|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Nửa thập kỷ nhào nặn Big C của người Thái

08:39 | 03/03/2021
Chia sẻ
Sau 5 năm về tay người Thái, sau những bước đi chệnh choạng ban đầu dường như Big C đang dần lấy lại đà tăng trưởng với vị thế của kẻ nắm giữ thị phần lớn nhất trong phân khúc đại siêu thị ở Việt Nam.

Tháng 4/2016, Tập đoàn Central Group (Thái Lan) chính thức thâu tóm Big C Việt Nam từ tay Tập đoàn Casino (Pháp) trong một thương vụ trị giá 920 triệu euro, tương đương 1,05 tỷ USD. 

Theo thông tin công bố báo chí thời điểm đó, Big C Việt Nam có 43 siêu thị và 30 trung tâm mua sắm trên cả nước. Doanh thu năm 2015 là 586 triệu euro, tức tương đương khoảng 665 triệu USD.

Sau khi thâu tóm Big C, Central Group tiếp tục đổ thêm tiền vào ngành bán lẻ bằng việc tăng tỷ lệ sở hữu vốn tại Nguyễn Kim từ 40% lên 81,53% vào năm 2019, qua đó hoàn tất thương vụ thâu tóm và hợp nhất kết quả kinh doanh của Nguyễn Kim vào kết quả kinh doanh của tập đoàn.

Quay trở lại với Big C, sau khi đổi chủ, hệ thống bán lẻ này đã bị hụt hơi trong giai đoạn 2016 - 2018 khi doanh thu giảm so với thời điểm trước đó. Đến năm 2019, Big C mới lấy được đà tăng trưởng khi doanh thu vượt mốc 714 triệu USD.

Nửa thập kỷ nhào nặn Big C của người Thái - Ảnh 1.

Big C Thăng Long - đại siêu thị có doanh thu lớn nhất của Big C Việt Nam. (Ảnh: Thiên Trường).

Bước đầu chệnh choạng

Sau năm 2016, Big C Việt Nam nằm dưới sự quản lý của Công ty TNHH Dịch vụ EB do ông Poom Chirathivat, một người thuộc gia tộc Chirathivat, sinh năm 1989 quốc tịch Thái Lan, làm người đại diện pháp luật kiêm Giám đốc công ty.

Như đã nói ở trên, mặc dù có hiện tượng hụt hơi sau giai đoạn bị bán lại, nhưng tính đến thời điểm cuối năm 2019, Big C vẫn là chuỗi đại siêu thị có thị phần lớn nhất ở Việt Nam, chiếm 57,6%, theo báo cáo của Deloitte. Theo sau là các tên tuổi như Saigon Co.op, Lotte Mart, Aeon Mall và E-Mart.

Sau nửa thập kỷ bán mình cho đại gia Thái, Big C đang lời lỗ ra sao? - Ảnh 1.

Theo số liệu chúng tôi có được, trong 2016, năm đầu tiên về tay người Thái, đà tăng trước đó của Big C bị chặn đứng khi doanh thu giảm 22% xuống còn 12.000 tỷ đồng và tiếp tục giảm xuống 11.600 tỷ đồng vào năm 2017. 

Đáng nói, việc kinh doanh của Big C kém đi trong giai đoạn nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ sau khủng hoảng 2008 - 2010, và nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng tăng cao. Theo AT Kearney, giai đoạn 2016 - 2020 Việt Nam nằm trong 30 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất toàn cầu, với tốc độ tăng trưởng trung bình 11,9% mỗi năm.

Do đó, khi Big C đi xuống thì phần còn lại của ngành bán lẻ với các đối thủ như Saigon Co.op, Lotte Mart,… vẫn tiếp tục đi lên, tăng trưởng đều đặn qua các năm. 

Riêng Saigon Co.op, nhờ sự am hiểu thị hiếu người tiêu dùng Việt Nam, kết hợp chiến lược phát triển các chuỗi cửa hàng thực phẩm tiện Coop Food đã giúp công ty duy trì đà tăng trưởng trong những  năm gần đây. 

Sau nửa thập kỷ bán mình cho đại gia Thái, Big C đang lời lỗ ra sao? - Ảnh 2.

Trước thực tế này, trao đổi với báo giới năm 2018, ông Tos Chirathivat, Chủ tịch Central Group cho biết sẽ đầu tư tổng cộng 200 tỷ baht, tương đương 152.000 tỷ đồng trong 5 năm từ 2018-2022 trên toàn cầu, đặc biệt là thị trường Việt Nam, với mục đích kéo doanh thu lên gấp đôi, đạt 800 tỷ baht, xấp xỉ 608.000 tỷ đồng. Trong đó, ước tính thị trường Việt Nam đem về 20% tổng doanh thu.

