chất lượng hàng hoá

Trao đổi qua mail với chúng tôi, phía đại diện sàn thương mại điện tử này cho biết hàng hoá bán trên Temu được áp dụng quy trình kiểm soát chất lượng toàn diện, đảm bảo đáp ứng các yêu cầu của từng thị trường riêng biệt.

Quy trình này bao gồm việc đăng ký bán hàng, trong đó người bán cần cung cấp các giấy tờ cần thiết và ký cam kết về an toàn sản phẩm cũng như tuân thủ quy định tại thị trường. Temu hỗ trợ người bán bằng cách cung cấp thông tin và tài liệu về các yêu cầu tuân thủ ở từng thị trường cụ thể.

Sau khi hoàn tất đăng ký, người bán cần cung cấp đầy đủ thông tin về sản phẩm, bao gồm mô tả chi tiết, số mẫu hoặc số lô, tên thương mại, giá bán, hình ảnh và các giấy tờ liên quan, nếu có. 

Temu khẳng định hàng hoá trên nền tảng được áp dụng quy trình kiểm soát chất lượng toàn diện, phù hợp với quy định từng thị trường. (Đồ hoạ: Dân trí).

“Chúng tôi thực hiện kiểm tra ngẫu nhiên để đảm bảo sản phẩm thực tế khớp với mô tả và đáp ứng các tiêu chuẩn cần thiết. Điều này bao gồm kiểm tra bao bì, nhãn mác và các ký hiệu an toàn. Nếu phát hiện dấu hiệu không tuân thủ, Temu sẽ hành động ngay lập tức, có thể tạm ngừng sản phẩm, yêu cầu thêm tài liệu hoặc gỡ bỏ sản phẩm khỏi nền tảng”, phía Temu khẳng định.

Ngoài ra, để duy trì kiểm soát chất lượng, nền tảng này cho biết họ giám sát liên tục và theo dõi phản hồi từ khách hàng để phát hiện sớm các vấn đề về sản phẩm. Khi có nghi vấn, Temu sẽ điều tra và gỡ bỏ sản phẩm không đáp ứng tiêu chuẩn nếu cần. 

Temu nói họ cũng phối hợp thường xuyên với các cơ quan quản lý để giải quyết thắc mắc và hỗ trợ gỡ bỏ hoặc thu hồi sản phẩm khi cần thiết.

“Chúng tôi thường xuyên nhắc nhở người bán về trách nhiệm tuân thủ an toàn sản phẩm. Vi phạm có thể dẫn đến cảnh báo, phạt tiền, gỡ bỏ sản phẩm hoặc đóng tài khoản. Temu cũng duy trì danh sách chặn để ngăn những người bán vi phạm quay lại nền tảng”, phía Temu cung cấp thêm thông tin.

Trước đó, đầu tháng 11, Tổng Cục Thuế (thuộc Bộ Tài Chính) cho biết Temu đã đăng ký thuế tại Việt Nam. Tuy nhiên, nền tảng này đến nay vẫn chưa được Bộ Công Thương cấp phép hoạt động. Bộ khuyến cáo người tiêu dùng nên thận trọng khi khi thực hiện mua sắm trực tuyến trên các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới.

Đức Huy