|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thị trường lúa gạo Việt Nam 2016: Thừa lượng, thiếu chất

05:00 | 05/10/2016
Chia sẻ
Xuất khẩu lúa gạo Việt Nam những tháng đầu năm nay sụt giảm nghiêm trọng cả về lượng và giá trị. Một trong những nguyên nhân chính là do chất lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu và tiêu chuẩn của các thị trường trên thế giới.

Xuất khẩu gạo thụt lùi

Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, năm 2014, Việt Nam bán sang Mỹ được 70.000 tấn, Thái Lan bán được 400.000 tấn, nhưng ngay năm sau trong khi Thái Lan vẫn duy trì được con số này, Việt Nam sụt giảm chỉ còn 44.000 tấn gạo. Trong khi tại thị trường Nhật Bản, Việt Nam không bán được hạt nào tính từ năm 2013 đến nay. Tương tự, gạo Việt xuất khẩu vào EU cũng giảm dần còn 20.000 tấn năm 2014 và xuống 18.000 tấn năm 2015.

9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo của Việt Nam ước đạt 3,76 triệu tấn, giá trị đạt 1,69 USD, giảm 16,4% về lượng và 12,5% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Bộ NN&PTNT cũng thay vì giữ mục tiêu xuất khẩu 6,5 triệu tấn gạo đã hạ mục tiêu cả năm nay xuống còn 5,7 triệu tấn.

Theo Bộ NN&PTNT, trên thị trường châu Á, giữa tháng 9, giá gạo Việt Nam giảm xuống mức thấp nhất trong gần 1 năm do thiếu vắng khách mua. Trong khi đó, nguồn cung mới dự kiến sẽ có mặt trên thị trường Thái Lan vào tháng 10 đang gây sức ép phần nào đến giá hiện tại. Giá tham khảo gạo 5% tấm của Việt Nam giảm xuống 335-345 USD/tấn (FOB cảng Sài Gòn); gạo 25% tấm giảm xuống 325 USD/tấn. Theo cơ sở dữ liệu của Reuters thì giá của cả hai loại gạo này đều ở mức thấp trong gần 1 năm qua.

Trước đây, mỗi lần Việt Nam trúng thầu xuất khẩu gạo sang Philippines, thị trường lúa gạo ở ĐBSCL thường trở nên sôi động hơn, giá lúa gạo hàng hóa đều tăng lên ít nhiều. Tuy nhiên, năm nay, sau khi trúng thầu 150.000 tấn hồi cuối tháng 8, thị trường lúa gạo hàng hóa ở vẫn khá yên ắng.

Theo Chủ tịch VFA, nguyên nhân chính là do hiện nay trong kho của các doanh nghiệp đang còn tồn khoảng 1,3 triệu tấn gạo. Trong đó, mới chỉ có 1,1 triệu tấn đã có hợp đồng xuất khẩu. Với 150.000 tấn vừa trúng thầu, tổng cộng có 1,25 triệu tấn gạo có hợp đồng xuất khẩu từ nay đến cuối năm, còn lại 50.000 tấn chưa có hợp đồng.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam hầu như không còn hy vọng Malaysia sẽ tiếp tục nhập khẩu gạo trong những tháng cuối năm. Indonesia tuy thực tế bị thiếu hụt 2 triệu tấn gạo nhưng vẫn công bố là có thặng dư lúa gạo và chưa có kế hoạch nhập khẩu.

Xuất khẩu sang Mỹ vào khó ra dễ

Thông tin từ VFA cho hay, Mỹ là thị trường gạo tiềm năng của Việt Nam, nhưng đây là thị trường yêu cầu chất lượng cao, có nhiều rào cản kỹ thuật. Tổng Công ty Lương thực miền Nam cũng đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ xuất khẩu qua Mỹ mỗi năm ít nhất 100.000 tấn gạo thơm. Tuy nhiên đến nay dù đã xuất khẩu gạo qua Mỹ nhưng số lượng chưa nhiều.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 8 tháng đầu năm nay, thị trường Mỹ chiếm một tỷ trọng nhỏ trong xuất khẩu gạo của Việt Nam, với 22.084 tấn, giá trị gần 12,2 triệu USD, giảm mạnh so với mức 33.000 tấn và 18,7 triệu của năm ngoái.

