|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

CEO Wigroup: 'Mục tiêu tăng trưởng 6,5% không còn khả thi, năm nay tăng trưởng GDP ở mức quanh 5% đã là thành công'

15:28 | 02/07/2023
Chia sẻ
Theo ông Trần Ngọc Báu, cho đến lúc này có thể khẳng định, mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 6,5% khó mà đạt được. Nếu cả hai quý cuối năm tăng trưởng 7% thì cả năm cũng chỉ đạt 5,4%, với điều kiện thực tế như hiện nay, tăng trưởng GDP cả năm ở mức quanh 5% đã là thành công.

 

Tổng cục Thống kê vừa có báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2023, trong đó đưa ra nhiều số liệu ước tính quan trọng cho nửa đầu năm như tăng trưởng GDP quý II đạt 4,14%, chỉ số giá tiêu dùng tăng 3,29% trong 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm ngoái.

Đáng chú ý, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 0,44% so với cùng kỳ năm trước, trong đó chiếm tỷ trọng lớn nhất là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,37%. Xuất khẩu giảm 12,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ tăng 0,37%; xuất khẩu như linh kiện điện tử, dệt may, da giày… sụt giảm mạnh do tình trạng thiếu hụt đơn hàng toàn cầu là nguyên nhân chính khiến GDP khó mà đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5%.

Nguồn: WiChart.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Ngọc Báu, CEO Wigroup cho rằng, đến lúc này thì mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 là 6,5% khó mà đạt được.

Đánh giá số liệu tăng trưởng kinh tế và lạm phạt quý II vừa công bố không quá bất ngờ và đã được dự phóng từ trước, tuy nhiên, CEO Wigroup cho rằng, những con số này đã xác nhận rằng Việt Nam đang trải qua một giai đoạn rất khó khăn mà hơn mười năm qua chúng ta mới gặp lại. Những khó khăn kiểu này thường sẽ dai dẳng và không kỳ vọng giải quyết nhanh gọn trong một vài quý được.

Nguồn: WiChart.

"Về con số mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 đạt 6,5% đến lúc này đã là con số không còn khả thi và tôi nghĩ cơ quan quản lý sẽ sớm có những buổi họp để đánh giá và cập nhật lại mục tiêu", CEO Wigroup nói..

Theo ước tính của tôi trong trạng thái tích cực nhất, nếu cả hai quý cuối năm chúng ta hồi phục mạnh mẽ và đạt con số tăng trưởng 7% thì tăng trưởng kinh tế cả năm cũng chỉ đạt quanh 5,4%. Nếu trong trạng thái trung lập, tôi nghĩ tăng trưởng năm nay ở mức quanh 5% đã là thành công, ông Báu cho hay.

Nền kinh tế đã có dấu hiệu "vượt đáy"?

Ông Trần Ngọc Báu, CEO Wigroup. (Ảnh: DNVN).

Dựa trên những phân tích dữ liệu vĩ mô, ông Báu cho rằng, với những diễn biến ở bán lẻ hàng hóa dịch vụ và sản xuất công nghiệp, có thể nói nền kinh tế đang ở những giai đoạn khó khăn nhất. Thời gian tới những chính sách hỗ trợ kinh tế sẽ bắt đầu thẩm thấu mạnh hơn và dấu hiệu hồi phục sẽ dần xuất hiện rõ hơn.

Tuy nhiên, một lần nữa chúng ta phải chấp nhận thực tế rằng kinh tế Việt Nam đang chịu ảnh hưởng kép từ "nội công ngoại kích" nên sự phục hồi sẽ chậm và cần thời gian lâu, có thể phải đến cuối năm nay mọi thứ mới cân bằng trở lại được.

Ở bên ngoài, các yếu tố thách thức vẫn còn tác động đến bối cảnh trong nước như: Cuộc chạy đua tăng lãi suất chống lạm phát của các ngân hàng trung ương thế giới, đặc biệt là Mỹ gây tác động lên tỷ giá, tình trạng sức cầu yếu ở các thị trường quan trọng của Việt Nam gây thiệt hại nặng nề đến nền sản xuất trong nước.

