|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Thị trường ngoại hối hôm nay 31/1: Euro mất điểm vì kinh tế Đức và Pháp suy yếu, USD tiếp tục đà tăng nhờ virus corona

18:59 | 31/01/2020
Chia sẻ
Trên thị trường ngoại hối hôm nay, đồng EUR giảm điểm khi hai nền kinh tế trụ cột của EU lộ dấu hiệu suy yếu, còn đồng USD vẫn giữ vững đà tăng trong bối cảnh virus corona bùng phát và lan rộng.

Diễn biến thị trường ngoại hối hôm nay

Hôm nay (31/1), vào lúc 17h20 giờ Việt Nam có 5/10 cặp tiền tệ cơ bản giảm điểm, 4 cặp tăng điểm và cặp còn lại đứng giá.

Thị trường ngoại hối hôm nay 31/1: Đồng EUR mất điểm vì kinh tế Đức và Pháp suy yếu, đồng USD tiếp tục đà tăng nhờ virus corona - Ảnh 1.

Tỷ giá 10 cặp tiền tệ cơ bản (Nguồn: Investing.com)

Trong đó, cặp USD/CAD tăng cao nhất với mức tăng 0, 22% và cặp AUD/USD giảm mạnh nhất với mức giảm 0,51%.

Thị trường ngoại hối hôm nay 31/1: Đồng EUR mất điểm vì kinh tế Đức và Pháp suy yếu, đồng USD tiếp tục đà tăng nhờ virus corona - Ảnh 2.

Mức biến động giá trong ngày của các cặp tiền tệ (Nguồn: Investing.com)

Thị trường ngoại hối hôm nay 31/1: Đồng EUR mất điểm vì kinh tế Đức và Pháp suy yếu, đồng USD tiếp tục đà tăng nhờ virus corona - Ảnh 3.

Hai nền kinh tế trụ cột của khu vực Eurozone suy yếu, đồng EUR mất điểm

Trong phiên giao dịch ngoại hối hôm nay, đồng euro (EUR) đã giảm điểm vì có nhiều dấu hiệu cho thấy hai nền kinh tế lớn nhất khu vực Eurozone suy yếu.

Vào lúc 15h10 giờ Việt Nam, cặp tỷ giá EUR/USD giao dịch ở ngưỡng 1,1027 USD đổi một EUR, giảm 0,1%. Trong khi đó, cặp EUR/GBP giảm mạnh 0,2% xuống còn 0,8398 GBP đổi một EUR.

Dấu hiệu đầu tiên chỉ ra tình trạng suy yếu nói trên đến từ nền kinh tế Đức. Cụ thể, doanh số bán lẻ của nền kinh tế trụ cột khu vực Eurozone giảm 3,3% trong tháng 12/2019, vượt xa mức dự đoán.

Số liệu này cho thấy người mua sắm ở Đức đã "thắt lưng buộc bụng" trong tháng cuối cùng của năm 2019.

Doanh số bán lẻ là một chỉ số không ổn định, tuy nhiên con số đáng thất vọng này đã khiến thị trường bất ngờ sau khi chỉ số niềm tin người tiêu dùng GfK công bố hôm 29/1 cho thấy sức khỏe của nền kinh tế Đức đang ở mức ổn định.

Đầu ngày hôm nay, dữ liệu chính thức từ Pháp báo hiệu nền kinh tế lớn thứ hai khu vực Eurozone đã bất ngờ thu hẹp trong quí IV năm ngoái.

Cụ thể, GDP của Pháp đã giảm 0,1% trong quí cuối cùng của năm 2019, đây là đợt suy yếu đầu tiên của nền kinh tế này kể từ khi ông Emmanuel Macron lên nắm quyền Tổng thống.

So với ước tính tăng trưởng trung bình của các nhà kinh tế là 0,2%, con số trên quả thực khiến nhà đầu bất an. Trong bối cảnh liên tục có nhiều cuộc biểu tình chống lại cải cách lương hưu gây tranh cãi mà ông Macron đề xuất, Pháp phải chịu thiệt hại nặng nề do công nhân đình công liên miên.

Trong khi đó, đồng bảng Anh (GBP) lại ghi nhận một phiên tăng giá, sau khi niềm tin của người tiêu dùng đạt mức cao nhất trong 16 tháng vào tháng 1 này. Hôm nay, Anh sẽ chính thức rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) sau hơn ba năm rưỡi đàm phán thất bại.

Theo Investing.com, chỉ số USD Index dùng để đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh so với rổ tiền tệ chính đã tăng 0,1% lên mức 97,73 điểm.

Dịch virus corona: Đồng USD vẫn thu hút nhà đầu tư, đồng CNY tăng nhờ chia sẻ của Tổng Giám đốc WHO

Ở diễn biến khác, đồng USD vẫn là một đồng tiền trú ẩn có độ an toàn cao và không ít nhà đầu tư đang tìm đến đồng tiền tệ này khi số người tử vong do virus corona đã tăng lên 213 trường hợp.

Trong hôm nay, đồng nhân dân tệ (CNY) đã tăng điểm nhẹ, với cặp USD/CNY giao dịch ở ngưỡng 6,9 CNY đổi một USD. Mức tăng này được hỗ trợ bởi sự tin tưởng mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dành cho Trung Quốc trong nỗ lực ngăn chặn bệnh dịch lây lan tại đại lục.

"Tôi đã thấy khả năng của Trung Quốc và tôi tin họ sẽ kiểm soát dịch viêm phổi Vũ Hán sớm thôi", Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus chia sẻ.

Còn trong hôm qua (ngày 30/1), WHO đã chính thức ban bố tình trạng y tế khẩn cấp trên toàn cầu đối với virus corona.

Yên Khê

Chủ tịch SSI: Rủi ro lớn nhất của thị trường nằm ở niềm tin nhà đầu tư
Công ty chứng khoán đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 8.112 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 3.398 tỷ đồng. So với kết quả 2023, các chỉ tiêu này tăng lần lượt 13% và 19% và là mức cao kỷ lục.