|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam: Cậu bé tí hon

06:13 | 05/01/2019
Chia sẻ
Năm 2017, dư nợ tín dụng trên GDP của Việt Nam là 130%, trong khi trái phiếu doanh nghiệp chỉ chiếm 1,25% GDP, con số này cũng rất thấp so với các quốc gia trong khu vực. TPDN được ví như cậu bé tí hon bên cạnh 'người anh béo phì' tín dụng ngân hàng.

Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Nghiên cứu giai đoạn từ năm 2008 đến quý III/2018, giá trị phát hành trái phiếu giảm vào các năm 2012-2014, sau đó bắt đầu chu kì tăng trưởng và tiếp diễn cho đến nay.

Theo số liệu của Ngân Hàng Phát Triển Châu Á (ADB), tính đến hết quý III/2018, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành là 79.515,5 tỉ đồng, chiếm 6,45% tổng giá trị trái phiếu lưu hành của nền kinh tế (bao gồm trái phiếu Chính phủ, tín phiếu kho bạc và trái phiếu doanh nghiệp), tăng 128,8% so với cuối năm 2014 và tăng 31,4% so với cùng kì năm 2017.

thi truong trai phieu doanh nghiep viet nam cau be ti hon
Nguồn: asianbondsonline.adb.org, số liệu hàng năm tại ngày 31/12, ngoại trừ năm 2018 tại ngày 30/9.

Kể từ năm 2014 đến quý III/2018, tổng giá trị trái phiếu phát hành của nền kinh tế nói chung và trái phiếu doanh nghiệp nói riêng đều tăng trưởng khả quan, với tốc độ tăng trưởng lần lượt 8,6%/năm và 23%/năm. Giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành tăng trưởng mạnh hàng năm phản ánh hoạt động huy động vốn dài hạn trong quá trình phục hồi của nền kinh tế. Tuy nhiên quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp mới chỉ chiếm 1,5% so với GDP.

Nhìn sang các thị trường trong khu vực như Malaysia, Philippine, Thái Lan, Indonesia, Singapore thì Việt Nam là quốc gia có quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp nhỏ nhất, chỉ đạt 3,4 tỉ USD, chỉ bằng khoảng 2,2 - 15,4% các quốc gia kể trên. Xét về tỉ trọng so với GDP, Việt Nam vẫn thua xa khi chỉ số này của Malaysia là 46,3%, của Thái Lan là 21,3%, của Philippines là 7,1%, của Indonesia là 2,9%.

thi truong trai phieu doanh nghiep viet nam cau be ti hon
Nguồn: asianbondsonline.adb.org

Còn quá nhỏ so với tín dụng

Theo số liệu của Ngân hàng thế giới, tỷ lệ tín dụng cho khu vực tư nhân năm 2017 tại Việt Nam đạt 130,7% GDP, trong khi đó tỷ lệ giá trị trái phiếu doanh nghiệp/GDP chỉ là 1,42%. Điều này cho thấy dòng vốn đầu tư còn phụ thuộc rất lớn vào tín dụng ngân hàng, giá trị vốn huy động thành công từ trái phiếu doanh nghiệp thấp hơn nhiều so với kênh tín dụng ngân hàng.

thi truong trai phieu doanh nghiep viet nam cau be ti hon

Quy mô tín dụng/GDP so với Quy mô trái phiếu doanh nghiệp/GDP. Nguồn: asianbondsonline.adb.org, World Bank

Về xu hướng trong giai đoạn 10 năm 2008 - 2017, tín dụng và trái phiếu doanh nghiệp biến động đồng pha, tăng trong giai đoạn 2008 – 2010, giảm trong giai đoạn 2010 – 2013 và bắt đầu tăng trưởng lại kể từ năm 2014, phản ánh đúng chu kỳ của nền kinh tế, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng của quy mô trái phiếu chậm hơn nhiều so với tín dụng.

thi truong trai phieu doanh nghiep viet nam cau be ti hon

Nguồn: asianbondsonline.adb.org

thi truong trai phieu doanh nghiep viet nam cau be ti hon

Nguồn: World bank

Rủi ro tín dụng và cơ hội của trái phiếu

Tỉ lệ dư nợ tín dụng trên GDP của Việt Nam tương đối cao so với các quốc gia trong khu vực nhưng không phải quá cao hơn so với các thị trường mạnh như Thái Lan và Singapore. Tuy nhiên tín dụng ngân hàng nhìn tổng thể là có tính chất rủi ro cao do dùng một phần nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn.

thi truong trai phieu doanh nghiep viet nam cau be ti hon
Nguồn: World Bank

Năm 2018, Thống đốc Ngân hàng Nhà Nước đã ban hành Thông tư số 16/2018/TT-NHNN, sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2014/ TT-NHNN quy định các giới hạn, tỉ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, theo đó kể từ ngày 1/1/2019, tỉ lệ vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung dài hạn áp dụng với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài giảm xuống còn 40%.

Điều đó đồng nghĩa với việc điều kiện cho vay trung dài hạn sẽ khắt khe hơn, tạo ra áp lực lên các doanh nghiệp đầu tư dài hơn, chính vì thế các doanh nghiệp lớn hoạt động trong các lĩnh vực có thời gian đầu tư kéo dài gần đây đã lựa chọn kênh trái phiếu để huy động vốn.

Top 30 doanh nghiệp có khối lượng trái phiếu lưu hành lớn nhất hiện nay chủ yếu là các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành: Ngân hàng, Tài chính, bất động sản, sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng.

Để tạo hành lang pháp lý cho một thị trường trái phiếu lớn và chuyên nghiệp hơn, Nghị định 163/2018/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 04/12/2018 và sẽ có hiệu lực từ ngày 01/02/2019, Nghị định này có nhiều điểm tiến bộ, giải quyết được các vấn đề mà trước kia Nghị định 90/2011/NĐ-CP chưa giải quyết được.

Cấu trúc thị trường trái phiếu, những điểm mới trong Nghị định 163/2018/NĐ-CP và tác động của nó đối với các doanh nghiệp sẽ được chúng tôi phân tích trong các bài viết tiếp theo.

Xem thêm

Trần Hùng