Thống đốc NHNN: Đến 13/12, tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng khoảng 12,5%
Sáng ngày 14/12, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2025. Phát biểu tại sự kiện, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, năm 2024 là một năm kinh tế thế giới đối mặt với nhiều biến động phức tạp và khó lường. Với đặc thù là nền kinh tế có độ mở cao, Việt Nam chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ những biến động này.
Thống đốc nhận định, kinh tế toàn cầu năm 2024 có dấu hiệu phục hồi nhưng tốc độ còn chậm. Lạm phát thế giới ở mức cao, thị trường ngoại hối biến động mạnh, giá vàng quốc tế tăng đỉnh điểm có thời điểm vượt mức 2.700 USD/ounce... đã tác động trực tiếp, gián tiếp tạo áp lực lớn lên công tác điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá tại Việt Nam.
Trong điều hành lãi suất, NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành trong bối cảnh lãi suất thế giới vẫn neo ở mức cao, tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp, qua đó có điều kiện để hỗ trợ nền kinh tế.
Theo báo cáo lãi suất của các ngân hàng thương mại, đến nay, mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục giảm khoảng 0,96%/năm so với cuối năm 2023.
- TIN LIÊN QUAN
-
Thêm một ngân hàng được nới room lên 18,4% 13/12/2024 - 11:36
-
NHNN nới room tín dụng, những ngân hàng nào sẽ được hưởng lợi? 01/12/2024 - 08:00
Về tăng trưởng tín dụng, tính đến 13/12, tín dụng toàn nền kinh tế tăng khoảng 12,5% so với cuối năm 2023. Tín dụng tập trung vào các sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Con số này tương đương với mức mà Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú đưa ra vào ngày 7/12 và còn cách mục tiêu cả năm 2,5 điểm %.
Nhằm thúc đẩy tín dụng, NHNN đã chủ động thực hiện hai lần điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các TCTD vào ngày 28/8/2024 và ngày 28/11/2024 theo nguyên tắc cụ thể, đảm bảo công khai.
Bên cạnh đó, NHNN tiếp tục chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh triển khai các chương trình tín dụng như: Chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư; Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm, thủy sản…
Về tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, NHNN đã đạt bước tiến quan trọng trong xử lý các ngân hàng yếu kém. Trong năm 2024, hai trong số 4 ngân hàng 0 đồng đã được chuyển giao bắt buộc. Hai ngân hàng còn lại đang được trình cấp có thẩm quyền phê duyệt sớm phê duyệt trong năm 2024.
“Việc này đánh dấu một giai đoạn chưa từng có tiền lệ, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan”, Thống đốc nhấn mạnh.
Trong quản lý hoạt động kinh doanh vàng, với sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, các giải pháp đồng bộ của NHNN và sự phối hợp của các Bộ ngành liên quan, đến nay, mục tiêu cơ bản ban đầu là xử lý và kiểm soát chênh lệch giá vàng miếng SJC so với giá vàng thế giới trong biên độ phù hợp đã đạt được.
Nợ xấu được tập trung xử lý và kiểm soát trong bối cảnh nền kinh tế và sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của doanh nghiệp.
Năm định hướng điều hành chính sách tiền tệ năm 2025
Trong thời gian tới, đại diện NHNN cho biết sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường, tình hình kinh tế trong và ngoài nước để điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa nhằm hỗ trợ ưu tiên tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Đồng thời góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Một là, điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến thị trường, kinh tế vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ.
Hai là, theo dõi sát tình hình thị trường để điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp, phối hợp đồng bộ với các công cụ chính sách tiền tệ, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Ba là, tiếp tục theo dõi và chỉ đạo các TCTD tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng. Đồng thời, tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; rà soát, đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ vay vốn, tài sản bảo đảm, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng; mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh và phục vụ đời sống, tiêu dùng, góp phần hạn chế “tín dụng đen”.
Bốn là, triển khai quyết liệt, hiệu quả Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025”, đẩy mạnh xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh;
Năm là, tập trung triển khai thực hiện Nghị định số 52 quy định về hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt. Tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn và bảo mật hoạt động thanh toán, ngân hàng; chỉ đạo các đơn vị cung ứng dịch vụ tích cực triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến, thanh toán thẻ,...