Kết quả, sau 2 năm đầu chệnh choạng do chưa thực sự am hiểu thị hiếu tiêu dùng Việt Nam, Big C đã tìm lại đà tăng trưởng khi doanh thu tăng tới 21% trong năm 2018. Cùng thời điểm, các đối thủ của họ lại chỉ tăng trưởng khiêm tốn từ 6% (Saigon Co.op) tới 11% (Lotte Mart).

Số liệu gần nhất có được, đến năm 2019, doanh thu hệ thống Big C đã khởi sắc khi vượt qua con số 15.000 tỷ đồng thời điểm M&A, đạt 16.600 tỷ đồng.

"Thay áo mới" 

Đáng chú ý, mặc dù có thị phần số 1 tại Việt Nam trong phân khúc đại siêu thị và doanh thu lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng song biên lãi gộp của hệ thống Big C lại thấp tới đáng ngạc nhiên so với các doanh nghiệp khác cùng ngành.

Trong 5 năm qua, lãi gộp của Big C chỉ dao động tương đối quanh 0,96% - 1,46%, thấp hơn hẳn so với con số 19,55% - 26,89% của Lotte Mart trong cùng thời điểm. Doanh nghiệp khác là AEON Việt Nam cũng ghi nhận biên lợi nhuận ở mức 23,66% - 26,46%.

Sau nửa thập kỷ bán mình cho đại gia Thái, Big C đang lời lỗ ra sao? - Ảnh 3.

Do đó, mặc dù doanh thu lên tới cả chục nghìn tỷ đồng, song lợi nhuận của Big C chỉ dừng lại ở vài chục tỷ đồng mỗi năm. Trong đó, 2018 là năm hệ thống này có lợi nhuận thấp nhất sau 5 năm nằm trong tay người Thái, khi lợi nhuận giảm sâu từ 86 tỷ đồng xuống còn 39 tỷ đồng.

Trước bối cảnh đó, năm 2019, Big C đã tiến hành tái cấu trúc một số ngành hàng, trong đó nổi tiếng nhất là sự kiện tạm ngừng mua hàng từ các doanh nghiệp may mặc Việt Nam để xem xét lại. Điều này khiến dư luận không khỏi phẫn nộ, lên tiếng đòi tẩy chay chuỗi siêu thị này trong một thời gian.

Khi ấy, đại diện Central Group Việt Nam lên tiếng cho biết việc tái cấu trúc chỉ nhằm mục đích nâng cao chất lượng hàng hóa buôn bán tại Big C. Thay vì chỉ tập trung vào phân khúc giá rẻ như thời gian qua, Big C sẽ làm việc lại với các đơn vị sản xuất để cung cấp cho thị trường các sản phẩm chất lượng với giá cả phải chăng. Sau tái cấu trúc, lợi nhuận Big C năm 2019 bất ngờ tăng vọt 4,2 lần lên 204 tỷ đồng.

Sau nửa thập kỷ bán mình cho đại gia Thái, Big C đang lời lỗ ra sao? - Ảnh 4.

Ngoài Big C, Công ty TNHH Dịch vụ EB cũng đang sở hữu một công ty con khác là Công ty TNHH Bán lẻ và Giao nhận Recess, là chủ thương hiệu thời trang Zalora. Song công ty này không có địa điểm bán hàng trực tiếp tại Việt Nam và doanh thu không đáng kể.

Tính đến thời điểm cuối năm 2019, Big C có tổng tài sản 3.544 tỷ đồng, tăng 20% so với con số đầu năm. Trong đó, hàng tồn kho là 139 tỷ đồng, tăng 1,4 lần. Tổng nợ phải trả của doanh nghiệp là 2.808 tỷ đồng, tăng so với con số 2.420 tỷ đồng đầu năm, trong đó chủ yếu là nợ ngắn hạn.

Đến nay, Central Group sở hữu trong tay hệ thống 36 siêu thị Go! và đại siêu thị Big C tại các tỉnh thành trên cả nước. 

Mới đây nhất, Big C đã triển khai chương trình tái định vị thương hiệu bằng cách chuyển 7 siêu thị thành Tops Market, 5 Đại siêu thị đổi tên thành GO! Trong đó, chuỗi Tops Market sẽ được thiết kế đảm bảo đủ ba tiêu chí: thực phẩm hữu cơ tươi sống đa dạng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và dịch vụ khách hàng.

Thiên Trường