Thị trường gỗ nguyên liệu sẽ cạnh tranh khốc liệt sau căng thẳng Nga - Ukraine
Giá gỗ nguyên liệu tăng sau căng thẳng Nga – Ukraine
Tại tọa đàm "Xung đột Nga - Ukraine và tác động tiềm tàng tới ngành gỗ Việt Nam", ông Võ Quang Hà, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tân Vĩnh Cửu (Tavico) cho biết dù căng thẳng Nga – Ukraine mới nổ ra hai tuần, song các doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu nhận được nhiều thông báo tăng giá gỗ nguyên liệu từ đối tác.
"Doanh nghiệp đã gọi điện cho các nhà cung cấp tại EU và nhận được thông báo giá nguyên liệu gỗ đã tăng lên. Bởi, EU sẽ phải giữ lại một phần lượng gỗ nguyên liệu để bù đắp do không nhập từ Nga", ông Hà nói.
Ở góc độ hiệp hội, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) đánh giá Nga là nguồn cung gỗ nguyên liệu khổng lồ trong thế giới, với các nước EU và đặc biệt là Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chính của nguồn cung này.
Xung đột Nga – Ukraina với các biện pháp trừng phạt của các nước phương Tây, bao gồm hạn chế các thanh toán xuyên biên giới, sự tẩy chay của các công ty, hãng tàu có thể sẽ làm cho nguồn cung gỗ từ Nga bị co hẹp, thậm chí mất hẳn trong tương lai. Nếu điều này xảy ra, tác động tới nguồn cung gỗ nguyên liệu trên thế giới là vô cùng lớn.
Trong khi, Việt Nam nhập khẩu 5-6 triệu m3 gỗ quy tròn từ nhiều nước trên thế giới, với khoảng gần 2/3 lượng nhập khẩu là từ Mỹ và các nước EU. Phần lớn lượng nhập khẩu từ Mỹ và EU được đưa vào chế biến phục vụ xuất khẩu.
"Đến nay, Nga chưa phải phải là thị trường quan trọng của Việt Nam, cả về khía cạnh cung nguyên liệu và thị trường tiêu thụ đầu ra sản phẩm.
Tuy nhiên, lượng cung gỗ nguyên liệu từ Nga giảm mạnh sẽ gây ra thiếu hụt cung gỗ nguyên liệu trên quy mô toàn cầu, từ đó tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt giữa các quốc gia phải nhập khẩu gỗ nguyên liệu, bao gồm Việt Nam và đẩy giá gỗ nhập khẩu tăng cao", ông Lập nói.
Đồng quan điểm, ông Tô Xuân Phúc, Chuyên gia của Tổ chức Forest Trends cũng cho rằng Nga không phải thị trường cung gỗ nguyên liệu quan trọng của Việt Nam. Năm 2021, kim ngạch nhập khẩu gỗ từ Nga đạt khoảng 55 triệu USD, tương đương 2% tổng kim ngạch nhập khẩu gỗ nguyên liệu của Việt Nam từ tất cả các nguồn.
Việc thiếu hụt nguồn cung gỗ nguyên liệu từ Nga trong tương lai sẽ không có tác động trực tiếp tới Việt Nam. Đồng thời, Nga cũng không phải là thị trường lớn tiêu thụ các sản phẩm gỗ của Việt Nam.
Do vậy, kim ngạch xuất nhập khẩu gỗ sang Nga giảm, thậm chí mất thị trường này cũng sẽ không tạo ra những tác động tiêu cực đáng kể cho ngành.
Tuy nhiên, giá gỗ nguyên liệu nhập khẩu tăng sẽ làm giảm lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước trên trường quốc tế.
Gỗ Việt Nam có thể lấp đầy khoảng trống từ Nga?
Ở một khía cạnh khác, các doanh nghiệp trên thế giới có thể tìm kiếm các loài gỗ thay thế cho gỗ nhập khẩu từ Nga, mà gỗ keo của Việt Nam có thể là một sự lựa chọn.
Ông Vũ Hải Bằng, Chủ tịch HĐQT CTCP Woodsland cho rằng đây là cơ hội cho ngành gỗ Việt Nam khi các nhà sản xuất nội thất ở EU cũng thiếu nguồn nguyên liệu từ Nga.
Bên cạnh đó, 2 năm vừa qua, gỗ từ châu Âu đã tăng 50% nên đây cũng là sức ép rất lớn với các doanh nghiệp về giá thành và cũng buộc khách hàng cũng phải tìm giải pháp.
Do đó, doanh nghiệp xuất khẩu gỗ đã bàn với đối tác, thay thế một số chi tiết sản phẩm gỗ sồi bằng gỗ keo của Việt Nam.
"Việt Nam có lợi thế là có lượng gỗ từ rừng trồng đang cung ứng khá tốt với sản lượng lớn. Trong tình hình bất ổn như hiện nay, việc duy trì, bảo vệ và phát triển nguồn cung gỗ nội địa cả về lượng và chất sẽ là chỗ dựa tốt cho các doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam", ông Bằng nói.
Đồng tình với ý kiến của lãnh đạo Woodsland, ông Tô Xuân Phúc cho rằng Chính phủ cần đưa ra các cơ chế chính sách nhằm khuyến khích việc trồng rừng gỗ lớn. Ngoài ra, các cơ chế chính sách cũng cần tập trung vào tạo môi trường nhằm thu hút doanh nghiệp chế biến vào đầu tư tại các vùng nguyên liệu rừng trồng.
Ngoài ra, Việt Nam cần có chiến lược phát triển nguồn gỗ nguyên liệu rừng trồng, bao gồm việc đa dạng hóa các loài gỗ rừng trồng trong tương lai nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng về các loại sử dụng trong chế biến.