|
 Thuật ngữ VietnamBiz

Thị trường nội địa đã trở thành bệ đỡ cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn

14:13 | 29/10/2020
Chia sẻ
Khi thị trường xuất khẩu và nguyên liệu bị đứt gãy do dịch COVID-19, thị trường nội địa lại phát triển mạnh. Sau 11 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tỉ lệ hàng Việt tại các hệ thống siêu thị trong nước đã đạt trên 90%.
Thị trường nội địa đã trở thành bệ đỡ cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn - Ảnh 1.

Hình minh họa. (Ảnh: Tường Vy)

Sau 11 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”  tới nay, hàng Việt tại các hệ thống siêu thị trong nước luôn đạt tỉ lệ từ 90% trở lên, theo báo Công Thương.

Số liệu của Bộ Công Thương cho biết tại kênh bán lẻ truyền thống, tỉ lệ hàng Việt tại các chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm từ 60% trở lên. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ từ năm 2009 đến nay đều có mức tăng trưởng khoảng 10% mỗi năm.. 

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) từ mức lạm phát phi mã 19,8% năm 2008 đã giảm xuống dưới 5% trong các năm gần đây. Nền kinh tế chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu (năm 2010, Việt Nam nhập siêu là 12,5 tỉ USD; năm 2018, Việt Nam xuất siêu gần 7,2 tỉ USD).

Nhiều ngành như dệt may, chế biến thực phẩm, nông - thủy sản... đã tăng dần tỉ lệ nội địa hóa. Nhiều người tiêu dùng cho biết, trong 5 năm trở lại, họ đã chuyển hướng qua dùng sản phẩm do doanh nghiệp trong nước sản xuất thay vì các hàng hóa của Thái Lan, Nhật Bản... do chất lượng sản phẩm đã cải thiện hơn so với trước đây, mẫu mã đẹp, giá cả phù hợp.

Trong 11 năm thực hiện, cuộc vận động đã tạo được sự chuyển biến tích cực ở cả người tiêu dùng lẫn người sản xuất. Đặc biệt, đầu năm 2020, dịch COVID-19 lan rộng trên toàn cầu, nhiều doanh nghiệp bị đứt gãy thị trường xuất khẩu và nguồn nguyên liệu, các đơn hàng bị ngừng trệ, nhưng thị trường nội địa đã trở thành bệ đỡ cho doanh nghiệp khai thác, vượt qua khó khăn, đưa kinh tế tăng trưởng.

Cụ thể, trong 10 tháng năm 2020, bất chấp dịch bệnh diễn biến phức tạp, xuất khẩu nhiều ngành hàng bị sụt giảm, song tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 4.123 nghìn tỉ đồng, tăng 1,3% so với cùng kì năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 3% (cùng kì năm 2019 tăng 9,7%).

Với sự hội nhập sâu rộng của Việt Nam khi tham gia hàng loạt Hiệp định thương mại thế hệ mới (FTA) như Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)... Việt Nam sẽ mở cửa hoàn toàn thị trường.

Để tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp, Bộ Công Thương đang tập trung phát triển mạnh thị trường trong nước, thực hiện có hiệu quả các giải pháp kích thích tiêu dùng nội địa, đẩy mạnh phong trào “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Đồng thời triển khai Nghị quyết số 84 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19... Đồng thời, tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, xử lí hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc vận động.

Tường Vy