|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thị trường nội địa vẫn bị doanh nghiệp Việt xem nhẹ

07:05 | 26/12/2016
Chia sẻ
Có khá nhiều sản phẩm thuộc các ngành sản xuất trong nước đã xem nhẹ hoặc bỏ ngỏ thị trường nội địa trong thời gian dài.

Theo TS. Lưu Đức Hải, Trưởng ban ban Phát triển các ngành dịch vụ, Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH&ĐT), những năm qua, việc khai thác quy mô của thị trường nội địa còn một số bất hợp lý. Có khá nhiều sản phẩm thuộc các ngành dệt may, chế biến thực phẩm, sản xuất các sản phẩm phụ trợ… đã xem nhẹ hoặc bỏ ngỏ thị trường nội địa.

“Trong khi đó rất nhiều sản phẩm lại quá chú trọng đến thị trường nội địa nên dẫn đến quy mô sản xuất dư thừa, hàng sản xuất ra không tiêu thụ được. Đây là hệ quả của chính sách khuyến khích thay thế nhập khẩu tồn tại trong một thời gian dài, dẫn đến không ít ngành quy mô sản xuất đã vượt quá quy mô nhu cầu trong nước”, TS. Lưu Đức Hải cho hay.

thi truong noi dia van bi doanh nghiep viet xem nhe
Nhiều sản phẩm quá chú trọng đến thị trường nội địa nên dẫn đến quy mô sản xuất dư thừa (Ảnh minh họa: KT)

Cũng theo TS. Lưu Đức Hải, hiện nay ở một số nơi, một số lĩnh vực, một số sản phẩm vẫn còn tồn tại sự phân chia thị trường làm giảm sự phát triển của thị trường nội địa. Biểu hiện rõ nhất của sự chia cắt đó là sự phân cấp lĩnh vực sản xuất và mặt hàng kinh doanh, cho các chủ thể tham gia thị trường trong các ngành sản xuất điện, nước, xăng dầu; hiện tượng trợ cấp, trợ giá…

Tổ chức thị trường cho từng khu vực

Theo đánh giá của các chuyên gia, để phát triển thị trường nội địa Việt Nam thời gian tới, ngoài việc phải thay đổi lại một số nhận thức về thị trường này. Trong đó cần xem xét các yếu tố cấu thành của thị trường, mô hình phát triển, các hình thức tổ chức kinh doanh cũng như cơ chế quản lý nhà nước.

TS. Đoàn Thị Thùy Dương, Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH&ĐT) nhận định, nếu nhìn tổng thể thị trường khu vực đô thị phát triển nhất, tiếp theo là thị trường khu vực nông thôn và sau cùng là thị trường khu vực miền núi. Do đặc điểm khác nhau của mỗi khu vực, nên hướng tổ chức thị trường cho từng khu vực cũng rất khác nhau.

Cụ thể ở khu vực thị trường đô thị là trung tâm tiêu thụ, phát luồng hàng, là đầu mối liên kết thị trường nội vùng với thị trường ngoài vùng, giữa thị trường trong nước với thị trường quốc tế.

“Thị trường đô thị cần được tổ chức thành hệ thống nhiều tầng, nhiều nấc, nhiều loại quy mô đan xen nhau. Hướng tổ chức tại thị trường đô thị là hình thành các đầu mối chuỗi cung ứng, các tập đoàn thương mại quy mô lớn đặt trung tâm tại các đô thị nhưng có chân rết đến các khu vực trong cả nước”, TS. Đoàn Thị Thùy Dương cho biết.

Trong những năm qua, công tác phát triển thị trường nội địa ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo vẫn còn chưa được quan tâm đúng mức, trong khi dân số khu vực này trong tương lai vẫn chiếm một tỷ trọng lớn.

Đo đó, theo TS. Đoàn Thị Thùy Dương, phát triển thị trường nông thôn phải hướng tới đảm bảo cho nông dân mua được vật tư cho sản xuất, hàng hóa cho tiêu dùng và sinh hoạt một cách thuận lợi, giá cả cạnh tranh tập trung vào hai nhóm chính là hàng công nghiệp và hàng tiêu dùng, lương thực thực phẩm.

“Thực tế nhóm hàng lương thực thực phẩm đã được tổ chức thị trường tương đối tốt, do đây là nhóm mặt hàng tiêu thụ trong nội bộ khu vực nên điều cần chú ý nhiều hơn là cung ứng các sản phẩm công nghiệp cho khu vực này”, TS. Đoàn Thị Thùy Dương lưu ý.

Bên cạnh đó, khu vực thị trường nông thôn cần hình thành các trung tâm, cụm kinh tế thương mại, dịch vụ tại các thị trấn, thị tứ và đầu mối giao thông. Các trung tâm này bao gồm các cơ sở thu mua, bảo quản, chế biến, phân loại, đóng gói, vận chuyển, tiêu thụ nông sản và cung ứng các sản phẩm công nghiệp. Chú trọng phát triển hệ thống chợ nông thôn rộng khắp theo nhiều cấp bao gồm chợ tỉnh, chợ huyện, chợ thôn xã.

Thị trường nội địa khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa cần chủ yếu phát triển các chân rết của các tập đoàn, các công ty thương mại trong việc thu mua sản phẩm hàng hóa và cung ứng hàng tư liệu sản xuất tư liệu tiêu dùng cho nông dân, đồng bào dân tộc.

“Nhà nước cần có chính sách riêng cho khu vực thị trường này để khuyến khích, hướng dẫn thương nghiệp tư nhân phát triển kinh doanh thương mại ở khu vực này với tư cách là các vệ tinh của các công ty lớn. Trong giai đoạn đầu Nhà nước cần tiếp tục có các biện pháp trợ giá hàng hóa, ưu đãi về thuế, tín dụng và hỗ trợ đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng thương mại tại khu vực này”, TS. Đoàn Thị Thùy Dương đề xuất.

Nguyễn Quỳnh