|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nền kinh tế dựa nhiều vào xuất khẩu bộc lộ nhiều điểm yếu, đã đến lúc chuyển một phần sang nội địa

14:54 | 20/07/2023
Chia sẻ
Theo các chuyên gia, nền kinh tế dựa vào xuất khẩu sẽ gặp mặt trái là mất đi tính tự chủ và dễ bị tổn thương trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn như hiện nay. Vì vậy, cần tính toán để làm sao chuyển bớt một phần động lực vào tiêu dùng trong nước, hạn chế bớt các mặt hàng nhập khẩu, đẩy mạnh nền sản xuất hướng tới tiêu dùng nội địa.

Trong những năm qua, xuất khẩu của Việt Nam luôn đạt thành tích ấn tượng, tạo “lực kéo” quan trọng cho cả nền kinh tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu thậm chí cao gần gấp đôi GDP cho thấy một nền kinh tế tận dụng được những tiềm năng lợi thế từ xuất khẩu và đầu tư FDI những cũng dựa nhiều vào hai yếu tố này.

Theo các số liệu thống kê, tỷ lệ giá trị xuất nhập khẩu/GDP năm 2021 đạt 184,7%, cao hơn tỷ lệ 158,6% của năm 2020 và cao hơn nhiều tỷ lệ 136,7% của năm 2016. Đến năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2022 đạt 732,5 tỷ USD trong khi GDP là 409 tỷ USD dẫn đến tỷ lệ xuất nhập khẩu/GDP vẫn còn ở mức cao tới 179%.

Xuất khẩu giảm tới 12% trong 6 tháng đầu năm 2023 trong đó có những mặt hàng giảm tới gần 30%. (Nguồn: VNDirect Research).

Dựa nhiều vào xuất khẩu, nền kinh tế dễ bị tổn thương

Theo đánh giá của các chuyên gia, nền kinh tế có độ mở lớn nên những yếu tố bất lợi từ bên ngoài như suy thoái toàn cầu hay lạm phát sẽ khiến nền kinh tế của Việt Nam dễ bị tổn thương.

TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam cho rằng, nền kinh tế dựa nhiều vào xuất khẩu sẽ có sức chống chọi thấp hơn trong bối cảnh môi trường quốc tế "khắc nghiệt".

Trong hai năm trở lại đây, bối cảnh thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường, hầu hết các tổ chức quốc tế đều nhận định, kinh tế toàn cầu năm 2023 sẽ khó khăn hơn năm 2022, đặc biệt các đối tác thương mại lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc ở mức tăng trưởng thấp.

Trong bối cảnh này, Việt Nam cần có kịch bản dự phòng để duy trì tốc độ tăng trưởng và đặt nền móng tăng trưởng trong trường hợp nền kinh tế toàn cầu chưa phục hồi.

TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam. (Ảnh: Hạ An).

Theo ông Bình, Việt Nam là nền kinh tế có độ mở cao và hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới nên hoạt động xuất nhập khẩu trong nước phụ thuộc rất nhiều vào thị trường thế giới. Đây vừa là điểm mạnh, cũng vừa là điểm yếu của Việt Nam dễ bị tổn thương trước sự thay đổi của thị trường trường thế giới.

“Khi có thay đổi lớn về nhu cầu hàng hóa xuất sẽ ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam, điều này được thể hiện rõ nét trong 6 tháng đầu năm khi mà kim ngạch xuất khẩu liên tục giảm từ đầu năm đến nay.”, ông Bình quan ngại.

Trong giai đoạn trước, nền kinh tế của Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu là điều rất tốt bởi chúng ta đã tận dụng được những lợi thế của nền kinh tế Việt Nam từ lao động giá rẻ, tiềm năng của nền kinh tế cũng như những lợi thế mà xu hướng toàn cầu hoá mang lại.

Tuy nhiên, những bối cảnh mới xuất hiện đòi hỏi Việt Nam cần phải có những tính toán để làm sao chuyển dịch một phần tổng cầu của nền kinh tế, thúc đẩy nhu cầu nội địa, một số mặt hàng nhập khẩu cần hạn chế hơn để đẩy mạnh khả năng cung ứng của doanh nghiệp nội địa.

Thiếu liên kết giữa nội địa và xuất khẩu bộc lộ rất rõ

PMI ngành sản xuất của Việt Nam liên tiếp dưới 50 điểm trong 4 tháng gần nhất. (Nguồn: S&P Global).

