Ba yếu tố hỗ trợ từ đầu tư công, xuất khẩu, lãi suất giúp kinh tế tăng tốc phục hồi nửa cuối năm
Nhận định trên được Chứng khoán VNDirect nêu trong báo cáo vĩ mô vừa công bố. Phân tích cụ thể, về yếu tố hỗ trợ đầu tiên, các chuyên gia tại đây cho rằng Việt Nam đang có điều kiện thuận lợi để thực hiện chính sách tài khóa mở rộng nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Kỳ vọng giải ngân ít nhất 95% của hơn 711.000 tỷ đồng kế hoạch đầu tư công
Theo VNDirect, một số yếu tố hỗ trợ để đẩy nhanh hơn nữa các dự án đầu tư công trong năm nay gồm nợ công thấp tạo dư địa nới lỏng chính sách tài khóa để hỗ trợ phục hồi kinh tế; lợi suất trái phiếu chính phủ Việt Nam giảm mạnh kể từ đầu năm 2023 và lạm phát trong nước đã hạ nhiệt đáng kể trong vài tháng qua.
Ngoài ra, Chính phủ đang triển khai nhiều chính sách hỗ trợ tài khóa trong nửa cuối năm nay để hỗ trợ tăng trưởng, tập trung vào giảm thuế và phí (giảm 2% thuế VAT, giảm 50% thuế trước bạ cho ô tô sản xuất trong nước). Chính sách cắt giảm thuế nhằm kích cầu tiêu dùng trong nước.
Bên cạnh đó, Chính phủ đã tăng lương cơ bản cho cán bộ, công chức, viên chức từ ngày 1/7. Đợt tăng này sẽ cải thiện khá đáng kể thu nhập của những người hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Ước tính ngân sách nhà nước chi cho chính sách này trong năm 2023 là khoảng 44.000 tỷ đồng. Đồng thời, Chính phủ cũng điều chỉnh tăng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội do ngân sách nhà nước chi trả từ ngày 1/7. Ngân sách chi cho chính sách này ước tính khoảng 3.550 tỷ đồng.
Các doanh nghiệp nhà nước (như PVN) cũng sẽ tăng cường đầu tư trong thời gian tới để phối hợp với chính sách tài khóa của Chính phủ. Điển hình là việc PVN đã lên kế hoạch triển khai một số dự án đầu tư trong thời gian tới, trong đó có một số dự án quy mô vừa như Kình Ngư Trắng, Lạc Đà Vàng và dự án quy mô lớn là Lô B - Ô Môn.
Xuất khẩu của Việt Nam sẽ phục hồi từ quý IV nhờ tồn kho tại các nước phát triển giảm
Yếu tố hỗ trợ thứ hai là xuất khẩu. Khối phân tích cho biết tổng tồn kho của các doanh nghiệp Mỹ tăng mạnh giai đoạn cuối năm 2022 là một trong những nguyên nhân chính khiến số lượng đơn đặt hàng mới đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sụt giảm mạnh trong giai đoạn quý IV/2022 đến quý II/2023.
Tuy nhiên, tồn kho tại Mỹ đã có dấu hiệu đạt đỉnh vào cuối quý I/2023 và dự kiến sẽ giảm trong những quý tiếp theo. Do đó, VNDirect kỳ vọng xuất khẩu của Việt Nam sẽ phục hồi từ quý IV nhờ tồn kho tại các nước phát triển giảm sẽ kích thích nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Ngoài ra, chu kỳ thay thế smartphone cũ bằng mẫu mới là 25,3 tháng, tức khoảng 2 năm (theo nghiên cứu của China Mobile Terminal Lab), điều này có thể thúc đẩy xuất khẩu smartphone của Việt Nam kể từ quý IV (điện thoại và linh kiện chiếm gần 16% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2022). Xuất khẩu cũng kỳ vọng sẽ phục hồi nhờ nhu cầu từ Trung Quốc phục hồi mạnh mẽ hơn sau khi nền kinh tế mở cửa trở lại.
Lãi suất tiền gửi bình quân kỳ hạn 12 tháng dự báo giảm xuống 6-6,2%/năm
Lãi suất cho vay hạ nhiệt sẽ kích thích tiêu dùng và đầu tư tư nhân là yếu tố hỗ trợ thứ ba cho kinh tế nửa cuối năm.
VNDirect dự báo lãi suất huy động và cho vay sẽ duy trì xu hướng giảm trong nửa cuối năm. Cụ thể, lãi suất tiền gửi bình quân kỳ hạn 12 tháng dự báo sẽ giảm xuống mức 6-6,2%/năm vào cuối năm 2023, do: tác động từ 4 đợt giảm lãi suất điều hành của NHNN trong nửa đầu năm; nhu cầu tín dụng yếu trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chậm chạp và thị trường bất động sản ảm đạm; Chính phủ sẽ đẩy mạnh hơn nữa đầu tư công, từ đó bơm thêm tiền vào nền kinh tế và NHNN vẫn còn dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ.
Theo VNDirect, lãi suất cho vay có thể giảm mạnh hơn trong nửa cuối năm 2023 do chi phí vốn của các NHTM đang giảm nhờ: tác động từ các đợt cắt giảm lãi suất điều hành của NHNN trong 6 tháng.
"Chúng tôi cho rằng lãi suất cho vay giảm sẽ là yếu tố thúc đẩy sự phục hồi của tiêu dùng và đầu tư tư nhân, vốn đã bị suy yếu trong nửa đầu năm 2023 do lãi suất cho vay neo ở mức cao", VNDirect nhận định.
VNDirect dự báo GDP của Việt Nam tăng trưởng 7,1% trong nửa cuối năm 2023, qua đó nâng tốc độ tăng trưởng cả năm 2023 lên 5,5%. Nền kinh tế Việt Nam sẽ duy trì đà phục hồi trong năm tới và dự báo tăng trưởng GDP đạt 6,9% trong năm 2024.
Khối phân tích cũng cảnh báo một số rủi ro với triển vọng tăng trưởng nửa cuối năm, bao gồm lạm phát toàn cầu cao hơn dự kiến; Chỉ số DXY mạnh hơn dự kiến có thể gây thêm áp lực lên tỷ giá và rủi ro tăng trưởng kinh tế chậm hơn dự kiến của các đối tác thương mại lớn ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam.