Thị trường ngũ cốc toàn cầu vẫn khó đoán định
Sau nhiều tháng bị gián đoạn nghiêm trọng kể từ khi nổ ra xung đột giữa Nga và Ukraine, hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine từ các cảng trên Biển Đen đã được nối lại nhờ thỏa thuận đạt được vào tháng 7/2022.
Thỏa thuận này cũng góp phần dỡ bỏ các rào cản, đưa lúa mì của Nga trở lại thị trường thế giới. Nhờ đó, giá cả đã gần quay trở lại mức trước xung đột, dù vẫn có những yếu tố không chắc chắn.
Khơi thông dòng chảy ngũ cốc từ Ukraine
Với vai trò trung gian của Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hợp quốc (LHQ), Nga và Ukraine, hai nước xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới, hồi tháng Bảy đã nhất trí một cơ chế cho phép nối lại hoạt động xuất khẩu ngũ cốc từ ba cảng ở Biển Đen của Ukraine sau thời gian bị gián đoạn do ảnh hưởng của xung đột.
Ngày 27/7, Ukraine thông báo nối lại các hoạt động tại các cảng Odessa, Chernomorsk và Pivdennyi theo thỏa thuận và các tàu hàng sẽ được hộ tống khi ra vào các cảng.
Cũng trong ngày 27/7, Thổ Nhĩ Kỳ đã khánh thành Trung tâm điều phối chung (JCC) tại thành phố Istanbul để giám sát việc triển khai quy trình vận chuyển ngũ cốc từ Ukraine.
Hơn 25 triệu tấn ngũ cốc có sẵn tại các cảng để chờ được xuất đi trong khi hàng chục tàu hàng bị mắc kẹt tại các cảng trong khoảng 5 tháng qua sẵn sàng khởi hành.
Tàu Razoni mang cờ Sierra Leon, chuyến tàu chở ngũ cốc đầu tiên rời Ukraine theo thoả thuận được LHQ hậu thuẫn, rời cảng Odessa của Ukraine ngày 1/8, chở 26.000 tấn ngô và ngày 10/8 đã cập cảng Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi có thông tin chuyến tàu này cuối cùng đã tìm thấy người mua.
Ngày 20/8, Thổ Nhĩ Kỳ cho biết thêm hai tàu chở ngũ cốc đã rời cảng Chornomorsk của Ukraine, đưa tổng cộng số tàu đã rời các cảng của Ukraine ở Biển Đen trong khuôn khổ thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc giữa Ukraine và Nga lên 27 tàu.
Trong khi đó, Cơ quan cảng biển Ukraine cho biết số hàng thực phẩm gồm khoảng 66.500 tấn ngũ cốc, ngô và dầu hướng dương đã bắt đầu được bốc xếp lên 7 tàu tại 3 cảng biển của Ukraine để chuyển tới khách hàng.
Theo Bộ trưởng Cơ sở Hạ tầng Ukraine Oleksandr Kubrakov, sẽ có thêm 10 tàu chở ngũ cốc chuẩn bị rời các cảng của Ukraine trên Biển Đen. Ngoài ra, hơn 40 tàu khác đang xin cấp phép vận chuyển hàng đến các cảng của Ukraine.
Nhờ sự hợp tác tăng cường của quốc tế, lượng ngũ cốc xuất khẩu của Ukraine có thể đạt 4 triệu tấn trong tháng Tám, gần bằng mức 5 triệu tấn ngũ cốc/tháng trước khi xảy ra xung đột.
Cố vấn của Tổng thống Ukraine về vấn đề kinh tế Oleg Ustenko cho biết nước này có thể xuất khẩu 60 triệu tấn ngũ cốc trong 8-9 tháng tới nếu các cảng của Ukraine không bị phong toả.
Lúa mì Nga tái xuất trên thị trường thế giới
Thỏa thuận trên không chỉ giúp khôi phục hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine mà cũng góp phần dỡ bỏ các rào cản đối với xuất khẩu lúa mì của Nga.
Các sản phẩm lúa mì, lúa mạch, ngô và dầu hướng dương của Nga và Ukraine là những hàng hóa quan trọng với nhiều quốc gia tại châu Á, châu Phi và Trung Đông, với hàng triệu người dân ở những khu vực này sống dựa vào nguồn thức ăn chính là bánh mỳ.
Xung đột nổ ra khiến giá thực phẩm và năng lượng tăng cao, hàng triệu người rơi vào cảnh nghèo đói. Trong bối cảnh đó, thỏa thuận được Nga và Ukraine ký kết hồi tháng Bảy cũng đảm bảo lương thực và phân bón của Nga không chịu các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Theo các nhà quan sát, thỏa thuận này giúp đảm bảo hoạt động xuất khẩu lúa mì vốn có vai trò quan trọng với nền kinh tế Nga nói riêng và với chuỗi cung ứng toàn cầu nói chung. Nga là nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới và năm nay nước này cũng có vụ mùa bội thu nhất từ trước đến nay.