Ở trong nước, môi trường lãi suất cao trong một thời gian dài cộng với khó khăn hậu COVID-19 khiến sức khoẻ của các doanh nghiệp yếu ớt.

Nguồn: WiChart.

Nhìn sâu vào những con số vĩ mô 6 tháng, một số ý kiến cho rằng nền kinh tế có dấu hiệu hồi phục khi nhìn số liệu tăng trưởng tháng này so với tháng trước và thấy tích cực hơn.

Tuy nhiên, ông Báu cho rằng, không nên bỏ qua yếu tố mùa vụ trong việc phân tích các dữ liệu vĩ mô. Thông thường, số liệu về sản xuất, xuất khẩu các tháng trong quý II sẽ luôn cao hơn quý I bởi những tháng đầu năm là giai đoạn có nhiều kỳ nghỉ lễ dài.

"Khi phân tích số liệu, tôi thường nhìn xu hướng của giá trị qua thời gian và sẽ cố gắng loại bỏ yếu tố mùa vụ hay những đột biến của những sự kiện bất thường. Nếu phân tích theo góc nhìn này thì những dấu hiệu tích cực ở thời điểm hiện tại là khá ít, mọi thứ vẫn còn tương đối chậm", ông Báu cho hay.

Vì vậy, để khẳng định nền kinh tế đã vượt đáy và đang trên đà hồi phục có thể là quá sớm. "Điểm tích cực là chúng ta dường như đang ở giai đoạn xấu nhất rồi", CEO của Wigroup chia sẻ.

Ách tắc tại ngân hàng, tiền vẫn tiếp tục chảy vào TTCK

Nguồn: WiChart.

Nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn nhưng thị trường chứng khoán đã có dấu hiệu phục hồi. Một trong các nguyên nhân quan trọng là từ động thái hạ lãi suất liên tiếp của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian qua.

Theo ông Báu, mục đích của cơ quan quản lý khi nới lỏng là muốn lượng vốn giá rẻ này sẽ chảy đến các doanh nghiệp và từ đó kích thích sản xuất, tiêu dùng. Tuy nhiên, đơn vị làm nhiệm vụ dẫn vốn đến doanh nghiệp lại là hệ thống ngân hàng thương mại.

Trong bối cảnh mà bản thân hệ thống ngân hàng vẫn còn những vấn đề cần phải cẩn trọng thì lựa chọn của các ngân hàng sẽ là giữ tiền lại trong "két" và không đưa ra nền kinh tế.

Lúc này tiền thay vì chảy vào sản xuất thì lại bị ách lại trong hệ thống ngân hàng và dịch chuyển dần sang các kênh đầu tư tài chính. Cổ phiếu là kênh chính thống có thanh khoản tốt nhất lúc này, vậy nên việc thị trường cổ phiếu phản ứng mạnh trong giai đoạn vừa qua là điều dễ hiểu.

Ông Báu dự báo, từ giờ đến cuối năm xu hướng nới lỏng trong điều hành chính sách tiền tệ là tất yếu, thực trạng ách vốn vẫn sẽ diễn ra. Điều này sẽ giúp thị trường tài sản tài chính tiếp tục hấp thụ lượng tiền dư thừa và có những biến động tích cực.

Bối cảnh hiện nay kênh bất động sản thì phải chờ tín dụng và pháp lý, kênh vàng thì không thực sự hấp dẫn khi giá vàng trong nước và thế giới chênh nhau tới 20%, kênh tỷ giá thì ổn định khó kỳ vọng biến động lớn, kênh trái phiếu vẫn còn ám ảnh nhiều người, lãi suất tiết kiệm ngày một kém hấp dẫn...

Không khó để nhận thấy thị trường cổ phiếu là kênh phù hợp nhất để dòng vốn dịch chuyển đến, CEO Wigroup nhận định.

Hạ An