|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tăng trưởng GDP quý II dự báo dưới 5%, gần thấp nhất trong 13 năm

06:50 | 08/06/2023
Chia sẻ
Hầu hết các tổ chức đều đưa ra mức dự báo tăng trưởng GDP quý II dưới 5%. Mức này cũng gần như thấp nhất trong 13 năm qua (kể từ 2011), chỉ cao hơn mức tăng của quý II/2020 (tăng 0,36%).

Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) vừa công bố báo cáo vĩ mô, theo đó dự báo tăng trưởng GDP quý II ở mức 4,3%, phản ánh bức tranh chung của nền kinh tế là tương đối yếu ở thời điểm hiện tại, và nối tiếp các số liệu vĩ mô ảm đạm của quý I với tăng trưởng GDP chỉ ở mức 3,32%.

Theo KBSV, một số yếu tố có tính chất hỗ trợ về mặt chính sách đã xuất hiện như NHNN hạ lãi suất điều hành, ban hành thông tư 02 và 03, gói hỗ trợ nhà ở xã hội, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng VAT, tăng lương cơ bản, đẩy mạnh đầu tư công,...

Dù vậy, các tác động tích cực về mặt chính sách có độ trễ nhất định, trong khi hoạt động kinh doanh các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn bởi cả những yếu tố khách quan (thị trường bất động sản suy yếu, mặt bằng lãi suất còn duy trì ở mức cao dù đã hạ nhiệt, rủi ro thị trường TPDN) và chủ quan (nhu cầu tiêu thụ hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam sụt giảm mạnh).

Khối phân tích cho rằng CPI cả năm 2023 chỉ tăng 3,8%, thấp hơn mức mục tiêu 4,5% của Chính phủ. Với việc CPI tháng 5 chỉ tăng 2,34% so với cùng kỳ, mức thấp nhất kể từ tháng 9 năm ngoái, phản ánh tổng cầu nền kinh tế sụt giảm mạnh, KBSV giảm mạnh dự báo lạm phát cho năm 2023 xuống 3,8% YoY từ mức 4,4% tại báo cáo gần nhất.

 

"Lạm phát thấp là tín hiệu tích cực giúp tạo dư địa cho Chính phủ và NHNN có thể áp dụng các chính sách tiền tệ và tài khoá hỗ trợ như cắt giảm thuế, thúc đẩy đầu tư công, hạ lãi suất điều hành... Bên cạnh đó, xuất siêu 5 tháng đạt 9.8 tỷ USD, giải ngân FDI đạt 7,7 tỷ USD đã hỗ trợ ổn định tỷ giá, tạo điều kiện thuận lợi để NHNN có thể tăng dự trữ ngoại hối, hạ lãi suất hỗ trợ phát triển kinh tế", KBSV cho biết.

Hiện, hầu hết các tổ chức đều đưa ra mức dự báo tăng trưởng GDP quý II dưới 5%. Mức này cũng gần như thấp nhất trong 13 năm qua (kể từ 2011), chỉ cao hơn mức tăng của quý II/2020 (tăng 0,36%).  

 

Trong báo cáo mới nhất, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng tăng trưởng GDP quý II ước tính chỉ tương đương hoặc cao hơn một chút so với mức tăng của quý I (trong khoảng 3-3,5%), một phần do lĩnh vực công nghiệp nhiều khả năng sẽ không tăng trưởng.

Ngoài ra, lĩnh vực xây dựng dự báo khởi sắc hơn quý I nhờ tăng trưởng trong giải ngân vốn đầu tư công.

Tốc độ tăng vốn đầu tư so với cùng kỳ trong 6 tháng ước đạt 30%, điều này sẽ phần nào giúp bù đắp sự sụt giảm trong lĩnh vực xây dựng bị ảnh hưởng bởi lĩnh vực bất động sản.

Lĩnh vực bán lẻ hàng hoá, lưu trú, ăn uống chiếm khoảng 11-12% GDP tiếp tục là bệ đỡ cho tăng trưởng, mức tăng trong quý II có thể duy trì mức tăng trưởng tương đương quý I, khoảng 11-12% so với cùng kỳ.  

Với diễn biến kinh tế tăng trưởng thấp kéo dài suốt nửa đầu năm, VDSC nhận định kinh tế khó đạt được mức tăng 5% cả năm 2023.

Trong khi đó các chuyên gia của Chứng khoán Maybank (MBKE) cho rằng tăng trưởng quý II sẽ chỉ đạt 3% do nền kinh tế vẫn bị ảnh hưởng bởi sự sụt giảm xuất khẩu và những khó khăn trên bất động sản vẫn tiếp diễn.     

Chứng khoán VNDirect dự báo ở mức 4,5%, đồng thời nhấn mạnh nền kinh tế đang đối mặt với những thách thức lớn trong quý II, đến từ việc các ngành sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam có ít đơn đặt hàng hơn, tình trạng thắt chặt tài chính toàn cầu và sự suy thoái của thị trường bất động sản.

Mới đây,  CEO của WiGroup, ông Trần Ngọc Báu đưa ra nhận định "với việc đầu tư công không đủ mạnh để kích thích kinh tế, sản xuất trong nước vẫn yếu, tăng trưởng quý II nhiều khả năng dưới 5%, gây áp lực lớn lên hai quý cuối năm".

Anh Đào

Thủ tướng yêu cầu tiết kiệm chi để đầu tư phát triển
Các bộ ngành, địa phương phải nâng kỷ cương ngân sách, triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên để dành nguồn cho đầu tư phát triển, an sinh, theo Thủ tướng.