Sự kiện thị trường ngoại hối tuần 27/1 - 31/1: Virus viêm phổi Vũ Hán chiếm sóng, cuộc họp của Fed và BoE cũng khó bỏ lỡ
Đáng chú ý, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đều sẽ nhóm họp trong tuần tới.
Trong đó, sự kiện vào hôm 30/1 của BoE sẽ là phiên họp chính sách tiền tệ cuối cùng trước hạn chót Brexit cũng như là lần "cầm cương" cuối cùng của Thống đốc Mark Carney.
Reuters đã tổng hợp các sự kiện có thể tác động đến giao dịch ngoại hối trong tuần tới như sau:
1. Virus viêm phổi Vũ Hán
Thị trường đang cảnh giác trước diễn biến mới xoay quanh vụ việc virus viêm phổi Vũ Hán bùng phát, khiến 56 người chết và hơn 2.000 người nhiễm bệnh mà chủ yếu là ở Trung Quốc.
Virus này cũng đã lan sang Mỹ, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Pháp và Canada. Các nhà đầu tư lo ngại virus corona mới phát hiện có thể trở nên tồi tệ hơn, tương tự như đại dịch SARS năm 2003.
"Thị trường ghét tình trạng bất ổn và virus viêm phổi Vũ Hán đã gây ra đủ tâm trạng bất an cho nhà đầu tư", ông David Carter, Giám đốc Đầu tư của công ty Lenox Wealth Advisors (có trụ sở ở New York), nhận định.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã quyết định không tuyên bố tình trạng khẩn cấp trên toàn cầu đối với virus Vũ Hán, tuy nhiên một số chuyên gia y tế đặt câu hỏi liệu Trung Quốc có thể tiếp tục ngăn chặn bệnh dịch lây lan hay không.
2. Fed họp chính sách tiền tệ
Ngân hàng trung ương (NHTW) Mỹ gần như chắc chắn sẽ giữ nguyên chính sách tiền tệ ở phiên họp vào ngày 29/1 tới, vì các nhà hoạch định chính sách còn đang phải đánh giá tác động lan tỏa của ba đợt hạ lãi suất vào năm ngoái đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới.
"Do không có dự báo kinh tế mới nào được công bố tại phiên họp này, tín hiệu của Chủ tịch Jerome Powell tại cuộc họp báo và tỉ lệ phiếu bầu thực tế sẽ là điều mà thị trường quan tâm nhất", ông James Knightley, nhà kinh tế trưởng tại ING, cho hay.
"Chúng tôi cũng dự đoán ông Powell sẽ giữ nguyên thái độ lạc quan thận trọng của ông trong bài phát biểu, đặc biệt là trước kết quả tích cực của diễn biến thương mại Mỹ - Trung mới đây.
Ông Powell nhiều khả năng sẽ lặp lại quan điểm Fed cần phải nhìn thấy một sự 'thay đổi hữu hình' trước khi cân nhắc thay đổi chính sách", ông Knightley chia sẻ với Reuters.
3. Cuộc họp chính sách tiền tệ cuối cùng của BoE trước hạn chót Brexit
BoE sẽ đưa ra quyết định chính sách tiền tệ cuối cùng trước khi Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 31/1 và đây cũng sẽ là cuộc họp cuối cùng của ông Mark Carney ở cương vị Thống đốc.
Câu hỏi đặt ra là liệu BoE sẽ tham gia vào "câu lạc bộ" các NHTW đã hạ lãi suất hay không. Tăng trưởng kinh tế và lạm phát của Anh đã chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tình trạng bất ổn mà Brexit gây ra trong ba năm rưỡi qua.
Vì vậy, một loạt dữ liệu và bình luận gần đây của các quan chức BoE, trong đó có Thống đốc Carney, đều cho thấy kì vọng giảm lãi suất để làm tăng động lực đưa kinh tế đi lên.
Tuy nhiên, các dữ liệu kinh tế công bố tuần trước lại tăng sau cuộc bỏ phiếu Brexit, khiến thị trường giảm bớt kì vọng cho việc hạ lãi suất.
Diễn biến sắp tới của đồng bảng Anh sẽ phụ thuộc vào quyết định lãi suất của BoE và dự báo liệu nền kinh tế Anh có tìm thấy thêm xung lực sau hạn chót 31/1 hay không.
4. Mỹ và khu vực Eurozone công bố số liệu GDP
Mỹ sẽ công bố số liệu GDP quí I/2019V vào ngày 30/1, trong đó các nhà phân tích dự đoán tăng trưởng ở mức 2,1%. Tổng thống Donald Trump có thể lặp lại lập luận nếu không phải do Fed siết chặt chính sách tiền tệ, tăng trưởng kinh tế Mỹ có thể đạt gần 4%.
Khu vực Eurozone sẽ công bố dữ liệu GDP vào ngày 31/1. Dự báo cho thấy nền kinh tế của khu vực đồng tiền chung euro sẽ tăng 0,2% so với quí III, củng cố quan điểm "tăng trưởng tiếp tục nhưng vừa phải" của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).