Thị trường hàng hoá 4/7: Giá thành nuôi tôm tăng mạnh vì giá điện, Big C mở cửa trở lại cho 50 nhà cung cấp hàng may mặc
Giá điện tăng kéo giá thành nuôi tôm có thới điểm tăng 4.000 - 5.000 đồng/kg
Vụ Nuôi trồng Thủy sản cho hay hiện nay là giá thành sản xuất tôm Việt Nam rất cao. Giá điện tăng dẫn đến chi phí sản xuất tăng. Có thời điểm chi phí sản xuất một kg tôm có khi chi phí tăng 4.000 - 5.000 đồng.
Bên cạnh đó, thời gian qua giá thức ăn cho tôm trải qua hai lần tăng giá cũng kéo theo chi phí tăng theo và sức cạnh tranh càng thấp, đại diện Vụ Nuôi trồng Thủy sản chia sẻ tại hội nghị.
Thứ trưởng Bộ Công Thương: Big C mở cửa gian hàng trở lại trong ngày 4/7 cho 50 nhà cung cấp hàng may mặc
Trước thông tin Central Group bất ngờ thông báo tạm ngừng đơn hàng từ các đơn vị cung cấp hàng dệt may, trả lời báo chí tại buổi họp báo thường kì, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết ngay trong sáng nay (4/7) Bộ Công Thương và đại diện các doanh nghiệp dệt may đã có buổi làm việc với tập đoàn.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết sau khi làm việc, bước đầu Big C cam kết ngay trong ngày hôm nay (4/7) mở gian hàng cho 50 trên tổng số 200 nhà cung cấp Việt Nam.
FAO: Nhập khẩu thịt của Trung Quốc dự báo tăng 19 - 20% trong 2019
Theo báo cáo về triển vọng thị trường thực phẩm toàn cầu của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), với nhu cầu nhập khẩu thịt heo, thịt bò và thịt gà của Trung Quốc cao hơn, giá thịt toàn cầu đã tăng mạnh kể từ tháng 1/2019.
Bên cạnh đó, thị trường thịt và các sản phẩm từ thịt dự kiến vượt 35 triệu tấn trong năm 2019, tăng 4,8% so với năm 2018.
Phần lớn sự gia tăng này đến từ tổng sản lượng nhập khẩu thịt của Trung Quốc, dự kiến sẽ tăng 19 - 20% trong năm 2019.
Việt Nam phản ứng việc Mỹ áp thuế hơn 400% lên một số sản phẩm thép
Trả lời câu hỏi về việc Mỹ áp thuế hơn 400% lên một số sản phẩm thép từ Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng ngày 4/7 phát biểu: "Sau khi trao đổi, Bộ Công Thương cũng cảnh báo, khuyến nghị các doanh nghiệp trong nước về việc các cơ quan điều tra của các nước nhập khẩu có thể thay đổi, ra các quy định khắt khe hơn về phòng vệ thương mại, để các doanh nghiệp Việt Nam có chiến lược kinh doanh phù hợp, chuyển sang dùng các nguyên liệu sản xuất trong nước hoặc các nguồn khác".
Phát biểu tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, bà Hằng cho biết các cơ quan liên quan sẽ thông tin, trao đổi với phía Mỹ để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp, phù hợp với pháp luật Việt Nam và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đồng thời ngăn chặn các hành vi gian lận nguồn gốc xuất xứ.
Mỹ xuất khẩu lô gạo đầu tiên sang Trung Quốc
Hôm 3/7, một nhóm thương mại gạo cho biết một nhà nhập khẩu tư nhân Trung Quốc đã mua gạo Mỹ lần đầu tiên vào tuần trước, trong bối cảnh chiến tranh thương mại nổ ra giữa hai quốc gia.
Nhà nhập khẩu Trung Quốc đã mua hai container, khoảng 40 tấn, gạo hạt vừa từ công ty Sun Valley Rice có trụ sở tại California, theo Michael Klein, phát ngôn viên của USA Rice, một nhóm thương mại thúc đẩy hoạt động bán hạt gạo của Mỹ.
Gạo Mỹ được xát và đóng gói cho người tiêu dùng và dịch vụ thực phẩm, ông Klein nói.
Trung Quốc là một người mua chính đậu nành và thịt heo Mỹ trước khi cuộc chiến thương mại bắt đầu.