|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá điện tăng kéo giá thành nuôi tôm có thới điểm tăng 4.000 - 5.000 đồng/kg

14:22 | 04/07/2019
Chia sẻ
Vụ Nuôi trồng Thủy sản cho hay hiện nay là giá thành sản xuất tôm Việt Nam rất cao. Giá điện tăng dẫn đến chi phí sản xuất tăng. Có thời điểm chi phí sản xuất một kg tôm có khi chi phí tăng 4.000 - 5.000 đồng.

Tôm Việt cạnh tranh khốc liệt với tôm Ấn Độ và Ecuador

Phát biểu tại Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm Tổng Cục thủy sản, ông Như Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ nuôi trồng thủy sản cho biết hoạt động sản xuất tôm trong 6 tháng đầu năm còn nhiều khó khăn. 

thuy-san

Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm Tổng Cục thủy sản. (Ảnh: Đức Quỳnh)

Từ năm ngoái đến nửa đầu năm 2019, ngành tôm chịu tác động cạnh tranh khốc liệt với tôm của các nước trên thị trường, đặc biệt là đối với tôm Ấn Độ và Ecuador. 

Ông Cẩn giải thích thêm Ấn Độ trong 5 năm trở lại đây tăng trưởng liên tục về sản lượng. Có những năm nước này tăng trưởng tới tới 30%. Có lúc, Ấn Độ bán với giá dưới giá thành sản xuất dẫn đến mức độ cạnh tranh gay gắt. 

Đối với Ecuador, có tiềm năng lớn với các sản phẩm rất tốt và sức cạnh tranh.

"Như vậy, câu hỏi đặt ra cho ngành tôm Việt Nam trong thời gian tới là làm sao giảm giá thành sản xuất?", ông Cẩn nói.

"Cái vướng của chúng ta hiện nay là giá thành sản xuất rất cao. Giá điện tăng dẫn đến chi phí sản xuất tăng. Có thời điểm chi phí sản xuất một kg tôm có khi chi phí tăng 4.000 - 5.000 đồng. 

Bên cạnh đó, thời gian qua giá thức ăn cho tôm trải qua hai lần tăng giá cũng kéo theo chi phí tăng theo và sức cạnh tranh càng thấp", đại diện Vụ Nuôi trồng Thủy sản chia sẻ tại hội nghị.

Khác với cá tra, quy mô sản xuất tôm vẫn nhỏ lẻ, hệ thống liên kết chuỗi chưa tốt như cá tra nên khi có tác động thị trường nên người sản xuất bất lợi.

Nhận xét về vấn đề giá thành sản xuất tôm vẫn còn cao, ông Nguyễn Ngọc Oai, Quyền Tổng cục trưởng, Tổng Cục Thủy sản cho biết vấn đề chi phí sản xuất tôm vẫn còn cao do tác động từ nhiều phía. Do đó, chưa thể giải quyết một sớm một chiều trong thời gian từ nay đến cuối năm. 

Tương tự, liên kết trong nuôi tôm chắc chắn vẫn còn lỏng lẻo hơn nuôi cá tra nên cần phải có thời gian khắc phục vấn đề này.

Điểm sáng ngành tôm từ nay đến cuối năm

Mặc dù còn nhiều khó khăn, Vụ trưởng Vụ nuôi trồng thuỷ sản vẫn lạc quan từ nay đến cuối năm vẫn có điểm sáng cho ngành tôm.

Cuối năm là thời điểm chính mùa tôm của Ấn Độ kết thúc. Ngoài ta, nhu cầu cầu của thị trường, đặc biệt là Trung Quốc vẫn rất cao. Các hiệp định thương mại tự do được kì vọng sẽ tạo sức đẩy cho ngành tôm trong thời gian tới.

"Hiện nay chúng ta kí kết một số hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Chúng ta có nhiều cơ hội, hàng rào thuế quan giảm. Điều chúng ta cần là giảm giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng thành phẩm", ông Cẩn nhận định.

Ông Cẩn đề xuất ngành tôm cần sớm tổ chức cuộc họp với các doanh nghiệp, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản để chia sẻ thông tin, lắng nghe khó khăn, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu. Trong đó, giá thành sản xuất là một trong những nội dung cần sự vào cuộc nhiều ngành. 

Theo ông Pham Quang Toản, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Tổng Cục thủy sản), ước tính trong nửa đầu năm nay, diện tích nuôi tôm nước lợ đạt 667.000 ha, tăng hơn 2% so cùng 2018 và thực hiện được 92% kế hoạch năm 2019.

Trong đó, diện tích tôm sú khoảng 590.000 ha, tăng 1%, diện tích tôm thẻ chân trắng khoảng 77.000 ha, tăng 108%.

Sản lượng thu hoạch ước đạt 289.7000 tấn, tăng 8,8% so cùng và đạt 33,7% so với kế hoạch cả năm 2019. Sản lượng tôm sú đạt khoảng 112.300 tấn, tăng gần 7% so với cùng kì năm ngoái. Tôm thẻ chân trắng đạt 177.400 tấn, tăng hơn 10%.

Đức Quỳnh