Nghịch lí ngành hồ tiêu: Thừa vẫn thừa, thiếu vẫn thiếu
Vàng mà thừa thì cũng ế chứ không riêng gì hồ tiêu!
Đó là phát biểu của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường về thực trạng ngành hồ tiêu hiện nay.
Theo ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, đây là giai đoạn khó khăn nhất của ngành hồ tiêu Việt Nam.
Vụ tiêu trong nước đang trong kì thu hoạch. Giá hồ tiêu hiện khoảng 43.000 đồng/kg. Nếu so với giá thành sản xuất của nông dân khoảng 50.000 đồng/kg thì người dân lỗ 7.000 đồng/kg.
Nguyên nhân chủ yếu vẫn là sự phát triển nóng của diện tích hồ tiêu. Năm 2013, cả nước mới 52.000 ha, đến năm 2019 con số này nâng lên 152.000 ha.
Tổng sản lượng hồ tiêu trên thế giới là 525.000 tấn thì Việt Nam chiếm gần một nửa đạt 245.000 tấn. Năm 2018, cả thế giới xuất khẩu 388.000 tấn, Việt Nam chiếm 60% với 245.000 tấn.
Không riêng Việt Nam, 5 năm qua, nông dân trồng tiêu thế giới cũng chịu thiệt hại. Sản lượng tiêu các nước lớn tăng mạnh 5 năm qua. Campuchia tăng từ 5.000 tấn lên 32.000 tấn, Brazil tăng từ 35.000 tấn lên 85.000 – 90.000 tấn. Trong khi nhu cầu tiêu thụ hồ tiêu chỉ tăng trên dưới 2,2%.
Ông Nguyễn Nam Hải kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn giữ diện tích hồ tiêu khoảng 110.000 ha. Ông Hải đề nghị tạo kiện tối đa cho nông dân trồng tiêu, giãn nợ cho họ, nếu không việc đầu tư sản xuất sẽ gặp nhiều khó khăn.
Ảnh minh họa
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhận xét sản xuất hồ tiêu hiện nay không "ăn nhập gì" với tiêu thụ.
Bộ trưởng yêu cầu Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản kết hợp với Cục Phát triển Thị trường (Bộ Công Thương) tổ chức hội nghị về chế biến đối với mặt hàng hồ tiêu. Trên cơ sở đó, 5 tỉnh Tây Nguyên và 4 tỉnh Đông Nam Bộ rà soát lại và giảm diện tích trồng tiêu, đặc biệt là những khu vực không đủ điệu kiện thổ nhưỡng và thời tiết cho loại cây này.
Thay vào đó, các tỉnh xem xét trồng những loại cây phù hợp với điều kiện thời tiết ở vùng trong khi hiệu quả kinh tế cao hơn như bơ, sầu riêng…
Đối với doanh nghiệp, Bộ trưởng cho rằng cần tập trung nhiều hơn nữa cho chế biến: "Sản lượng hồ tiêu Việt Nam chiếm một nửa thế giới mà lại phải chịu thế à? Trong khi doanh nghiệp lại quá giỏi.
Nếu chế biến ra dầu tiêu, giá trị gấp 20 lần so với tiêu thô. Trong khi hiện nay không đủ dầu tiêu để bán mà lại thừa tiêu thô. Vô lí quá! Vàng mà thừa thì cũng ế chứ đừng nói gì đến hồ tiêu"
Sắp tới sẽ có nhiều doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị sâu hơn. Các doanh nghiệp cần tìm những công nghệ chế biến tiêu tiên tiến nhất hiện nay.
Giá tiêu không ngừng trượt dốc do người dân ồ ạt bán ra
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong tháng 2, giá tiêu tại thị trường trong nước giảm so với tháng 1
Ngày 26/2, giá hạt tiêu đen giảm 3,2 - 6,7% so với ngày 31/1 xuống còn 42.000 - 45.000 đồng/kg. Giá hạt tiêu trắng ở mức 71.000 đồng/kg, thấp hơn so với 95.000 đồng/kg của cùng kỳ năm 2018.
Thị trường càng ảm đạm hơn khi mới đây Cục chế và Phát triển Thị trường nông sản dự báo tháng 3, giá tiêu có thể tiếp tục giảm xuống còn 40.000 đồng/kg.
Cục Xuất nhập khẩu cho hay việc người dân ồ ạt bán ra trong tháng 2 đã gây áp lực lên giá tiêu. Bên cạnh đó, thị trường hạt tiêu toàn cầu vẫn đang chịu sức ép dư cung, giá giảm chủ yếu ở các quốc gia sản xuất chính như Brazil, Việt Nam, Ấn Độ.
Theo báo cáo của Hiệp hội Hạt tiêu Quốc tế (IPC), Brazil, quốc gia chủ yếu sản xuất hạt tiêu đen, đã vươn lên trở thành nhà sản xuất và xuất khẩu hạt tiêu lớn thứ hai thế giới, sau Việt Nam.
Tiêu của Brazil xuất sang hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, kể cả các quốc gia sản xuất hạt tiêu (trừ Indonesia).
Tính đến cuối năm 2018, Brazil đã xuất khẩu 72.580 tấn hạt tiêu, chiếm 99% là tiêu hạt, tăng 22% so với năm 2017 và 134% so với 2016.
Giá tiêu hạt xuất khẩu của Brazil năm qua đạt 2.689 USD/tấn và 1.954 USD/tấn đối với hạt tiêu xay.
Giá tiêu dự báo giảm xuống 40.000 đồng/kg thời gian tới | 'Cay mắt' vì giá tiêu đến bao giờ? | Quảng Bình: Cay mắt vì… tiêu |