|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Thổ Nhĩ Kỳ cản đường Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO, phương Tây cần làm gì?

10:30 | 18/05/2022
Chia sẻ
Tổng thống Erdogan tuyên bố nhất quyết phản đối việc gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển. Tuy nhiên, nếu phương Tây đáp ứng được những yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ, nhiều khả năng Ankara sẽ chấp nhận tư cách thành viên của hai quốc gia Bắc Âu.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã một lần nữa lên tiếng phản đối việc Thụy Điển và Phần Lan gia nhập liên minh NATO.

Trước truyền thông, ông Erdogan tuyên bố: “Chúng tôi sẽ không gật đầu đồng ý cho những nước đã áp trừng phạt lên Thổ Nhĩ Kỳ tham gia vào NATO”. Theo CNBC, có lẽ ông đang đề cập đến việc Thụy Điển ngừng bán vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2019 vì các hoạt động quân sự của nước này ở Syria.

Hôm 16/5, Bộ Ngoại giao Thụy Điển cho biết Stockholm có kế hoạch cùng Phần Lan cử phái đoàn đến thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ để giải quyết các phản đối của ông Erdogan. Song, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng hai nước trên đang lãng phí thời gian của mình.

“Họ sẽ đến để thuyết phục chúng tôi à? Xin lỗi, nhưng họ không cần phải cố gắng”, ông Erdogan nói. Ông cho biết thêm rằng việc hai nước gia nhập sẽ biến NATO trở thành “nơi tập trung đại diện của các tổ chức khủng bố”.

Bộ Ngoại giao Phần Lan nói rằng Helsinki “sẽ thực hiện các lệnh trừng phạt khủng bố của Liên Hợp Quốc và EU đối với bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào… phù hợp với luật pháp của EU”. Phần Lan cũng khẳng định thêm: “EU và Thổ Nhĩ Kỳ thường xuyên có các cuộc đối thoại về vấn đề chống khủng bố”.

Thụy Điển và Phần Lan đã cho phép các thành viên của Đảng Công nhân người Kurd (PKK) được tị nạn. Tổ chức này bị Thổ Nhĩ Kỳ coi là khủng bố và đã thực hiện các cuộc tấn công ở Thổ Nhĩ Kỳ. Hai nước cũng đã hỗ trợ và tổ chức các cuộc gặp cấp cao với các thành viên của YPG, chi nhánh của PKK ở Syria. 

Lực lương PKK tại miền bắc Iraq vào năm 2013. (Ảnh: Safin Hamed/AFP). 

Vị thế của Thổ Nhĩ Kỳ trong NATO

Trong khi ban lãnh đạo NATO hoan nghênh động thái của Phần Lan và Thụy Điển, một trong những thành viên hùng mạnh nhất về mặt quân sự của NATO đã cản đường: Thổ Nhĩ Kỳ.

Thổ Nhĩ Kỳ tham gia liên minh vào năm 1952, là một nhân tố quan trọng trong NATO. Ankara sở hữu quân đội lớn thứ hai trong liên minh 30 thành viên chỉ sau Mỹ.

Thổ Nhĩ Kỳ đạt đủ mục tiêu 2% GDP cho quốc phòng của NATO.

Ông Timothy Ash, chiến lược gia thị trường mới nổi tại Bluebay Asset Management, cho biết: “Có vẻ như một cuộc khủng hoảng lớn đang xuất hiện trong quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và phương Tây về việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO.”

Ông Ash nói thêm: “Các thành viên NATO khác sẽ rất giận dữ với Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara sẽ bị coi là một đối tác không đáng tin cậy và khiến cả hai bên mất niềm tin vào nhau. Nỗ lực gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thành công cốc”.

Căn cứ không quân chiến lược Incirlik của Thổ Nhĩ Kỳ là nơi cất giữ 50 vũ khí hạt nhân chiến thuật của Mỹ. Một số quan chức Mỹ đã đề nghị chuyển số vũ khí này đến nơi khác do căng thẳng giữa Washington và Ankara gia tăng trong những năm gần đây. 

