|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Đại diện Central Group: Mô hình bán quần áo hiện tại không còn phù hợp, Big C sẽ tạm ngưng đặt hàng may mặc của DN không quá 2 tuần

15:45 | 03/07/2019
Chia sẻ
Đại diện Central Group khẳng định không có việc Tập đoàn ngừng, hay dừng hợp đồng với tất cả nhà cung cấp ngành hàng may mặc tại Việt Nam.

Ngay trong chiều nay (3/7), trước phản ứng của đông đảo doanh nghiệp ngành hàng may mặc tại Việt Nam đang cung cấp hàng cho hệ thống siêu thị Big C, đại diện Tập đoàn Central Group Việt Nam đã có phản hồi chính thức đến các doanh nghiệp này.

Bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng Giám đốc Central Group Việt Nam, khẳng định không có việc Tập đoàn ngừng, hay dừng hợp đồng với tất cả doanh nghiệp ngành hàng may mặc tại Việt Nam.

"Tất cả nhà cung cấp đều đã nhận thông báo từ Tập đoàn Central Group, để chúng tôi tái cơ cấu mô hình kinh doanh cũng như review (xem xét lại - PV) tất cả vấn đề nội tại trong mảng kinh doanh thời trang của Tập đoàn. 

bigc 2

Đại diện Central Group Việt Nam trao đổi với một số doanh nghiệp cung cấp hàng may mặc cho Big C về việc tạm dừng nhận hàng chiều 3/7 tại TP HCM. (Ảnh: Như Huỳnh)

Việc này chỉ mang tính chất tạm thời, không phải tập đoàn dừng hay ngừng hợp đồng với tất cả đối tác", bà Phương cho biết trong buổi gặp gỡ các đối tác tại văn phòng đại diện của Central Group ở TP HCM chiều 3/7.

Trong hôm nay các doanh nghiệp sẽ nhận được thư từ của Tổng Giám đốc Central Group Philippe Broianigo về việc làm thế nào phát triển trong tương lai, làm thế nào để Tập đoàn cạnh tranh với các nhãn hàng thời trang thế giới và Việt Nam.

Philippe Broianigo

Tổng Giám đốc Central Group Philippe Broianigo. (Nguồn: Zing News)

Shop-in-shop, hay còn được biết đến với cái tên store-within-a-store, là mô hình kinh doanh nhà bán lẻ thuê khu vực riêng trong các siêu thị để bầy bán sản phẩm của riêng mình, thay vì đưa sản phẩm lên các kệ hàng như các đồ tiêu dùng khác, theo Vietnam Report.

Bà Phương nói với các doanh nghiệp: "Toàn bộ mảng kinh doanh phi thực phẩm của Big C thời gian qua đã chuyển sang mô hình khác, mới như shop-in-shop. Những mô hình mới này vẫn mua hàng từ các nhà cung cấp. Tuy nhiên sẽ giúp siêu thị đa dạng thêm các concept (ý tưởng - PV) chung, gia tăng trải nghiệm cho khách hàng.

Theo bà Phương, nếu duy trì cách kinh doanh như hiện tại, với quầy kệ giống như bên thực phẩm để bán quần áo thì sẽ không phù hợp với thị trường hiện tại và tương lai.

Đại diện Tập đoàn Central cho biết thêm, nhiều nước trên thế giới đã có mô hình shop-in-shop trong siêu thị, đại siêu thị.

Do vậy, Big C bắt buộc phải làm ra mô hình mới, concept mới nên tạm ngừng đặt hàng trong thời gian ngắn, lâu nhất là 2 tuần để siêu thị kiểm tra lại vấn đề nội bộ, tồn kho và chiến lược kinh doanh. 

"Đến thứ Hai tuần sau (ngày 8/7), đại diện các doanh nghiệp ngành hàng may mặc của Việt Nam sẽ được gặp Tổng Giám đốc Central Group để hiểu được rõ hơn định hướng, kế hoạch làm thế nào để không thể so sánh với Uniqlo, Zara hay những thương hiệu lớn, mà làm thế nào chúng ta theo được những thị trường thời trang", bà Phương thông tin.

"Big C đã hoạt động tại Việt Nam hơn 20 năm nay, có những nhà cung cấp hàng may mặc cho siêu thị từ những ngày đầu thành lập, nên Central Group không đường đột bỏ, dừng hợp đồng gì cả.

Hiện tại siêu thị vẫn bán bình thường, Big C chỉ ngưng đặt hàng để kiểm tra tồn kho, với những đơn hàng đã sản xuất và đã có cam kết nhận thì Big C vẫn nhận bình thường", bà Phương khẳng định.

Được biết, 20h hôm qua qua (2/7), phía Central Group có thư thông báo về quyết định tạm dừng hoạt động thu mua các sản phẩm may mặc từ các nhà cung cấp ngành hàng may mặc tại Việt Nam, kể từ tháng 7/2019.

Việc này nhằm chuẩn bị cho kế hoạch tái cấu trúc ngành hàng may mặc của Tập đoàn tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, thông báo bất ngờ này đã khiến không ít doanh nghiệp trở tay không kịp, công nhân lo lắng vì phải ngưng sản xuất.

Trong chiều 3/7, rất nhiều người là công nhân, chủ doanh nghiệp cung cấp ngành hàng may mặc cho Big C đã kéo đến văn phòng Tập đoàn Central treo băng rôn phản đối việc ngưng nhập hàng.

bigc4

(Ảnh: Như Huỳnh)

Như Huỳnh - Ánh Dương

Vàng, đô và lãi suất: Ý nghĩa như thế nào với kinh tế Việt Nam?
Tỷ giá USD/VND đã tăng 4,5% so với đầu năm, cao hơn 1% so với mức mất giá bình quân dưới 3,5% trong gần 1 thập kỷ. Điều này đã gây sức ép lớp lên các nhà điều hành phải đưa ra một loạt các chính sách kết hợp nhằm ngăn chặn sự giảm giá của đồng VND, tạo ra những tác động nhất định lên thị trường tài chính.