Lượng gạo xuất khẩu vào Mỹ giảm mạnh là do nhiều lô hàng gạo sang tới nước này bị trả về vì nhiễm các dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và vi phạm các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Theo thống kê của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA), tính từ năm 2012 đến tháng 8 năm nay, có 16 doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam bán sang thị trường này bị trả về với tổng số 412 container, tương ứng gần 10.000 tấn gạo bị trả về.

Loại gạo bị phía Mỹ trả về có isoprothiolane, hexaconazole, acetamiprid, chlorpyripos…là các hoạt chất có trong thuốc bảo vệ thực vật được Việt Nam cho phép sử dụng để trị các bệnh cho lúa như đạo ôn, lem lép hạt, sâu đục thân.

Theo Bộ NN&PTNT, trong 9 tháng đầu năm, Việt Nam đã bỏ ra 496 triệu USD để nhập thuốc trừ sâu và nguyên liệu từ Trung Quốc, chiếm hơn 49%. Một số doanh nghiệp cũng không kiểm soát được nguồn thuốc bảo vệ thực vât nhập khẩu.

Cũng theo báo cáo của VFA, 6 tháng đầu năm nay, đã có hơn 500 container gạo thơm của Việt Nam bị đối tác trả về do không đạt tiêu chuẩn chất lượng. Thực tế trong những năm 2016 có rất nhiều đơn hàng xuất khẩu gạo thơm của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo có tiếng tăm qua các thị trường đã bị trả về vì bị dư lượng thuốc BVTV, phải bán trong nội địa.

Gần đây nhất, Bộ NN&PTNT đã quyết định cho tạm dừng xuất khẩu gạo sang thị trường Mỹ vì có dư lương thuốc bảo vệ thực vật vượt mức.

Theo nguồn tin từ báo Đất Việt, những doanh nghiệp xuất khẩu gạo bị trả về không xây dựng được vùng nguyên liệu riêng, chủ yếu đi gom gạo trôi nổi từ các thương lái, thu mua gạo không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng, rồi chế biến lại và xuất đi.

Xét về hình thức, mẫu mã các loại gạo không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng cũng đẹp không kém già gạo tiêu chuẩn. Tuy nhiên, với cách thức thu mua ồ ạt trôi nổi thì không thể kiểm soát được chất lượng, không khẳng định được dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong gạo là thiếu hay thừa hay đủ nên mới có tình trạng xuất đi và bị trả về.

Việc làm của các doanh nghiệp này gây ảnh hưởng rất lớn tới uy tín cũng như sự ổn định của gạo Việt cũng như các doanh nghiệp làm ăn chân chính muốn mở rộng thị trường gạo sang Mỹ.

Cuối tháng 5 vừa qua, Bộ NN&PTNT cùng với Tổng cục Giám sát chất lượng, kiểm nghiệm và kiểm dịch Trung Quốc đã ký kết nghị định về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với việc xuất khẩu gạo và cám gạo từ Việt Nam sang Trung Quốc. Mục đích của việc ký kết là nhằm đảm bảo an toàn cho việc nhập khẩu gạo Việt Nam vào Trung Quốc, ngăn chặn sinh vật gây hại xâm nhập.

Tuy nhiên, dù được xông trùng, kiểm dịch tại Việt Nam nhưng khi gạo đến thị trường Trung Quốc cũng sẽ tiếp tục được kiểm dịch lại. Nếu nước này phát hiện gạo có sinh vật gây hại thì doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải tốn thêm chi phí để khắc phục.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Hồng Vũ

Khai thông rào cản đầu tư, Việt Nam sẽ bứt phá trong thu hút làn sóng FDI mới
GDP của Việt Nam đã tăng dần trong những năm gần đây. Nền kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ trong thập kỷ qua trong khu vực. Phân tích GDP theo ngành, sản xuất chế tạo là một trong những lĩnh vực đóng góp chính cho GDP của Việt Nam, chiếm khoảng 25% GDP và là ngành lớn nhất trong cơ cấu kinh tế Việt Nam.