Giám đốc Viện Nghiên cứu Thị trường Nông sản Nga, ông Dmitry Rylko, cho hay theo dự báo của Viện này, sản lượng ngũ cốc ở Nga trong năm 2022 có thể đạt kỷ lục 145 triệu tấn, trong đó sản lượng lúa mì là 95 triệu tấn.
Trong khi đó, Bộ trưởng Nông nghiệp Nga Dmitry Patrushev cho biết Bộ này vẫn duy trì dự báo sản lượng ngũ cốc ở Nga vào năm 2022 ở mức 130 triệu tấn và đây sẽ là “một trong những kết quả tốt nhất trong lịch sử của đất nước”.
Giá cả hạ nhiệt, song vẫn tiềm ẩn rủi ro
Cuộc xung đột tại Ukraine và các lệnh trừng phạt quy mô lớn của Mỹ và Liên minh châu Âu nhằm vào Nga đã làm đứt gãy nguồn cung ngũ cốc, làm tăng nguy cơ xảy ra khủng hoảng lương thực ở một số quốc gia trên thế giới.
Từ đầu năm đến nay, giá lúa mì và ngô thế giới đã tăng đáng kể. Theo ghi nhận tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 21/5, tình hình tồi tệ hơn so với cuộc khủng hoảng vào năm 2007-2008.
Tuy nhiên, số liệu gần đây cho thấy giá một số loại ngũ cốc đã quay trở lại mức trước xung đột, nhờ thỏa thuận Ukraine và Nga mà LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian, cho phép Ukraine nối lại xuất khẩu ngũ cốc.
Giá lúa mì kỳ hạn tại Chicago, Mỹ giao dịch ở mức khoảng 8 USD/bushel (1 bushel lúa mì = 27,2 kg) vào giữa tháng Tám, so với 12 USD/bushel vào tháng Năm, mức trước xung đột.
Thêm vào đó, Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) cho biết chỉ số giá ngũ cốc, bao gồm giá lúa mì, ngô, đại mạch, cao lương và gạo, giảm xuống 147,3 trong tháng Bảy, so với 166,3 trong tháng Sáu.
Điều đó có nghĩa chỉ số giá ngũ cốc đã quay về gần mức của tháng Một (140,6) và tháng Hai (145,3), dù chỉ số này vẫn tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, một số nhà quan sát cảnh báo biến động vẫn tiếp tục do ảnh hưởng của xung đột Nga -Ukraine. Một nhà phân tích nêu khả năng diễn ra làn sóng tăng giá thứ hai đối với các mặt hàng lương thực thiết yếu.
Nhà kinh tế trưởng của FAO, Maximo Torero, cho rằng vẫn có nhiều yếu tố không chắc chắn như giá phân bón cao, điều có thể ảnh hưởng đến sản lượng, triển vọng kinh tế toàn cầu kém khả quan và biến động tỷ giá. Tất cả những yếu tố này đều đe dọa an ninh lương thực toàn cầu.
Theo dữ liệu lịch sử, giá ngũ cốc vốn đã rất cao ngay cả trước chiến sự và không có gì đảm bảo rằng chúng sẽ không tăng trở lại. Giá phân bón vẫn vô cùng đắt đỏ. Urê hiện có giá 680 USD/tấn, giảm từ mức 955 USD/tấn vào giữa tháng Tư, nhưng vẫn cao hơn đáng kể so với 400 USD/tấn một năm trước.
Bốn công ty gồm Archer-Daniels-Midland Company, Bunge, Cargill và Louis Dreyfus kiểm soát khoảng 70-90% thương mại ngũ cốc toàn cầu.
Ông Olivier De Schutter, đồng chủ tịch Ủy ban chuyên gia quốc tế về hệ thống lương thực bền vững (IPES-Food) cho biết: “Các thị trường ngũ cốc toàn cầu thậm chí còn tập trung hơn và kém minh bạch hơn thị trường năng lượng, vì vậy có nguy cơ trục lợi rất lớn”. Các công ty không đủ minh bạch để cho biết họ nắm giữ bao nhiêu ngũ cốc và không có cách nào để buộc họ phải xuất kho dự trữ kịp thời.
Bên cạnh đó, có những rủi ro khác cũng được đề cập tới là nắng nóng bất thường tại một số quốc gia sản xuất ngũ cốc. Hạn hán trên khắp thế giới sẽ ảnh hưởng đến năng suất cây trồng. Theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí One Earth, giá ngũ cốc toàn cầu sẽ tăng mạnh khi nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 2 độ C, cho dù sản lượng tăng nhẹ.
Do đó giá ngũ cốc có thể tăng trở lại, khi giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng lương thực và nông nghiệp toàn cầu vừa kết thúc.