|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Thị trường PC toàn cầu bị 'tổn thương' bởi xung đột Nga - Ukraine và chính sách Zero COVID của Trung Quốc

14:59 | 04/04/2022
Chia sẻ
Hàng loạt nhà sản xuất PC lớn trên thế giới đã cắt giảm đơn hàng cũng như kỳ vọng trong quý II bởi ảnh hưởng từ xung đột Nga - Ukraine, chính sách zero COVID cùng nhiều yếu tố khác

Các thương hiệu máy tính toàn cầu đang cắt giảm dự báo trong 6 tháng tới trong bối cảnh lo ngại về lạm phát và xung đột ở Ukraine, một dấu hiệu cho thấy sự bùng nổ nhu cầu về PC trong hai năm đang bắt đầu hạ nhiệt, theo Asia Nikkei.

Hàng loạt hãng PC cắt giảm đơn hàng

Sự bùng phát đại dịch COVID-19 từ năm 2020 đã thúc đẩy xu hướng làm việc và học tập xa, kéo theo nhu cầu về sử dụng máy tính tăng cao. Xu hướng đó kéo dài cho tới năm 2022, nhưng cuộc xung đột Nga – Ukraine từ cuối tháng 2 đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng và khiến kế hoạch của các nhà sản xuất PC cho các quý sắp tới trở nên xáo trộn.

Hiện các công ty này phải chịu áp lực với lượng hàng tồn kho tích trữ ở các thị trường châu Âu và lo ngại lạm phát gia tăng. Một số nhà sản xuất PC hàng đầu như HP, Dell và Asustek Computer, đã yêu cầu các nhà cung cấp giảm sản lượng trong những quý tới, trong khi một số công ty nhỏ hơn đã giảm đơn đặt hàng linh kiện xuống tới 20% trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6.

"Chúng tôi bắt đầu nhận được thông báo từ một số khách hàng về việc chế tạo ít linh kiện và bộ phận hơn từ giữa tháng 2. Chúng tôi đã liên lạc thường xuyên với khách hàng trong một tháng qua về tình hình thị trường kể từ sau khi cuộc xung đột Nga – Ukraine nổ ra. Một trong những ưu tiên hiện nay là quản lý cẩn thận lượng hàng kho tại các kênh bán lẻ", giám đốc điều hành của một nhà cung cấp cho HP, Dell, Lenovo, Acer và Asustek cho biết.

 Hàng loạt công ty sản xuất máy tính cắt giảm sản lượng trong thời gian qua. (Ảnh: Asia Nikkei).

Tổng số lô hàng máy tính có thể sẽ giảm ít nhất một con số trong ba tháng tới, thay đổi so với mức dự đoán tăng trưởng nhẹ từng được đưa ra vào tháng trước, theo các cuộc phỏng vấn với nhiều nhà cung cấp. Theo dữ liệu của IDC, thị trường PC đã tăng trưởng lần lượt 13% và 14% trong các năm 2020 và 2021, một tốc độ đáng chú ý đối với một thị trường đã trưởng thành.

 

Apple, công ty hàng đầu trong ngành công nghiệp điện tử tiêu dùng, đã cắt giảm số lượng đơn đặt hàng cho iPhone SE mới ra mắt lên tới 3 triệu thiết bị cầm tay trong quý II trong bối cảnh tồn tại bất ổn từ cuộc chiến tại Ukraine.

Các nguồn tin cho biết lượng đơn hàng máy tính dành cho giáo dục dự kiến ​​sẽ bị ảnh hưởng lớn nhất. Các lô hàng Chromebook được Google cấp phép có thể giảm hơn 40% trong năm nay so với năm 2021, xuống còn khoảng 20 triệu chiếc, do hầu hết nhà sản xuất PC đã chuyển sang máy tính xách tay thương mại cao cấp hơn để duy trì tỷ suất lợi nhuận khi tình cuộc khủng hoảng chip toàn cầu vẫn diễn ra.

Nhu cầu dự kiến ​​sẽ giảm xuống đối với các dòng máy chơi game và máy tính tiêu dùng khác, trong khi nhu cầu sử dụng cho mục đích kinh doanh có khả năng phục hồi nhưng không lớn như các nhà sản xuất PC ước tính trước khi xảy ra cuộc xung đột.

