Thị trường ngoại hối hôm nay 3/4: Nhà đầu tư tìm đến đồng USD khi 6,6 triệu người Mỹ xin trợ cấp thất nghiệp và số ca nhiễm COVID-19 vượt ngưỡng 1 triệu
Diễn biến thị trường ngoại hối hôm nay
Hôm nay (3/4), vào lúc 18h giờ Việt Nam có 5/10 cặp tiền tệ cơ bản giảm điểm và 5 cặp còn lại tăng điểm.
Trong đó, cặp USD/JPY tăng cao nhất với mức tăng 0,56% và cặp AUD/USD giảm mạnh nhất cũng với mức giảm 0,97%.
Đồng USD tăng mạnh sau khi thị trường đón nhận "cú đấm" kép
Trong phiên giao dịch sớm tại châu Âu hôm nay, đồng USD tăng điểm mạnh khi nhà đầu tư tìm đến "vịnh tránh bão" sau khi số đơn yêu cầu trợ cấp thất nghiệp của Mỹ tăng đột biến lên hơn 6,6 triệu và số ca nhiễm COVID-19 đạt hơn 1 triệu người.
Vào lúc 14h05 giờ Việt Nam, chỉ số USD Index dùng để đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh so với rổ tiền tệ chính tăng lên hơn 100 điểm lần đầu tiên trong một tuần qua, ghi nhận ở mức 100,46 điểm, tức tăng 0,2% so với đầu phiên và tăng khoảng 0,6% trong tuần này.
Tại thời điểm này, cặp tỷ giá EUR/USD giảm 0,3% xuống còn 1,0823 USD đổi một EUR, trong khi cặp GBP/USD tăng 0,2% lên ngưỡng 1,2367 USD đổi một GBP và cặp USD/JPY tăng 0,1% lên 108,02 JPY đổi một USD.
Đại dịch COVID-19 bùng phát đã khiến các nền kinh tế phát triển gần như đóng cửa đất nước khi mà chính phủ nhiều nước cố gắng thực hiện giãn cách xã hội để ngăn chặn tốc độ lây lan của dịch bệnh.
Bằng chứng mới chỉ ra thiệt hại liên quan đến chính sách trên đã xuất hiện tại Mỹ hôm 2/4. Cụ thể, số hồ sơ xin trợ cấp thất nghiệp ở nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng vọt lên hơn 6,6 triệu, gấp đôi so với con số kỉ lục 3,31 triệu một tuần trước đó.
Cùng lúc, đại dịch COVID-19 dường như không cho thấy dấu hiệu lắng dịu nào, vì số ca nhiễm trên toàn cầu đã vượt ngưỡng 1 triệu người, với hơn 53.000 người tử vong, trong đó hơn 6.000 ca tử vong tập trung ở Mỹ.
"Thị trường việc làm Mỹ đã ít nhiều sụp đổ", chiến lược gia tiền tệ Joe Capurso của Commonwealth Bank of Australia chia sẻ với Reuters.
"Đồng USD tăng khi nền kinh tế toàn cầu xấu đi, ngay cả khi tình hình tồi tệ nhất là ở Mỹ", ông Capurso nói.
Vào lúc 19h30 giờ Việt Nam, Mỹ sẽ công bố thêm dữ liệu về thị trường lao động dưới dạng báo cáo việc làm chính thức cho tháng 3. Tuy nhiên, số liệu được tập hợp từ ngày 12/3, tức trước thời điểm bất kì tiểu bang nào tại Mỹ bị phong tỏa, do đó dữ liệu nhiều khả năng không thể hiện hết tác động của đại dịch.
Ngoài ra, đồng USD tăng điểm cũng một phần nhờ sự phục hồi đột ngột của giá dầu thô. Theo Investing.com, dầu thô thường được trao đổi bằng đồng USD và Mỹ cũng là một sản xuất dầu thô và khí ga lớn của thế giới.
Nhà phân tích Andreas Steno Larsen của Nordea cho biết: "Một lần nữa, đồng USD lại chứng minh nó là 'vua của thời kì khủng hoảng' vì phần lớn khối nợ trên toàn cầu đều tính theo đồng USD, có nghĩa là nhà đầu tư sẽ tìm mua đồng tiền này nhiều hơn sau khi thanh khoản bị siết chặt, như hiện đang xảy ra trong thời COVID-19".
Tuy nhiên, đồng bạc xanh có thể bị kìm hãm ngay khi thế giới tìm cách mở cửa lại nền kinh tế, ông Larsen cảnh báo.
"Thanh khoản đồng USD đang bị phân tán ra mọi ngóc ngách của thị trường tài chính. Điều này cuối cùng sẽ giết chết đà tăng của đồng USD. Theo quan điểm của Nordea, chỉ là vấn đề thời gian trước khi điều đó xảy ra", ông Larsen kết luận.