|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Sau lệnh cấm, Ấn Độ vẫn xuất khẩu 1,8 triệu tấn lúa mì ra nước ngoài

17:02 | 28/06/2022
Chia sẻ
Sau khi ban hành lệnh cấm xuất khẩu lúa mì vào giữa tháng 5, Ấn Độ vẫn tiếp tục đáp ứng nhu cầu của các nước láng giềng cũng như các quốc gia thiếu hụt lương thực thông qua cơ chế chính phủ với chính phủ.

Theo trang The Hindu, Bộ trưởng Bộ Lương thực Ấn Độ Sudhanshu Pandey cho biết kể từ New Delhi cấm xuất khẩu lúa mì vào ngày 13/5, nước này đã vận chuyển 1,8 triệu tấn lúa mì sang hàng chục quốc gia.

Phát biểu tại một hội nghị cấp cao ở Đức ngày 24/6, Bộ trưởng Pandey nhấn mạnh rằng Ấn Độ luôn xem xét đáp ứng nhu cầu của thế giới, ngay cả khi phải thực hiện một nhiệm vụ khó khăn khác là nuôi sống 1,38 tỷ dân trong nước.

Chính phủ Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu lúa mì nhằm ngăn chặn đà leo thang của giá mặt hàng này trong nước. (Ảnh: Reuters)

Cụ thể, kể từ sau khi lệnh cấm được ban hành đến ngày 22/6, Ấn Độ đã xuất khẩu 1,8 triệu tấn lúa mì đến các nước gồm Afghanistan, Bangladesh, Bhutan, Israel, Indonesia, Malaysia, Nepal, Oman, Philippines, Qatar, Hàn Quốc, Sri Lanka, Sudan, Thụy Sỹ, Thái Lan, UAE, Việt Nam và Yemen. Con số này cao gấp 4 lần cùng kỳ năm trước.

Trước đó, ngày 13/5, chính phủ Ấn Độ đã đình chỉ xuất khẩu lúa mì với hiệu lực ngay lập tức nhằm kiểm soát đà tăng giá lúa mì trên thị trường nội địa.

Theo Reuters, ngay sau khi lệnh cấm đưa ra đã có khoảng 1,7 triệu tấn lúa mì bị mắc kẹt tại các cảng. Do đó, chính phủ nước này có thể sẽ sớm cho phép các thương nhân xuất khẩu khoảng 1,2 triệu tấn để giải tỏa một lượng lớn lúa mì đã được ký hợp đồng nhưng chưa thể vận chuyển đi.

Tuy nhiên, ước tính vẫn còn khoảng 500.000 tấn có thể vẫn nằm ở cảng do thương nhân chưa có giấy phép xuất khẩu.  

Ông Sudhanshu Pandey cho biết Ấn Độ xuất khẩu kỷ lục 7 triệu tấn lúa mì trong năm tài khoá 2021 - 2022, trong khi thông thường, nước này chỉ xuất khoảng 2 triệu tấn, chiếm khoảng 1% thương mại lúa mì toàn cầu.

Ấn Độ ý thức sâu sắc trách nhiệm đối với những nhóm dễ bị tổn thương tại nhiều nước trên thế giới. Do đó, New Delhi vẫn tiếp tục cung cấp hỗ trợ nhân đạo, thông qua việc cung cấp vắc xin cũng như các chuyến hàng thực phẩm, trước và sau đại dịch.

Ví dụ, Ấn Độ đã gửi một số chuyến hàng hỗ trợ nhân đạo cho người dân Afghanistan, bao gồm 33.000 tấn lúa mì trong tổng số 50.000 tấn cam kết.

Theo ông Pandey, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh lương thực toàn cầu, và tình hình ngày càng trở nên trầm trọng hơn do các diễn biến địa chính trị gần đây và tác động của biến đổi khí hậu.

Như Huỳnh

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).