Xung đột Nga - Ukraine ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng

MSI, một nhà sản xuất card đồ họa và chơi game, cho biết quý II sẽ là thời điểm hoạt động kém nhất của công ty trong năm nay. Chủ tịch Joseph Hsu nói với các nhà đầu tư rằng doanh số bán hàng đã chậm lại ở một số nước châu Âu và lượng hàng tồn kho của MSI hiện tại là "khá cao".

Một nhà quản lý của một nhà sản xuất PC hàng đầu của Mỹ chia sẻ: "Một tháng trước, dự báo nội bộ của chúng tôi vẫn cho thấy mức tăng trưởng nhẹ so với năm ngoái. Tuy nhiên, bây giờ chúng tôi thực sự không nhìn thấy đà tăng trưởng đó”.

CEO một đơn vị cung cấp cho Asustek và Microsoft cho biết cuộc xung đột Nga - Ukraine đã gây ra sự gián đoạn lớn đối với thị trường tiêu dùng của Nga và Ukraine, vốn có tổng dân số lên tới gần 190 triệu người. "Các giao dịch tài chính đang hỗn loạn và các nhà cung cấp thương hiệu đang chịu áp lực với hàng tồn kho trong khu vực. Chúng tôi đang chứng kiến ​​sự điều chỉnh ngắn hạn đối với chuỗi cung ứng”, ông cho biết

HP, Dell, Apple và Samsung là một trong những công ty tiêu dùng đã thông báo ngừng bán hàng và dịch vụ tại thị trường Nga kể từ khi xung đột nổ ra. Acer, Asustek và MSI cũng đã tạm ngừng bán hàng trong nước mặc dù họ không công bố điều đó. Dữ liệu từ IDC cho thấy, thị trường Nga chiếm 2%, tương đương 7 triệu chiếc đối với thị trường PC toàn cầu vào năm 2021.

"Chúng tôi đã bắt đầu thấy tác động lan ra đối với các thị trường xung quanh Ukraine. Hành vi của người tiêu dùng cũng bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến. Chúng tôi đã yêu cầu các nhà cung cấp giảm đơn hàng linh kiện từ 15% đến 20% cho quý II”, đại diện một công ty sản xuất PC nhấn mạnh.

Tuy nhiên, các nhà sản xuất PC như Lenovo và Acer vẫn chưa cắt giảm dự báo cả năm. Các nguồn tin cho biết, nếu cắt giảm đơn đặt hàng vào thời điểm hiện tại, họ sẽ khó có thể đảm bảo nguồn cung tăng trở lại về sau. Một số nhà sản xuất cũng hy vọng rằng nhu cầu sẽ phục hồi nếu xung đột ở Ukraine sớm được giải quyết.

Những bất ổn khác

Ngoài những bất ổn về nhu cầu và cuộc khủng hoảng chip, ngành công nghiệp PC cũng đang chịu sự gián đoạn liên tục do chi phí nguyên vật liệu tăng cũng chính sách "zero COVID" ở Trung Quốc, trung tâm sản xuất chính của ngành này.

"Chúng tôi đang vật lộn với tình trạng thiếu chip, những bất ổn của chiến tranh, logistics và tình trạng phong tỏa ở Thâm Quyến và Thượng Hải. Thời gian qua cứ như những cơn ác mộng xảy đến liên tục", một nhà quản lý cho biết.

Gokul Hariharan, trưởng bộ phận nghiên cứu công nghệ, truyền thông và viễn thông của JPMorgan về khu vực châu Á – Thái Bình Dương dự báo thị trường PC sẽ giảm 6% trong năm so với năm 2021.

"Động lực tăng trưởng chính của thị trường PC trong hai năm qua là máy tính tiêu dùng và máy tính giáo dục, nhưng nhu cầu về Chromebook dành cho giáo dục đã chậm lại vào giữa năm ngoái và tiếp tục duy trì ở mức yếu. Nhu cầu PC của người tiêu dùng và chơi game cũng giảm nhẹ”, ông Gokul Hariharan cho biết.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Quốc Anh

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.