|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Một ngày sau việc đột ngột dừng đặt hàng may mặc tại Việt Nam, Big C làm gì?

15:30 | 04/07/2019
Chia sẻ
Sau khi Central Group thông báo ngừng đặt hàng, nhà phân phối đã khóa mã code sản phẩm khiến các siêu thị không thể đặt hàng, nhà cung cấp cũng không giao hàng được.

"Họ cũng hứa mở code nhưng hiện vẫn không thấy mở"

Ngày 4/7, trao đổi với người viết, đại diện một nhà cung cấp hàng may mặc cho Big C gần 20 năm cho biết sau cuộc gặp với Giám đốc Central Group chiều qua (ngày 3/7), phía Big C chưa có hành động đáng kể đối với những điều đã cam kết.

"Họ hứa sẽ gửi thư nhưng từ chiều qua đến nay không một ai (cơ sở sản xuất, nhà cung cấp) nhận được thư nào cả. Họ cũng hứa mở code nhưng hiện vẫn không thấy mở, công nhân phải ngồi không từ hôm qua đến giờ vì không thể sản xuất tiếp", đại diện doanh nghiệp cho biết.

Đại diện doanh nghiệp này nói thêm: "Big C ngừng đặt hàng "tối đa hai tuần" nhưng đơn hàng của chúng tôi nhận mỗi ngày. Hiện đơn hàng từ Nam ra Hải Phòng vẫn từ chối chưa được nhận".

Các nhà cung cấp có mặt tại trụ sở chính của Central Group chiều 3/7 cho biết, đến 20h ngày 2/7 Tập đoàn Central Group của Thái Lan bất ngờ có thư gửi đối các đối tác tại Việt Nam về việc siêu thị Big C của Tập đoàn sẽ tạm dừng mua sản phẩm may mặc từ các nhà cung cấp tại Việt Nam.

Chia sẻ thêm về việc hợp tác gần 20 năm nay với Big C, doanh nghiệp này cho biết: "Big C là tập đoàn lớn. Họ dùng hợp đồng chung để kí với tất cả ngành hàng không riêng gì hàng may mặc.

Trong hợp đồng có nói nếu có sự thay đổi về giao nhận hàng sẽ báo trước 30 ngày nhưng lần này họ không báo mà lại gửi thông báo ngừng đặt hàng vào ngoài giờ hành chính".

Với lượng hàng sản xuất chủ yếu cho Big C, một doanh nghiệp bức xúc chia sẻ: "80% lượng hàng của chúng tôi cung cấp cho Big C nhưng họ dừng đột ngột như vậy thì quá sốc, quá ảnh hưởng.

Họ muốn cắt phải có lộ trình, cho thời gian thu gọn hàng hóa chứ để sản xuất cả đống hàng rồi đi về đâu", vị giám đốc cho hay.

Hiện tại các doanh nghiệp này vẫn chưa biết làm gì tiếp theo ngoài chờ đợi cuộc gặp gỡ tiếp theo, còn sản xuất thì chỉ còn lại ít đơn hàng, không đáng kể sót lại từ trước.

Trước đó, trả lời với các nhà cung cấp, bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng Giám đốc Central Group Việt Nam, cho biết: "Đến thứ Hai tuần sau (ngày 8/7), đại diện các doanh nghiệp may mặc của Việt Nam sẽ được gặp Tổng Giám đốc Central Group để hiểu được rõ hơn định hướng, kế hoạch".

0da397af7b8b9fd5c69a

Rất nhiều nhà cung cấp hàng may mặc Việt Nam kéo đến trụ sở Central Group vào chiều 3/7. Ảnh: Như Huỳnh

Doanh nghiệp "đau đầu" vì siêu thị lấy chiết khấu cao

Chia sẻ với người viết, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội dệt may thêu đan TP HCM, thông tin: "Các doanh nghiệp hội viên không tham gia chuỗi cung cấp hàng may mặc cho Big C mà chủ yếu đó là các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ cho nên việc Big C tái cấu trúc, ngưng nhận đơn hàng không ảnh hưởng đến toàn ngành".

Tuy nhiên, theo ông Hồng, trước đây đã có một số doanh nghiệp hội viên tham gia cung ứng cho đơn vị này nhưng sau đó phải rút khỏi. Lí do các doanh nghiệp nhận thấy đối tác không bền vững như tăng chiết khẩu, co mặt bằng…

Đánh giá ảnh hưởng đối với các sản xuất, cung ứng này là rất lớn, ông Hồng khuyến cáo: "Các cơ sở sản xuất tham gia cung ứng hàng cần nghiên cứu xu hướng của đối tác, đặc biệt là xem xét hợp đồng pháp lý kĩ hơn trước khi kí và thực hiện.

Sợ nhất các cơ sở sản xuất không quan tâm vấn đề pháp lý mà kí hợp đồng sẽ ảnh hưởng rất lớn khi có sự cố".

Đây cũng là vấn đề mà nhiều doanh nghiệp dù đã hợp tác với Big C lâu năm nhưng vẫn khá "đau đầu" vì chiết khấu thì tăng cao từng năm, trong khi họ mua đứt sản phẩm của mình với giá tốt nhất, thậm chí thu mua rẻ hơn cách đây hai năm.

Đại diện Công ty May Đài Trang cho biết: "Chiết khấu tăng cao theo từng năm từ 0,5 - 1%, doanh nghiệp nào chịu đựng được, nhưng năm nay có thể tăng 2 - 5% trong khi họ mua sản phẩm của mình là mua đứt với giá tốt nhất.

Hàng kí gửi còn được bán theo giá siêu thị nhưng đây là mua đứt, giá không đổi, thậm chí thu mua rẻ hơn cách đây hai năm".

Nhưng vì không có nhiều siêu thị nên các doanh nghiệp nhỏ và vừa này buộc phải chấp nhận trong tâm trạng lo ngại.

"Lương lao động ngày tăng, giá nguyên phụ liệu cũng tăng… thì còn đâu lợi nhuận và kế hoạch đầu tư phát triển", Công ty Đài Trang cho hay.


Như Huỳnh

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.