|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Ngành sản xuất Việt Nam nhiều khả năng sẽ rơi vào thời kỳ suy giảm kéo dài

07:45 | 08/06/2023
Chia sẻ
Chỉ số PMI tháng 5 giảm mạnh nhất kể từ tháng 9/2021, trong khi chỉ số PMI của ASEAN ghi nhận 20 tháng liên tiếp đạt mức trên 50 điểm. Theo KBSV, ngành sản xuất của Việt Nam có vẻ đang chậm chân hơn trong việc bắt kịp sự phục hồi của nhu cầu bên ngoài so với các nước trong khu vực.

Trong báo cáo vừa công bố, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng những số liệu tiêu cực là dấu hiệu cho thấy ngành sản xuất Việt Nam nhiều khả năng sẽ rơi vào thời kỳ suy giảm kéo dài.

Cụ thể, Chỉ số PMI tiếp tục giảm sâu xuống mức 45,3 điểm so với 46,7 điểm của tháng trước, báo hiệu lần suy giảm thứ ba liên tiếp của các điều kiện kinh doanh. Đây là lần giảm mạnh nhất kể từ tháng 9/2021.

 

Sản lượng ngành sản xuất giảm mạnh trong tháng thứ ba liên tiếp do khó khăn trong việc thu hút đơn đặt hàng mới và nhu cầu yếu. Đặc biệt, tổng số lượng đơn đặt hàng mới giảm mạnh nhất trong 20 tháng, còn số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu cũng giảm tháng thứ ba liên tiếp.

Việc làm tiếp tục giảm trong tháng 5, xuất phát từ tình trạng cắt giảm việc làm do giảm khối lượng công việc. Tuy nhiên mức độ giảm đã nhẹ hơn so với kỳ khảo sát trước. Ngoài ra, chi phí đầu vào giảm lần đầu tiên trong ba năm, tạo điều kiện cho các nhà sản xuất giảm giá bán hàng để thúc đẩy nhu cầu 

Trong khi đó, chỉ số PMI của ASEAN ghi nhận 20 tháng liên tiếp đạt mức trên 50 điểm, dù chỉ số tháng 5 của hầu hết các quốc gia đều giảm nhẹ nhưng chuỗi cung ứng cải thiện và áp lực chi phí tiếp tục giảm có thể giúp ngành sản xuất phục hồi trong những tháng tới.

Theo KBSV, điều này cho thấy ngành sản xuất của Việt Nam có vẻ đang chậm chân hơn trong việc bắt kịp sự phục hồi của nhu cầu bên ngoài so với các nước trong khu vực. 

 

Về sản xuất công nghiệp, nhờ việc Chính phủ đang chú trọng khôi phục phát triển nền kinh tế và chi phí đầu vào giảm, chỉ số IIP tháng 5 ước tính tăng 2,2% so với tháng 4 và tăng 0,1% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, mức tăng này chậm hơn so với tháng 4, trong khi IIP lũy kế 5 tháng đầu năm ước tính giảm 2% so với cùng kỳ, cho thấy hoạt động sản xuất công nghiệp của Việt Nam vẫn chưa có nhiều tín hiệu tích cực.

 

Một số ngành công nghiệp chủ lực như sản xuất trang phục, xe có động cơ tăng so với tháng trước trước (lần lượt tăng 4,1% và 3,4% so với tháng 4), trong khi sản xuất điện tử và nội thất ghi nhận mức giảm 0,2% và 6%.

Lũy kế 5 tháng đầu năm, công nghiệp chế biến chế tạo giảm 2,5% so với cùng kỳ, mạnh hơn so với mức sụt giảm chung của toàn ngành.

Theo KBSV, việc xuất khẩu yếu là nguyên nhân chính khiến hoạt động sản xuất trong nước sụt giảm. Dự báo trong thời gian tới, sức mua yếu dẫn đến thiếu hụt đơn hàng, khả năng tiếp cận vốn kém khi lãi suất vẫn ở mức cao, cùng với triển vọng xuất khẩu kém khả quan khiến IIP cũng khó có thể phục hồi. 

Anh Đào