Nhận định trái chiều của OPEC và IEA về thị trường dầu
Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) ngày 15/1 dự báo nhu cầu dầu thế giới năm 2026 sẽ tăng với tốc độ tương tự như năm 2025, đồng thời lần thứ sáu hạ con số ước tính cho năm 2024, sau sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới.
Dự báo cho năm 2026 phù hợp với quan điểm của OPEC rằng mức sử dụng dầu của thế giới sẽ tăng trong 20 năm tới. Quan điểm này của OPEC trái ngược với dự đoán của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) rằng nhu cầu dầu sẽ đạt đỉnh trong thập kỷ này khi thế giới chuyển sang năng lượng sạch hơn.
Trong báo cáo hàng tháng vừa được công bố, OPEC cho rằng nhu cầu dầu sẽ tăng 1,43 triệu thùng/ngày vào năm 2026, tương tự như mức tăng trưởng ước tính 1,45 triệu thùng/ngày trong năm 2025. Đây là lần đầu tiên OPEC đưa ra dự đoán cho năm 2026 trong báo cáo hàng tháng.
Báo cáo của OPEC nhận định nhiên liệu vận tải sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng nhu cầu dầu trong năm 2026, khi hoạt động di chuyển bằng đường hàng không được dự đoán sẽ tiếp tục gia tăng.
Một bảng thống kê trong báo cáo cho thấy tăng trưởng nhu cầu ước tính cho năm 2024 ở mức 1,5 triệu thùng/ngày, thấp hơn mức 1,61 triệu thùng/ngày được đưa ra trong báo cáo tháng trước. Đây là lần thứ sáu liên tiếp OPEC hạ mức ước tính cho năm 2024. Trước đó, vào tháng 7/2024, OPEC ước tính nhu cầu thế giới có thể tăng 2,25 triệu thùng/ngày trong năm 2024.
Dự báo về nhu cầu nói trên của OPEC là mức cao nhất trong số những dự báo của ngành dầu mỏ.
Trong khi đó, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nhận định tình trạng dư thừa trên thị trường dầu mỏ toàn cầu trong năm 2025 sẽ nhỏ hơn dự đoán trước đó, do nhu cầu mạnh hơn và những rủi ro mới đối với nguồn cung.
IEA nhận định thời tiết tháng 12 trở nên lạnh hơn đáng kể ở Canada, cũng như khu vực phía Bắc và miền trung của Mỹ. Theo báo cáo của IEA, thời tiết có thể ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất ở Bắc Mỹ và làm giảm hơn nữa lượng dầu dự trữ vốn đã ở mức thấp tại trung tâm Cushing, Oklahoma của Mỹ.
Lượng dầu dự trữ ở các nước phát triển đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 8/2022. IEA cho biết lượng dầu dự trữ toàn cầu được dự đoán sẽ tăng thêm 725.000 thùng/ngày trong năm 2025, thay vì 950.000 thùng/ngày như dự báo trước đó.
Bên cạnh đó, giá dầu cũng được hỗ trợ khi các nhà giao dịch đang cân nhắc nhiều rủi ro đối với nguồn cung. Theo báo cáo, các lệnh trừng phạt mới của Mỹ đối với Nga có thể "gây gián đoạn đáng kể chuỗi cung ứng và phân phối dầu của Nga". IEA cũng cho rằng xuất khẩu từ Iran có thể bị hạn chế nếu chính phủ sắp tới của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump có lập trường cứng rắn hơn như đã cam kết.
Những nguy cơ về nguồn cung và thời tiết mùa Đông đã đẩy giá dầu thô tăng khi bước sang năm 2025, đưa giá dầu Brent kỳ hạn lên mức cao nhất trong 5 năm, trên 81 USD/thùng vào đầu tuần này.
IEA đã nâng mức ước tính về lượng dầu tiêu thụ toàn cầu cho cả năm 2024 và 2025 thêm 100.000 thùng/ngày. Tăng trưởng nhu cầu sẽ tăng nhẹ lên 1,05 triệu thùng/ngày trong năm 2025, đưa mức tiêu thụ trung bình lên 104 triệu thùng/ngày.
Trong khi đó, nguồn cung ước tăng thêm 1,5 triệu thùng/ngày trong năm 2025 - tương tự mức của năm 2024 - chủ yếu đến từ các nhà sản xuất ở châu Mỹ là Mỹ, Brazil, Canada, Guyana và Argentina.
Giới phân tích đánh giá triển vọng cho thị trường dầu mỏ năm 2025 vẫn chưa chắc chắn. Trong khi một số nhà phân tích chỉ ra khả năng tăng giá ngắn hạn, thì xu hướng chung dường như đang giảm, với những lo ngại về dư thừa nguồn cung và nhu cầu suy yếu.
Tuy nhiên, các sự kiện địa chính trị và sự gián đoạn bất ngờ luôn có khả năng đẩy thị trường theo những hướng không lường trước được. Sự phụ thuộc của thị trường dầu mỏ vào sự ổn định địa chính trị và tăng trưởng kinh tế ở các quốc gia tiêu thụ chính khiến nó đặc biệt dễ bị tổn thương trước những cú sốc.
Giám đốc điều hành hãng kinh doanh năng lượng Vitol lớn nhất thế giới, ông Russell Hardy, cho rằng nhu cầu dầu toàn cầu có thể đạt đỉnh trong vòng 10 năm tới, giữa lúc tiêu thụ ngày càng tăng ở những nước đang phát triển bù đắp cho sự sụt giảm ở các nền kinh tế tiên tiến.
Năm 2025 sẽ là năm mà thị trường dầu mỏ phải thích nghi với sự thay đổi trong nhu cầu, áp lực từ chuyển đổi năng lượng và các biến động địa chính trị. Dầu mỏ vẫn đóng vai trò trọng yếu trong nền kinh tế toàn cầu, nhưng các yếu tố như công nghệ, môi trường và chính trị sẽ dần thay đổi cấu trúc thị trường.