|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Sự xuất hiện của Temu tại Việt Nam có thực sự đáng lo?

15:41 | 23/10/2024
Chia sẻ
Chuyên gia đánh giá sự hiện diện của Temu tại các thị trường như Việt Nam chưa thực sự mạnh mẽ.

Đầu tháng 10, Temu - nền tảng mua sắm giá rẻ đến từ Trung Quốc, vấp phải rào cản đầu tiên khi tiến vào Đông Nam Á đó là lệnh cấm tại Indonesia. Lệnh cấm làm gián đoạn chuỗi cung ứng của Temu. Ngày 11/10, Indonesia cũng yêu cầu Google và Apple gỡ ứng dụng Temu khỏi cửa hàng trực tuyến để ngăn người dùng tải về.

Cơ quan chức năng Indonesia lập luận rằng lệnh cấm để bảo vệ các doanh nghiệp nhỏ trong nước trước các sản phẩm giá rẻ trên Temu. Theo chính phủ Indonesia, mô hình giao hàng nhanh của Temu gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong nước. Doanh nghiệp nước ngoài có thể đưa ra mức giá rất thấp, tạo áp lực lên các nhà bán lẻ nhỏ nội địa.

Ứng dụng Temu tại Việt Nam. (Ảnh: Đức Huy).

Mở rộng vội vàng sang Việt Nam

Dù bị cấm tại Indonesia, Temu vẫn tiếp tục mở rộng sang các thị trường khác trong khu vực. Gần đây, nền tảng này đã ra mắt tại Việt Nam và Brunei.

Tuy nhiên, có dấu hiệu cho thấy việc Temu vào Việt Nam diễn ra quá nhanh. Đầu tháng 10, website Temu mới chỉ hỗ trợ tiếng Anh và vài phương thức thanh toán, chưa có các dịch vụ thanh toán di động phổ biến như Momo. 

Đến thời điểm hiện tại, tức sau gần một tháng, ứng dụng Temu đã được Việt hoá song chưa hoàn toàn tự nhiên, một số chỗ miêu tả sản phẩm khá máy móc và chưa chấp nhận thanh toán COD (thanh toán khi nhận hàng) - hình thức phổ biến trong việc mua hàng online tại Việt Nam.

Trong khi đó, hoạt động giao hàng tại Brunei, dù là một thị trường nhỏ nhưng giàu có, lại được tổ chức tốt hơn. Khác với Việt Nam, ứng dụng tại Brunei có sẵn cả tiếng Anh và tiếng Mã Lai. Dù quy mô dân số nhỏ hạn chế tiềm năng giao hàng nhanh của Temu, điều này cho thấy họ vẫn có ý định xây dựng chuỗi cung ứng trong khu vực.

Khó cạnh tranh với Shopee, Lazada

Chiến lược này cho thấy Temu đang đối mặt với thách thức lớn ở Đông Nam Á. Khu vực này đã có nhiều đối thủ mạnh như Shopee và Lazada. Dù Temu đã thành công trên toàn cầu, mô hình hàng giá rẻ từ Trung Quốc của họ đang gặp phải sự cạnh tranh gay gắt.

Theo báo cáo từ Cube Asia, phần lớn sản phẩm trên Temu là hàng không có thương hiệu từ Trung Quốc. Các sản phẩm có thương hiệu chỉ chiếm 12% danh mục, giúp giữ giá thấp.

Temu đã vào Đông Nam Á qua các thị trường như Philippines, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam và Brunei. Tuy nhiên, theo báo cáo của Momentum Ventures năm ngoái, tổng khối lượng hàng hóa của Temu vẫn thấp hơn so với các đối thủ địa phương trong khu vực.

Mức độ thâm nhập chưa lớn

Dù Indonesia đã cấm Temu, các chuyên gia trong ngành cho rằng động thái này khó gây ra các hành động tương tự tại những nước khác ở Đông Nam Á trong thời gian tới.

Chính quyền Indonesia nhắm vào các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới để ngăn chặn sự tràn lan của hàng giá rẻ, điều có thể gây ảnh hưởng xấu đến các ngành công nghiệp trong nước. 

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định rằng Đông Nam Á có nhiều khác biệt về kinh tế và quy định. Điều này khiến việc áp dụng biện pháp tương tự với chuỗi cung ứng của Temu trở nên ít khả thi.

“Cơ cấu kinh tế của Indonesia rất đặc biệt, với các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) đóng vai trò cốt lõi của nền kinh tế và là nguồn tạo việc làm chính. Điều này thu hút sự quan tâm lớn từ chính phủ”, ông Li Jianggan, Giám đốc điều hành Momentum Works, một công ty có trụ sở tại Singapore, chia sẻ trên tờ South China Morning Post.

Theo Bộ Điều phối Kinh tế Indonesia, hơn 64 triệu doanh nghiệp MSME đóng góp hơn 60% GDP và chiếm 97% số lượng việc làm tại Indonesia, khiến việc bảo vệ họ trở thành vấn đề quốc gia.

Ông Li cũng cho biết, dù Indonesia áp dụng những biện pháp nghiêm ngặt này, “lệnh cấm đối với Temu và các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới khác không có khả năng gây ra hiệu ứng dây chuyền tại các quốc gia Đông Nam Á khác trong ngắn hạn”. Các nước trong khu vực có những ưu tiên và cân nhắc khác nhau về kinh tế và quy định.

Hiện tại, Temu vẫn hoạt động tại các quốc gia như Philippines, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam và Brunei, nhưng mức độ thâm nhập thị trường chưa lớn. “Temu chưa có sự hiện diện mạnh mẽ ở Đông Nam Á”,  ông Li nói, cho thấy chiến lược và tác động của nền tảng này khác nhau giữa các quốc gia.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Đức Huy