Đây cũng là điều từng được các tổ chức quốc tế cảnh báo khi nói về những thách thức của nền kinh tế Việt Nam. Ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế trưởng ADB phân tích, với những quốc gia có nền sản xuất mạnh như Ấn Độ, Philipines, khi nhu cầu trên thế giới giảm tốc họ vẫn có thể duy trì chỉ số Nhà Quản trị mua hàng (PMI) trên 50 điểm nhờ sự liên kết giữa tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.

Nhưng với Việt Nam, sự thiếu liên kết giữa thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu được bộc lộ rất rõ khi mà tổng cầu tiêu dùng nội địa tăng lên nhưng PMI vẫn lao dốc. Sự mất cân đối trong cơ cấu nền kinh tế khi khu vực xuất khẩu phụ thuộc lớn vào các doanh nghiệp FDI là lý do khiến tổng cầu xuất khẩu giảm, PMI lập tức đi xuống.

Đồng quan điểm, PGS. TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam chỉ ra rằng, PMI ngành sản xuất Việt Nam giảm 4 tháng liên tục cho thấy tổng cầu thế giới vẫn tiếp tục suy giảm. Vì vậy, trụ cột tăng trưởng dựa vào xuất khẩu sẽ không còn như trước và khả năng tăng trưởng kinh tế chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.

Việc phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu dẫn đến khi nhu cầu bên ngoài giảm ngành sản xuất của Việt Nam lập tức "điêu đứng". 

Phải xác định động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm nay hoàn toàn dựa vào trụ cột bên trong như tiêu dùng nội địa, cải thiện môi trường để tăng đầu tư tư nhân, cải thiện được cơ chế chính sách cho người đảm bảo dám nghĩ dám làm thì tỷ lệ giải ngân đầu tư công có những cải thiện.

Động lực tăng trưởng cần dựa vào trụ cột bên trong

PGS. TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam. (Ảnh: NVCC).

Theo ông Tuấn, trong 6 tháng đầu năm, tiêu dùng nội địa vẫn tương đương như năm ngoái nhưng tiềm năng vẫn còn lớn. Trong khi sức mua của người dân phụ thuộc vào niềm tin của người dân vào triển vọng của kinh tế sắp tới, nếu người ta cho rằng ảm đảm thì sẽ giảm chi tiêu.

“Vì vậy, làm thế nào để người dân tin tưởng niềm tin kinh tế sẽ phục hồi thời gian tới và cần có các công cụ để họ tiếp cận được nguồn tài chính để tiêu dùng”, ông Tuấn nêu rõ.

Về thúc đẩy đầu tư, Nhà nước cần tục rà soát lại tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh để doanh nghiệp trong nước tham gia nhiều hơn vào thị trường và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu và đặc biệt mạnh dạn đầu tư tăng năng suất cải thiện sản phẩm, từ đó mở rộng thị trường…

Tiêu dùng nội địa được cho là một trong các động lực chính đóng góp vào tăng trưởng kinh tế năm nay. (Nguồn: VNDirect Research).

Với thị trường 100 triệu dân, Việt Nam được đánh giá là thị trường hấp dẫn về góc độ tiêu dùng ở trong nước và nó sẽ trở thành trụ cột quan trọng của tăng trưởng của kinh tế, ông Bình đánh giá và kiến nghị cần tính tới việc chuyển dần động lực tăng trưởng vào thị trường nội địa, tránh tình trạng dựa quá nhiều vào xuất khẩu.

"Điều này sẽ giúp Việt Nam xây dựng một nền kinh tế tự chủ, tự cường hơn và nâng cao năng lực chống chịu của nền kinh tế và tận dụng được lợi thế của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế nhưng đồng thời xây dựng năng lực nội tại của nền kinh tế”, ông Bình nói.

Trong giai đoạn trước mắt, cần giữ vững đà tăng trưởng của tổng cầu trong nước qua các biện pháp tài khoá. Đồng thời, cải thiện, làm ấm lại thị trường về nhà ở, đặc biệt là nhà ở cho đối tượng có nhu cầu ở thực, đặc biệt là cầu rất lớn, có khả năng chi trả của  người dân và nếu đẩy mạnh được sẽ đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng kinh tế và nhu cầu an sinh xã hội của người dân.

Như vậy, nếu điều chỉnh được tổng cầu tăng phần nội địa sẽ giúp nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự cường và có sức chống chọi cao hơn.

Hạ An