|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Thị trường ngoại hối hôm nay 17/4: Ông Trump thông báo kế hoạch mở cửa kinh tế Mỹ, đồng USD đi ngang

19:22 | 17/04/2020
Chia sẻ
Trong phiên giao dịch hôm nay, sau khi Tổng thống Donald Trump công bố kế hoạch khôi phục hoạt động kinh tế tại Mỹ và Gilead Sciences tuyên bố thử nghiệm lâm sàng thuốc remdesivir đạt kết quả hứa hẹn, đồng USD đã có lúc đi ngang.

Diễn biến thị trường ngoại hối hôm nay

Hôm nay (17/4), vào lúc 18h50 giờ Việt Nam có 4/10 cặp tiền tệ cơ bản giảm điểm, 5 cặp tăng điểm và cặp còn lại đứng giá.

Thị trường ngoại hối hôm nay 17/4: Ông Trump thông báo kế hoạch mở cửa kinh tế Mỹ và thử nghiệm thuốc điều trị COVID-19 có tiến triển, đồng USD đi ngang - Ảnh 1.

Tỷ giá 10 cặp tiền tệ cơ bản. (Nguồn: Investing.com)

Trong đó, cặp NZD/USD tăng cao nhất với mức tăng 0,58% và cặp USD/JPY giảm mạnh nhất cũng với mức giảm 0,17%.

Thị trường ngoại hối hôm nay 17/4: Ông Trump thông báo kế hoạch mở cửa kinh tế Mỹ và thử nghiệm thuốc điều trị COVID-19 có tiến triển, đồng USD đi ngang - Ảnh 2.

Mức biến động giá trong ngày của các cặp tiền tệ. (Nguồn: Investing.com)

Thị trường ngoại hối hôm nay 17/4: Ông Trump thông báo kế hoạch mở cửa kinh tế Mỹ và thử nghiệm thuốc điều trị COVID-19 có tiến triển, đồng USD đi ngang - Ảnh 3.

Hai tin tốt đến cùng lúc, đồng USD có thời điểm đi ngang

Trong phiên giao dịch sớm tại châu Âu hôm nay, đồng USD có lúc đi ngang trong bối cảnh nhà đầu tư có xu hướng mạo hiểm trở lại dựa trên nhận định rằng đại dịch COVID-19 đang dần khép lại.

Vào lúc 14h35 giờ Việt Nam, chỉ số USD Index dùng để đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh so với rổ tiền tệ chính chỉ tăng nhẹ 0,1% lên ngưỡng 100,17 điểm.

Cùng thời điểm đó, cặp tỷ giá EUR/USD tăng 0,1% lên mức 1,084 USD/EUR, trong khi cặp GBP/USD giảm 0,1% xuống còn 1,2445 USD/GBP và cặp USD/JPY giảm 0,2% xuống còn 107,72 JPY/USD.

Hôm 16/4, Tổng thống Donald Trump đã công bố hướng dẫn cho việc mở cửa nền kinh tế Mỹ trở lại. Dù vậy, bản hướng dẫn không nêu cụ thể ngày nới lỏng các biện pháp hạn chế di chuyển để khôi phục hoạt động kinh tế.

Bản kế hoạch dài 18 trang có tên "Mở cửa nước Mỹ Trở lại" xác định những điều kiện cần thiết để các khu vực trên khắp nước Mỹ có thể cho phép người lao động bắt đầu trở lại làm việc, dù vậy quyết định dỡ bỏ các lệnh hạn chế cuối cùng sẽ do thống đốc các bang đưa ra.

Kế hoạch của Tổng thống Trump nêu ra ba giai đoạn nhằm mục đích hướng dẫn các khu vực trên khắp nước Mỹ tiến dần đến việc nới lỏng lệnh hạn chế đối với doanh nghiệp và người dân.

Trước khi bước vào giai đoạn một, hướng dẫn nêu rằng số ca dương tính với COVID-19 hoặc được báo cáo có triệu chứng nhiễm cúm hoặc tương tự COVID-19 tại một tiểu bang hay khu vực phải đang trong xu hướng giảm.

Giai đoạn một của kế hoạch nói rằng, "tất cả các cá nhân dễ bị tổn hại" nên tiếp tục ở yên tại chỗ, đồng thời khuyến khích mọi người duy trì biện pháp giãn cách xã hội ở nơi công cộng.

Tuy nhiên, phần một của kế hoạch còn khuyến nghị các doanh nghiệp "nên trở lại làm việc theo từng giai đoạn" nếu có thể, song song với việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa như đóng cửa các khu vực chung và giảm thiểu di chuyển không cần thiết.

Trong giai đoạn hai, bắt đầu tại các khu vực "không có dấu hiệu cho thấy số ca nhiễm tăng trở lại", các lệnh hạn chế sẽ tiếp tục được nới lỏng.

Tuy nhiên, ngay cả ở giai đoạn cuối, hướng dẫn của Nhà Trắng vẫn đề xuất rằng các cá nhân có nguy cơ lây nhiễm thấp "nên xem xét giảm thiểu thời gian xuất hiện trong môi trường đông người" - một dấu hiệu cho thấy việc quay trở về nhịp sống thường ngày trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát phải mất thêm một thời gian dài.

Tâm lí ưa mạo hiểm của nhà đầu tư cũng được thúc đẩy bởi Gilead Sciences sau khi công ty này tuyên bố rằng thử nghiệm lâm sàng đối với thuốc remdesivir cho thấy kết quả đầy hứa hẹn trong việc điều trị virus corona.

Dù vậy, nhà phân tích của Investing.com nhận định, đồng USD vẫn có thể tăng điểm vì sau cùng, nhà đầu tư sẽ phải tìm đến vịnh tránh bão này sau khi số đơn yêu cầu trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ lại tăng thêm 5,25 triệu hồ sơ, nâng tổng số người Mỹ xin trợ cấp trong tháng qua lên 22 triệu người.

Khả Nhân