|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Gỡ khó hồ tiêu trước tồn kho và đà rớt giá

13:00 | 26/07/2018
Chia sẻ
Việc diện tích trồng tiêu gấp tới 3 lần so với quy hoạch khiến cung vượt quá cầu, gây áp lực lên giá tiêu trong hai năm qua. Chuyên gia dự báo giá tiêu khó phục hồi trong 1 - 2 năm tới do tồn kho vẫn còn nhiều.

Diện tích vượt 300% so với quy hoạch

Giá tiêu trong hai năm qua liên tục lao dốc khiến người nông dân luôn trong trạng thái “đứng ngồi không yên” khi khoản nợ ngân hàng vẫn còn đó trong khi trồng tiêu không có lãi.

Còn nhớ năm 2015, khi giá tiêu tăng “nóng”, có lúc đạt ngưỡng kỷ lục trên 200.000 đồng/kg, nhiều gia đình khu vực Tây Nguyên được “đổi vận”, xây nhà, mua xe. Lúc đó, người dân ví von vui rằng tiêu giống như "vàng đen". Nhà nhà, người người đổ xô trồng tiêu. Giá tiêu tăng trùng thời điểm giá cao su giảm mạnh, hàng loạt hộ dân ở Đắk Nông càng có thêm lý do để chặt cao su chuyển sang trồng tiêu, bất cấp cảnh báo của cơ quan nông nghiệp địa phương về nguy cơ dư cung. Không chỉ cây cao su, cây cà phê cũng chịu hoàn cảnh tương tự khi người dân thay thế bằng cây hồ tiêu do lợi nhuận quá cao.

“Cái chết vàng đen” bắt đầu le lói khi tiêu giảm từ mức trên 200.000 đồng/kg giữa năm 2015 xuống còn hơn 180.000 đồng/kg đầu năm 2016 và rồi còn 128.000 đồng/kg cuối năm. Giông tố chính thức ập đến ngành tiêu vào năm 2017 khi giá giảm tới gần một nửa từ mức trên 135.000 xuống còn 74.000 đồng/kg. Tính đến hiện tại, giá tiêu chỉ còn khoảng 52.000 - 53.000 đồng/kg, tức là chỉ bằng 1/4 so với mức kỷ lục, và bằng giá thành sản xuất.

go kho ho tieu truoc ton kho va da rot gia

Diễn biến giá tiêu từ năm 2017 đến tháng 6/2018. Nguồn: Số liệu tổng hợp từ Bộ NN&PTNT

Chị T, ở xã Cư Drăm, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk cho hay: “Năm 2015, gia đình tôi chặt toàn bộ 10 ha cây cà phê để trồng tiêu. Bây giờ đến kỳ thu hoạch thì giá tiêu giảm thế thảm khiến cả nhà mất ăn mất ngủ”.

Đây cũng là cái kết dễ hiểu của ngành tiêu với diện tích vượt tới 300% so với quy hoạch. Cụ thể, theo Quyết định 1442/QĐ-BNN-TT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, mục tiêu của quy hoạch là phấn đấu đến năm 2020, tầm nhìn 2030 diện tích trồng hồ tiêu cả nước duy trì ổn định ở mức 50.000 ha. Tuy nhiên, đến cuối năm 2017, diện tích tiêu đã đạt tới 152.000 ha.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho biết năm 2017, tổng sản lượng hồ tiêu thế giới tăng lên khoảng 470.000 tấn, trong đó nguồn cung từ Việt Nam đóng góp tới trên 50%. Trong khi đó, theo Cục Xuất khẩu (Bộ Công Thương), 95% lượng tiêu của Việt Nam dùng để xuất khẩu, nhu cầu hồ tiêu thế giới chỉ khoảng 300.000 - 350.000 tấn/năm.

“Tồn kho hồ tiêu thế giới hiện nay khoảng trên 100.000 tấn”, ông Hải nói thêm.

