'Thu hồi 6.126 tỷ đồng từ ba Ngân hàng liên quan để khắc phục hậu quả do lỗi của CB gây ra là một tiền lệ xấu'
"Yêu cầu bồi thường đã vượt quá thời hiệu"
Liên quan đến nội dung được Đại diện Viện Kiểm Sát (VKS) nêu tại quan điểm luận tội vào ngày 22/1 là kiến nghị thu hồi số tiền 6.126 tỷ đồng từ các Ngân hàng BIDV, Sacombank, TPBank (là những người có nghĩa vụ quyền lợi liên quan) để khắc phục hậu quả trong vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm (giai đoạn 2). Đại diện Sacombank đã đưa ra một số ý kiến.
Tại thời điểm phát sinh giao dịch (ngày 26/4/2013), thời điểm tất toán giao dịch (ngày 26/1/2014), hai pháp nhân Ngân hàng thực hiện các giao dịch dân sự, giao dịch được thực hiện và hoàn tất trước khi vụ án xảy ra; sau khi giao dịch tất toán về phía Ngân hàng Đại Tín không có ý kiến gì.
Theo đó, đại diện Sacombank nêu quan điểm rằng giao dịch giữa Sacombank và Ngân hàng Đại Tín phù hợp với thỏa thuận của các bên tại các Hợp đồng tiề ngửi thanh toán không kỳ hạn; Hợp đồng cầm cố, bảo lãnh; Hợp đồng tín dụng; Việc xử lý tài sản đảm bảo thu hồi nợ vay.
Giao dịch giữa Sacombank và Ngân hàng Đại Tín thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật thể hiện tại: Khoản 2 Điều 95 Luật các Tổ chức Tín dụng năm 2010; Điều 56 Nghị định của Chính phủ 163/2006/ND-CP về giao dịch đảm bảo; Điều 12 Nghị định của Chính phủ số 57/2012/NĐ-CP về chế độ tài chính đối với TCTD; Khoản 2 (b,c) Điều 24 và Khoản 2a Điều 25 của Quyết định NHNN số 1627 về ban hành quy chế cho vay của TCTD.
Việc Ngân hàng Đại Tín chuyển tiền thanh toán tại hai Chi nhánh của Sacombank đã được Tổ Giám sát NHNN phê duyệt trên tờ trình. Mặt khác, theo Điều 429 Bộ Luật dân sự thì đến nay đã quá ba năm; do vậy, việc yêu cầu bồi thường đã vượt quá thời hiệu.
Do vậy, việc kiến nghị thu hồi tiền nêu trên không có đầy đủ cơ sở pháp lý sẽ tạo tiền lệ bất lợi, gây khó khăn, cản trở, lớn cho hoạt động của Sacombank (nói riêng) và hệ thống Ngân hàng (nói chung), không đảm bảo quyền và các lợi ích của các TCTD theo quy định của pháp luật, có thể dẫn đến nguy cơ gia tăng tranh chấp đối với các giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại hợp pháp đang được vận hành bình thường, không có vướng mắc và có thể làm xáo trộn môi trường kinh doanh, khách hàng mất niềm tin vào Ngân hàng, có thể sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự ổn định của Sacombank nói riêng và hệ thống Ngân hàng nói chung. Phía Sacombank mong HĐXX xem xét vấn đề này.
Viêc quy buộc thu hồi 6.126 tỷ đồng để khắc phục hậu quả do lỗi CB gây ra là một tiền lệ xấu
Theo đại diện Sacombank, Ngân hàng Đại Tín, sau đổi tên là Ngân hàng Xây Dựng và nay Ngân hàng TMCP Xây Dựng (vết tắt là CB – được Nhà nước mua lại với giá 0 đồng). Như vậy, theo quy định pháp luật CB phải kế thừa toàn bộ nghĩa vụ của Ngân hàng Đại Tín trước đây (vì hành vi là mua lại).
Tại các kết luận điều tra, các giám định tư pháp của giám định Ngân hàng Nhà nước, cáo trạng truy tố và diễn biến xét hỏi, bài luận tội, các bài bào chữa tại phiên toàn đều thể hiện cấp quản lý (HĐQT, BKS), cấp điều hành (TGĐ) của Ngân hàng Đại Tín dùng tài sản Ngân hàng (ở đây là tiền gửi) để đảm bảo cho các công ty vay tiền tại các Ngân hàng (trong đó có Sacombank) mà không thực hiện các biện pháp bảo đảm theo quy định dẫn đến thiêt hại cho Ngân hàng Đại Tín (nay là Ngân hàng CB) thì rõ ràng đây là lỗi của Ngân hàng Đại Tín, phía Sacombank nêu quan điểm.
Tại thời điểm xảy ra vụ việc, Ngân hàng Đại Tín và các Ngân hàng có liên quan là pháp nhân độc lập, vốn chủ sở hữu do các cổ đông góp. Nay CB có 100% vốn sở hữu là Nhà nước góp, theo quy định của pháp luật kinh doanh thì mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng nhau.
"Do vậy, tại phiên tòa này, với lý do này hay lý do khác, ý kiến cá nhân này, cá nhân khác mà các cơ quan bảo vệ pháp luật của nhà nước vốn nổi tiếng là công minh lại quy buộc thu hồi 6.126 tỷ đồng (làm tròn) để khắc phục hậu quả do lỗi của CB gây ra. Việc quy buộc nêu trên không đúng theo pháp luật là một tiền lệ xấu, làm đảo lộn mọi trật tự kinh tế, gây hậu quả khôn lường (như đã phân tích ở trên)".
Ngân hàng không thể gánh chịu bất kỳ nghĩa vụ tài chính nào do các giao dịch hợp pháp diễn ra trước đó gần 4 năm
Mặt khác, với vị thế trên thị trường tài chính tiền tệ, tất cả những gì có liên quan nhạy cảm đến ba Ngân hàng đều ảnh hưởng đáng kể đến sự phát triển của thị trường tài chính tiền tệ tại Việt Nam và ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế nước nhà, đại diện Sacombank nêu ý kiến.
Kết quả kinh doanh của Sacombank và các ngân hàng đều được kiểm toán, phân chia lợi nhuận đến cổ đông từ năm 2014 đến nay. Do đó, đại diện Sacombank cho rằng Ngân hàng không thể gánh chịu bất kỳ nghĩa vụ tài chính nào do các giao dịch hợp pháp diễn ra trước đó gần 4 năm.
"Chúng tôi không thể giải thích với các cổ đông để thu hồi bất cứ khoản tiền nào mà không phải do lỗi của Sacombank gây ra. Các khách hàng, các cổ đông, các nhà đầu tư sẽ hết sức e ngại trong giao dịch với Ngân hàng Việt Nam, khi các giao dịch đó không được bảo vệ cho dù Ngân hàng đã tuân thủ đúng quy định pháp luật. Điều này dẫn đến hệ lụy rất lớn về khủng hoảng niềm tin vào hoạt động của các Ngân hàng và sự giám sát, quản lý của các cơ quan nhà nước đối với hoạt động của các Ngân hàng", phía Sacombank nêu.
Với những quan điểm về khoản tiền VKS kiến nghị thu hồi tại ba Ngân hàng, ban lãnh đạo Sacombank gửi đề nghị đến HĐXX và VKS xem xét không thu hồi số tiền 6.126 tỷ đồng liên quan đến giao dịch hợp pháp giữa Sacombank và Ngân hàng Đại Tín (nay là Ngân hàng CB).