Thị trường hàng hóa (26/7): Ngành gạo đối mặt nhiều thách thức, giá tiêu khó phục hồi
1. Ngành gạo phải đối mặt với hàng loạt rào cản thương mại trên thế giới
Theo ông John Morgan, Phó chủ tịch của Supreme Rice, có rất nhiều rào cản thương mại, không chỉ riêng thuế quan như giao thức kiểm dịch thực vật. Quy trình này cho biết gạo được phân loại và giao dịch như thế nào ở trong nước, nhưng Mỹ và Trung Quốc không thể thống nhất về các giao thức đó.
“Nó không liên quan nhiều đến vấn đề thuế quan, mà là cách bạn giao dịch với quốc gia khác và điều gì được chấp nhận, không được chấp nhận; và rất nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng quỳ trình này để làm chậm thương mại hoặc cản trở thương mại", ông Morgan giải thích.
Morgan cho biết thêm thuế quan là một công cụ để ngăn chặn thương mại.
“Gạo phải đối mặt với những rào cản này trên khắp thế giới", ông Morgan nói.
2. Gỡ khó hồ tiêu trước tồn kho và đà rớt giá
Ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) nhận định, giá tiêu khó lòng phục hồi trong 1 - 2 năm tới do cung vượt quá cầu. Chủ tịch VPA cho rằng cách duy nhất để cải thiện giá tiêu là nâng cao chất lượng sản phẩm. Theo đó, doanh nghiệp cần liên kết với người nông dân để tạo ra nguồn nguyên liệu bền vững, chấm dứt hiện tượng lạm dụng thuốc trừ sâu và phân bón hóa học. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần đi vào chế biến sâu các sản phẩm tiêu như tiêu đen nghiền hay tiêu trắng nghiền.
3. Ngô Mỹ đang mất đi chỗ đứng tại thị trường EU dù giá chạm đáy gần 1 năm
Theo Reuters, ngô Canada đang được đưa vào châu Âu với tốc độ nhanh nhất trong bốn năm, nhờ thuế quan trả đũa của Liên minh châu Âu (EU) đánh lên hàng hóa Mỹ đã khép lại cánh cửa của khối liên minh đối với ngô Mỹ.
Việc EU chuyển sang mua ngô từ Canada thay cho nguồn cung từ Mỹ có thể gây áp lực lên hợp đồng ngô giao sau trên sàn giao dịch Chicago, vốn đã xuống gần mức thấp nhất trong khoảng một năm.
4. Kim ngạch xuất khẩu cá ngừ tăng tốc trong quý II
Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, xuất khẩu (XK) cá ngừ trong tháng 6 đạt gần 57 triệu USD, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2017; nâng tổng giá trị XK cá ngừ trong 6 tháng đầu năm lên gần 303 triệu USD, tăng 12% so với nửa đầu năm 2017.
Trong đó, XK cá ngừ tươi, sống, đông lạnh và khô mã HS03 đạt 159 triệu USD, chiếm 52,5% tổng giá trị XK cá ngừ của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm. So với nửa đầu năm 2017, XK cá ngừ tươi sống, đông lạnh và khô của Việt Nam tăng 5,7%.
Xem thêm |