Nỗi lo càng thêm chồng chất khi cây tiêu chết nhiều nơi. Tuy nhiên số lượng tiêu chết cũng không hề hấn gì so với phần diện tích vượt quy hoạch. Ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu huyện Chư Sê cho biết: “Cây tiêu chết 1, người dân trồng 10, thậm chí còn hơn 10 cây”.

Xuất khẩu hạt tiêu sang Ấn Độ gặp khó

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, Ấn Độ là thị trường nhập khẩu tiêu lớn thứ ba của Việt Nam sau Mỹ và Ai Cập. Tuy nhiên, xuất khẩu tiêu sang thị trường này trong tháng 6 chỉ đạt 921 tấn, trị giá 2,8 triệu USD, giảm tới 54% về lượng và 69% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 6 tháng, lượng tiêu xuất khẩu sang Ấn Độ đạt 11.652 tấn, trị giá 39,2 triệu USD, tăng 58% lượng nhưng giảm 2,2% về giá trị.

go kho ho tieu truoc ton kho va da rot gia
“Cái chết vàng đen” đến với người dân trồng tiêu như thế nào?

Theo tờ MyDigitalFc, hồ tiêu Việt Nam trở thành cơn “ác mộng” đối với ngành tiêu Ấn Độ. Đà lao dốc của giá hồ tiêu đen tại ba huyện trồng hạt tiêu lớn nhất cả nước là Kerala, Tamil Nadu và Karnataka ngày càng nghiêm trọng. Theo các chuyên gia thị trường, nguyên nhân chính dẫn tới cho việc giảm giá là sự gia tăng đáng kể trong khối lượng nhập khẩu từ Việt Nam.

Hiện tại, giá tiêu Việt Nam tại thị trường Ấn Độ chỉ khoảng 200 rupee/kg (tương đương gần 70.000 đồng/kg), thấp hơn nhiều so với giá tiêu nội địa là khoảng 360 rupee/kg (tương đương gần 105.000 đồng/kg).

Hồi tháng 12/2017, Bộ thương mại Ấn Độ quyết định áp dụng mức giá nhập khẩu tối thiểu là 500 rupee/kg đối với tiêu để kiểm soát hoạt động nhập khẩu. Thêm vào đó, tiêu nhập khẩu từ Việt Nam phải chịu mức thuế tới 52% theo Hiệp định thương mại ASEAN. Vì vậy đây được coi là khó khăn lớn đối với việc xuất khẩu tiêu sang thị trường này.

Giá tiêu khó lòng phục hồi trong 1 - 2 năm tới

Ông Hải nhận định, giá tiêu khó lòng phục hồi trong 1 - 2 năm tới do cung vượt quá cầu. Chủ tịch VPA cho rằng cách duy nhất để cải thiện giá tiêu là nâng cao chất lượng sản phẩm. Theo đó, doanh nghiệp cần liên kết với người nông dân để tạo ra nguồn nguyên liệu bền vững, chấm dứt hiện tượng lạm dụng thuốc trừ sâu và phân bón hóa học. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần đi vào chế biến sâu các sản phẩm tiêu như tiêu đen nghiền hay tiêu trắng nghiền.

Ông Hải cho biết giá tiêu thô chỉ dao động khoảng 2.800 - 3.000 USD/tấn, trong khi giá tiêu đen nghiền và giá tiêu trắng nghiền lên tới 5.000 USD/tấn. Hiện nay, tiêu thô chiếm tới 81% tỷ trọng xuất khẩu tiêu của Việt Nam.

Ngoài ra, ông Bính cho biết nhu cầu tiêu sản xuất đạt tiêu chuẩn hữu cơ trên thế giới rất cao. Nếu sản phẩm hồ tiêu Việt Nam đạt được tiêu chuẩn đó thì giá có thể tăng tới 4 - 5 lần.

Đức Quỳnh