Căng thẳng phát sinh một phần là do mối quan hệ đang ấm lên giữa Tổng thống Erdogan với người đồng cấp Nga Vladimir Putin, cũng như quyết định gây tranh cãi của nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ trong việc mua hệ thống phòng không S-400 từ Nga, khiến Ankara bị loại khỏi chương trình F-35 của NATO.

Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ đã hỗ trợ Ukraine bằng cách gửi vũ khí, đặc biệt là máy bay không người lái TB-2 Bayraktar, và cố gắng làm trung gian giữa Moscow và Kiev, nhưng Ankara vẫn không cùng các đồng minh NATO trừng phạt Nga.

Đằng sau phát biểu cứng rắn

Một số nhà phân tích nghi ngờ về phát biểu cứng rắn của Tổng thống Erdogan và tin rằng ông sẽ không thực sự phản đối tư cách thành viên NATO của Phần Lan và Thụy Điển. 

Thay vào đó, giới chuyên gia dự đoán ông Erdogan sẽ sử dụng vị thế của Thổ Nhĩ Kỳ trong NATO như một đòn bẩy để đạt được một số nhượng bộ và củng cố quyền lực ở quê nhà.

Cuối tuần trước, cố vấn chính sách đối ngoại hàng đầu của Tổng thống Erdogan, ông Ibrahim Kalin, đã trấn an các đồng minh: “Chúng tôi sẽ không chặn hết đường gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển. Nhưng về cơ bản, những vấn đề này liên quan tới an ninh quốc gia của Thổ Nhĩ Kỳ”.

Tuy nhiên, lý do cấp bách hơn đằng sau tuyên bố gây tranh cãi của Tổng thống Erdogan có thể là việc ông cần phải khôi phục tỷ lệ tín nhiệm đang trên đà suy yếu tại Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia đang đối mặt với lạm phát kỷ lục. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy tỷ lệ tín nhiệm của ông Erdogan đã xuống mức thấp nhất trong nhiều năm.

 

Lạm phát của Thổ Nhĩ Kỳ đã chạm ngưỡng 70% trong tháng 4, do trong nhiều năm qua, ông Erdogan liên tục từ chối tăng lãi suất nhưng vẫn tiêu hao dự trữ tiền tệ của chính phủ. Đất nước 84 triệu dân này đã bị ảnh hưởng nặng nề khi giá năng lượng và hàng hóa toàn cầu tăng chóng mặt sau cuộc xung đột tại Ukraine. 

Phương Tây cần làm gì?

Hôm 17/5, Bloomberg dẫn lời ba quan chức cao cấp của Thổ Nhĩ Kỳ đã tiết lộ các yêu cầu để Ankara cho phép Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO. Những yêu cầu này bao gồm hủy bỏ các lệnh trừng phạt liên quan đến việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống S-400 từ Nga và cho phép Ankara quay trở lại chương trình tiêm kích F-35.

Thổ Nhĩ Kỳ muốn được quay trở lại chương trình tiêm kích F-35. Đồng thời, Ankara còn yêu cầu Mỹ mua hàng chục máy bay chiến đấu F-16 và nâng cấp cho phi đội hiện tại, Bloomberg viết. Ngoài ra, chính quyền ông Erdogan còn mong muốn Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đã áp đặt vì Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng không S-400 của Nga. 

Tiêm kích F-35 tham gia diễn tập "voi đi bộ" tại căn cứ không quân Hill ở bang Utah, Mỹ tháng 1/2020. (Ảnh: Không quân Mỹ). 

Cũng theo Bloomberg, Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu Thụy Điển và Phần Lan phải “công khai lên án PKK và các chi nhánh của đảng này trước khi được phép gia nhập NATO”. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mevlut Cavusoglu đã xác nhận hôm 16/5 rằng Ankara cũng mong đợi Thụy Điển và Phần Lan hủy bỏ các hạn chế thương mại đã áp đặt đối với Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, các nguồn tin khác đã bác bỏ những ý kiến cho rằng việc Thổ Nhĩ Kỳ phản đối Phần Lan và Thụy Điển có liên quan đến mối quan hệ giữa Ankara với Moscow. 

Minh Quang