Thị trường hàng hóa (22/8): Người Việt tiêu thụ gạo nhiều thứ hai thế giới, Lạng Sơn tính xuất khẩu na sang Trung Quốc
1. Người Việt tiêu thụ gạo nhiều thứ hai trên thế giới, sau Myanmar
Giai đoạn 2007 – 2016, tốc độ tăng trưởng tiêu thụ gạo đáng chú ý nhất là tại Indonesia (tăng 3%/năm), Việt Nam (tăng 2,9%/năm) và Bangladesh (tăng 1,7%/năm), trong khi những quốc gia dẫn đầu về tiêu thụ gạo ghi nhận xu hướng tương đối ổn định.
Lượng tiêu thụ gạo/đầu người nhiều nhất là tại Myanmar (306 kg/năm), Việt Nam (285 kg/năm), Thái Lan (233/kg), Bangladesh (229 kg/năm) và Indonesia (210 kg/năm); còn mức tiêu thụ gạo/đầu người trung bình ước đạt 72 kg/năm vào 2016.
2. Đấu giá thí điểm 94.000 tấn đường nhập theo hạn ngạch thuế quan 2018
Ngày 21/8, Bộ Công Thương ban hành hướng dẫn đấu giá thí điểm 94.000 tấn đường (Mã HS 17.01) theo hạn ngạch thuế quan nhập khẩu năm 2018.
Đối tượng tham gia là các thương nhân trực tiếp sử dụng đường làm nguyên liệu sản xuất và thương nhân sử dụng đường thô để sản xuất đường tinh luyện, và cá nhân, tổ chức có liên quan đến việc nhập khẩu đường theo hạn ngạch thuế quan năm 2018.
3. Ngành thủy sản đầu tư 1,75 triệu USD cho Dự án nuôi tôm, cá tra bền vững tại ĐBSCL
Ngày 22/8 trong khuôn khổ Hội chợ Vietfish 2018, nhóm Hợp tác Công tư Thủy sản (PPP Thủy sản) đã kí kết thỏa thuận triển khai Dự án "Hỗ trợ phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững tại Đồng bằng sông Cửu Long thông qua Hợp tác Công tư" để giải quyết những khó khăn trong việc nuôi tôm nước lợ và cá tra.
Mục tiêu của dự án nhằm tăng cường hiệu quả quản lý dịch bệnh trên cơ sở hoàn thiện hệ thống quan trằc môi trường cảnh bảo dịch bệnh; cải thíện năng suất nuôi trồng tôm và cá tra thông qua xây dựng quy trình nuôi trồng tôm, cá tra theo chuỗi cung ứng; và hỗ trợ các doanh nghiệp tôm và cá tra xây dựng, cải thiện hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường.
4. Vĩnh Hoàn bắt tay với Tập đoàn Pharmaq nhân rộng tiêm vắc-xin cho cá tra
Tập đoàn Pharmaq có trách nhiệm hỗ trợ, giúp đỡ để thủy sản Việt Nam sớm tiếp cận công nghệ, sớm chủ động việc nghiên cứu và sản xuất vắc-xin.
Phát biểu tại lễ ký kết, ông Morten Nordstad, Chủ tịch Tập đoàn Pharmaq cho biết, nuôi trồng thủy sản là cơ sở để đáp ứng được nhu cầu về các nguồn lợi lành mạnh, dự nhu cầu thủy sản sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030. Vì không có tăng trưởng trong nhu cầu đánh bắt nên thế giới đang tìm tới nuôi trồng thủy sản để thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng.
5. Vietfish 2018 thu hút đông đảo doanh nghiệp Đài Loan, Hàn Quốc
Hội chợ triển lãm quốc tế Vietfish 2018 diễn ra từ ngày 22 – 24/8, bao gồm 374 gian hàng của 233 đơn vị hoạt động liên quan lĩnh vực thủy sản đến từ 14 quốc gia và vùng lãnh thổ, riêng Việt Nam sẽ có 153 đơn vị tham dự.
So với 10 năm trước (năm 2008), số lượng doanh nghiệp tham dự Vietfish tăng 30%, tăng thêm 48 gian hàng, số lượng doanh nghiệp quốc tế tham gia triển lãm cũng tăng thêm.
6. Tăng chi quỹ bình ổn để giữ nguyên giá xăng
Giá bán lẻ các mặt hàng xăng được giữ ổn định trong kỳ điều hành giá lần này. Với các mặt hàng dầu chỉ tăng giá dầu diesel với mức tăng 148 đồng/lít, còn dầu hỏa và dầu mazut được điều chỉnh giảm với mức giảm lần lượt là 116 đồng/lít và 270 đồng/kg.
Như vậy, sau khi điều chỉnh, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường với xăng E5 RON92 là 19.611 đồng/lít; xăng RON95 21.177 đồng/lít; dầu diesel 17.686 đồng/lít; dầu hỏa là 16.263 đồng/lít và dầu mazut 14.743 đồng/kg.
7. Lạng Sơn tính xuất khẩu na sang Trung Quốc
Ông Lăng Tiểu Tướng, Phó Thị trưởng Bằng Tường (Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, Trung Quốc) có mặt tại vườn na ở xã Chi Lăng cho biết: Na nơi đây rất ngon, lành, bổ, giá cả lại phải chăng. Với điều kiện thuận lợi như hiện nay, chính quyền Bằng Tường mong muốn trái na sớm được đưa vào danh mục nông sản được xuất chính ngạch của Trung Quốc.
Trung Quốc với quy mô dân số gần 1,4 tỷ dân là thị trường quan trọng, rộng lớn, đầy tiềm năng. Theo báo cáo của ngành chức năng trong 6 tháng đầu năm 2018, Trung Quốc chi 3,7 tỷ USD để nhập khẩu nông sản Việt Nam.