Thời kỳ Made in Europe đang khép lại?
Nguy cơ phi công nghiệp hóa
Giá năng lượng đã vọt lên mức kỷ lục trong năm 2022 sau khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát và các đường ống dẫn khí đốt quan trọng dừng hoạt động.
Chi phí nhiên liệu đã trở nên quá đắt đỏ đối với nhiều công ty sản xuất để duy trì khả năng cạnh tranh. Bên cạnh đó, gói trợ cấp khổng lồ của Mỹ dành cho những ngành thân thiện với môi trường đang thúc đẩy doanh nghiệp di dời sang bên kia bờ Đại Tây Dương.
Cuộc khủng hoảng năng lượng ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến các lĩnh vực sản xuất thủy tinh, hóa chất, kim loại, phân bón, giấy, gốm sứ và xi măng. Đây là những lĩnh vực “ngốn” nhiều năng lượng nhất để tiến hành sản xuất.
Bên cạnh đó, các ngành này còn đối mặt với sự cạnh tranh kinh tế ngày càng gia tăng từ Trung Quốc và chủ nghĩa bảo hộ từ Mỹ. Giới lãnh đạo châu Âu đang cảnh báo về sự lây lan của tình trạng phi công nghiệp hóa trong tất cả ngành sản xuất trên khắp lục địa.
Lò nung thủy tinh của hãng Duralex đã hoạt động bên bờ sông Loire, gần Orleans, Pháp, kể từ khi Thế chiến II kết thúc.
Tuy nhiên, trong mùa đông này, người ta không thấy không một bóng người nào dọc theo dây chuyền sản xuất của nhà máy thủy tinh tại La Chapelle-Saint-Mesmin và tất nhiên không một mảnh kính nào được sản xuất ra.
Các lò nung đang trong trạng thái “ngủ đông” cho đến tháng 4/2023 vì khí đốt – nhiên liệu cần thiết để duy trì hoạt động của lò - trở nên quá đắt. Ở nhiệt độ thấp, lò sẽ không sản xuất được sản phẩm gì.
Ông José-Luis Llacuna, Chủ tịch của tập đoàn La Maison Française du Verre, sở hữu nhãn hiệu Duralex và Pyrex, nói: “Chúng tôi đối mặt với quyết định khó khăn và những rủi ro về kỹ thuật và con người, song tập đoàn này vẫn cần tiết kiệm năng lượng.”
Những chiếc cốc thủy tinh của Duralex có thể được tìm thấy ở mọi căng tin trường học tại Pháp và được xuất khẩu trên toàn thế giới. Người tiêu dùng có thể mua sản phẩm này tại các cửa hàng John Lewis của Anh và tại MoMA ở New York (Mỹ).
Ông Llacuna cho biết tương lai của nhà máy tại châu Âu vẫn an toàn, song những khó khăn trong mùa đông là dấu hiệu của một cuộc khủng hoảng sâu sắc hơn đang ảnh hưởng đến những cơ sở sản xuất lâu đời của châu Âu, khi giá năng lượng cao và xung đột địa chính trị gia tăng.
Vào tháng 10, quyết định của tập đoàn hóa chất khổng lồ BASF (Đức) về việc thu hẹp vĩnh viễn các hoạt động tại châu Âu đã gây chấn động trong ngành sản xuất của lục địa già.
Kể từ tháng 12/2022, ngành sản xuất của châu Âu đã vượt qua giai đoạn khủng hoảng năng lượng tồi tệ nhất trong mùa đông, khi cắt giảm mức tiêu thụ khí đốt khoảng 15% mà không làm giảm sản lượng tổng thể.
Tuy nhiên, giá xăng hiện vẫn cao hơn khoảng 6 lần so với mức trung bình của 10 năm trước và cao hơn 4 lần so với ở các đối thủ cạnh tranh như Mỹ. Nhiều người lo ngại rằng nhiều tập đoàn lớn sẽ chuyển hoạt động ra bên ngoài châu Âu trong khi các doanh nghiệp nhỏ hơn có thể đóng cửa hoàn toàn.
Ưu tiên của châu Âu
Một quan chức cấp cao của Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo chính sách tại Mỹ và Trung Quốc đang đẩy châu Âu đứng trước nguy cơ phi công nghiệp hóa và “đóng băng” đầu tư. Ngăn chặn nguy cơ trên và những hậu quả chính trị và xã hội đã trở thành nhiệm vụ số 1 trong chương trình nghị sự của Liên minh châu Âu (EU) trong năm 2023.
Trong một email chúc mừng năm mới gửi tới nhân viên, Ủy viên Thị trường Nội bộ châu Âu, ông Thierry Breton cho biết những nỗ lực thúc đẩy khả năng cạnh tranh toàn cầu của châu Âu là “ưu tiên hàng đầu”.
Theo ông Breton, giá năng lượng cao tại châu Âu sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến người dân, toàn bộ chuỗi cung ứng công nghiệp và các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong khi đó, ngành công nghiệp châu Âu còn phải cạnh tranh với Trung Quốc, Mỹ và các quốc gia khác. Ông nói: “Không có cơ sở sản xuất vững mạnh, an ninh nguồn cung, năng lực xuất khẩu và việc làm của châu Âu đang gặp rủi ro.”
Ông Luc Triangle, Tổng Thư ký nghiệp đoàn IndustriALL European Trade Union, cho rằng mất năng lực sản xuất đồng nghĩa với mất việc làm, và điều này có thể gây ra những hậu quả chính trị.
Ông Triangle cho biết: “Chúng tôi không phóng đại khi nói rằng ngành công nghiệp châu Âu - bắt đầu với các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng - đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng”. IndustriALL đã cảnh báo mối đe dọa “hiện hữu” đối với 8 triệu lao động đang làm việc trong các lĩnh vực “ngốn” năng lượng.
Nhiều doanh nghiệp đang kêu gọi hành động phối hợp ở cấp EU để giải cứu cơ sở sản xuất của châu Âu. Pháp hiện đang yêu cầu một chiến lược "Made in Europe" mới trên toàn EU.
Hội nghị thượng đỉnh cuối cùng năm 2022 vào tháng 12 đã yêu cầu EC nhanh chóng đưa ra đề xuất huy động tất cả công cụ liên quan để giải quyết cuộc khủng hoảng kép về năng lượng và nâng cao khả năng cạnh tranh cho ngành công nghiệp châu Âu. Vấn đề này sẽ chi phối một hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo EU dự kiến vào ngày 9-10/2.
Tuy nhiên, bất đồng giữa các quốc gia về hướng đi phía trước khiến con đường EU sẽ đi vẫn chưa rõ ràng.
Nới lỏng quy định viện trợ nhà nước nghiêm ngặt của EU là trọng tâm chính của các nhà lãnh đạo khối. Bên cạnh đó, chương trình hỗ trợ tài chính của EU cho lĩnh vực sản xuất cũng đang được xem xét.
Một nhà ngoại giao EU lưu ý: “Nếu EU không đẩy mạnh chính sách hỗ trợ, ngành công nghiệp của chúng tôi sẽ chảy máu đến chết”.