[Thị trường thế giới ngày 31/5] USD, giá dầu, vàng và chứng khoán đồng loạt giảm sau ngày nghỉ lễ của Mỹ
Bảng cập nhật tình hình thị trường thế giới. Tổng hợp: Tố Tố. |
Trên thị trường vàng, giá giảm từ đỉnh gần 1 tháng trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (30/5) vì báo cáo kinh tế của Mỹ cho thấy nhiều dấu hiệu về khả năng Cục Dự trữ liên bang (Fed) sẽ nâng lãi suất vào tháng 6.
Chỉ số chi tiêu tiêu dùng Mỹ ghi nhận mức tăng lớn nhất trong bốn tháng trong tháng 4 và lạm phát hàng tháng phục hồi, chỉ ra nhu cầu nội địa ổn định có thể cho phép Fed nâng lãi suất trong tháng tới.
Đầu phiên giao dịch, giá vàng chạm đỉnh 1 tháng nhờ cảm nhận không ưa thích rủi ro của thị trường toàn cầu cùng với đồng yen và trái phiếu chính phủ Mỹ.
Các nhà đầu tư cũng đang lo ngại về cuộc bầu cử thủ tướng diễn ra ở Anh vào tuần tới, cũng như khả năng bầu cử sớm ở Italy và vấn đề nợ của Hy Lạp. Theo các chuyên gia phân tích đây sẽ là những nhân tố hỗ trợ giá vàng.
Một cuộc thăm dò hôm thứ Ba ở Anh cho thấy khả năng Thủ tướng Theresa May vượt qua ứng cử viên Công đảng giảm 6% trước khi diễn ra cuộc bầu cử.
Tại Italy, cựu Thủ tướng Matteo Renzi gợi ý hôm Chủ nhật rằng cuộc bầu cử sắp tới của quốc gia được diễn ra cùng thời điểm với cuộc bầu cử ở Đức. Theo đúng lịch trình, Đức sẽ bầu cử vào ngày 24/9, trong khi ở Italy sẽ diễn ra vào tháng 5/2018.
Bên cạnh đó,các bộ trưởng tài chính của khu vực đồng tiền chung châu Âu đã thất bại trong việc thống nhất xóa nợ cho Hy Lạp, và Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng gia tăng lo ngại rủi ro về vấn đề này vào tuần trước.
Chuyên gia phân tích thị trường của Forex.com, ông Fawad Razaqzada nói rằng trong tuần này, giới đầu tư vàng sẽ tập trung vào báo cáo bảng lương phi nông nghiệp, được công bố vào thứ Sáu.
Trên thị trường dầu, giá giảm vì các nhà đầu tư tiếp tục đặt ra câu hỏi về việc liệu thỏa thuận của OPEC và các nước ngoài OPEC (chỉ kéo dài thời gian, mà không tăng sản lượng) có thể giảm nguồn cung dư thừa. Trong khi đó, khả năng sản lượng ở Libya tăng đã khiến lo ngại trở nên nghiêm trọng hơn.
Các nhà đầu tư dự đoán nguồn cung toàn cầu sẽ đi lên, vì mỏ dầu Sharara của Libya được ước tính sẽ tạo ra 800.000 thùng/ ngày, so với trước đây là 784.000 thùng/ ngày. Nguyên nhân là vì vấn đề kĩ thuật kiềm chế sản lượng đầu ra đã được giải quyết vào ngày thứ Ba.
OPEC và các nước ngoài OPEC đã thống nhất kéo dài thời gian giảm sản lượng thêm 9 tháng, sang tháng 3/2018, nhưng vẫn duy trì sản lượng cắt giảm là 1,8 triều thùng/ ngày như thỏa thuận trước đó.
Theo thỏa thuận, Nigeria và Libya sẽ không phải tuân theo cam kết cắt giảm, trong khi Iran được cho phép duy trì quyền tăng sản lượng với mức như trước, khoảng 3.797 triệu thùng/ ngày như thỏa thuận tháng 11 năm ngoái.
Ngân hàng Goldman Sachs hạ bậc dự báo về giá dầu trong năm nay vào thứ Hai, trong đó giá dầu Brent trung bình sẽ ở 55,29 USD/thùng, giảm so với dự báo trước ở mức 56,76 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt, nhẹ của Mỹ cũng bị giảm từ 54,8 USD/thùng xuống 52,92 USD/thùng.
Trên thị trường tiền tệ USD giảm xuống thấp nhất 2 tuần so với các đồng tiền chủ chốt và đồng franc Thụy Sĩ trong ngày hôm qua. Nguyên nhân là do các nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn trong bối cảnh lo ngại chính trị đang diễn ra ở châu Âu, cũng như thị trường hàng hóa và chứng khoán yếu hơn sau kỳ nghỉ kéo dài diễn ra ở Mỹ.
“Đang có dấu hiệu của sự không ưa thích rủi ro trên thị trường”, ông Shaun Osborne, chuyên gia phân tích ngoại hối của Scotiabank ở Toronto, nhận định sau khi thị trường chứng khoán toàn cầu, bao gồm cả ở Mỹ, giảm.
Thị trường hàng hóa cũng yếu hơn với hợp đồng tương lai của dầu thô ngọt, nhẹ Mỹ giao dịch ở dưới mức 50 USD/thùng.
Tại khu vực đồng tiền chung châu Âu, lạm phát giảm ở Tây Ban Nha và vài vùng ở Đức, cùng với phát biểu của chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Mario Draghi về việc tiếp tục chính sách kích thích khẩn cấp ban đầu đã khiến đồng euro đi xuống.
Thị trường chứng khoán Mỹ đóng cửa ở mức thấp trong phiên giao dịch ngày hôm qua, vì các nhà đầu tư xem xét khả năng phục hồi tăng trưởng của nền kinh tế trong quý II trong bối cảnh các báo cáo kinh tế cho kết quả trái chiều được công bố. Tuy nhiên, cổ phiếu của ngành công nghệ tăng đã kiềm hãm sự mất mát cho thị trường chứng khoán.
Cả ba chỉ số chứng khoán chủ chốt của Mỹ đều giảm, sau khi báo cáo về chỉ số niềm tin tiêu dùng cho kết quả yếu, trong khi số liệu về chi tiêu tiêu dùng ghi nhận đợt tăng lớn nhất trong 4 tháng.
Bộ Thương mại Mỹ cho biết, chỉ số chi tiêu tiêu dùng, chiếm 70% hoạt động kinh doanh của Mỹ, tăng 0,4%, trùng với mức dự báo của các chuyên gia phân tích. Trong khi chỉ số niềm tin của người tiêu dùng giảm còn 117,9 điểm, trái với kỳ vọng là sẽ đạt 119,8 điểm.